Thị trường âm nhạc Việt có đón được cơ hội?

GD&TĐ - Không phải ngẫu nhiên mà mấy năm trở lại đây nhiều thần tượng âm nhạc thế giới chọn Việt Nam là điểm đến.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Chỉ khi, dải đất hình chữ S này luôn an toàn và xinh đẹp, hấp dẫn. Chỉ khi, người Việt luôn mến khách, nhất là khán giả trẻ có điều kiện luôn sẵn lòng dành khoản tài chính không nhỏ để được bước vào không gian thần tượng mà trải nghiệm.

Chỉ khi thị trường âm nhạc của nước nhà có những bước tiến vượt bậc, đáp ứng tốt về trang thiết bị kỹ thuật để tạo nên một sân khấu rực rỡ cho thần tượng tỏa sáng. Và, tất nhiên, chỉ khi những sự kiện đó liên tục sinh lời, có thể ban đầu còn nho nhỏ rồi tiếp đó tăng đến cấp số nhân, thì sao không tích cực “đổ bộ” kia chứ!

Đó là điều mừng cho sự chuyển mình của thị trường âm nhạc nước nhà đang ngày càng tiệm cận với con đường phát triển công nghiệp văn hóa. Tất nhiên, đây mới là bước đầu của khâu cung cấp dịch vụ, địa điểm khi các sản phẩm trong nước chưa thể chào hàng với tầm vóc là một concert của idol quốc tế.

Vậy, tại sao những công ty giải trí thuần Việt không đón lấy cơ hội này và hướng đến một dịch vụ hoàn hảo hơn nữa bằng những bước “chuyển mình” thực sự?

Có thể là chuỗi sự kiện ở nhiều điểm đến chủ động tính toán giữa việc trùng khớp với thời điểm du khách đến Việt Nam để tạo lực hút toàn cầu? Có thể là sự khéo léo kết nối, tạo ra những đan cài ăn ý giữa idol quốc tế với nghệ sĩ Việt Nam để từ đó bắc nhịp cầu “môi giới” sản phẩm âm nhạc Việt tiến dần đến những concert tầm quốc tế?

Gần 10 năm trước, nhạc sĩ Quốc Trung đã khởi xướng và mở ra lễ hội âm nhạc quốc tế mang tên “Gió mùa” tại Hà Nội và gieo mầm xanh hy vọng về một thị trường âm nhạc quốc tế sôi động ở Việt Nam.

Khi ấy, qua “ông bầu” thuần Việt này, sự xuất hiện của các nghệ sĩ quốc tế thực sự làm nóng bầu không khí âm nhạc nước nhà, truyền đi những hơi thở mới trong bầu không khí mới.

Thế nhưng, sau đôi mùa khởi động đầy khí thế, “Gió mùa” rơi vào sự “long đong” khi “bấp bênh” về tài chính (bán vé không đủ bù lại cho chi phí sản xuất) rồi địa điểm tổ chức (Hoàng thành Thăng Long)… Nhất là sự khó khăn trong việc xin giấy phép của cơ quan chủ quản, làm Ban tổ chức khó tổ chức mời tài trợ, bán vé, khán giả sốt ruột trước những thông tin phập phù, đến nỗi có năm phải hoãn (2018).

Giờ đây, mừng là, không chỉ năm nay mà nối tiếp thêm 4 năm nữa “Gió mùa” được “an cư” thường vào khoảng tháng 10, khi Hà Nội quyết định để Hoàng thành Thăng Long là điểm gắn với lễ hội này cho đến năm 2027.

Lẽ ra, phải sớm hơn để không chỉ “Gió mùa” mà rất nhiều sản phẩm âm nhạc khác cần được trở thành những mắt xích tham gia vận hành ngành công nghiệp văn hóa của nước nhà.

Nhưng thà muộn còn hơn không, song mong là sẽ không có tiền lệ “đứt gãy” từ các đơn vị tổ chức cho đến cơ quan quản lý bằng một tầm nhìn hướng đến đời sống âm nhạc sinh lời từ những giá trị đích thực cho ngày mai…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: