Nhân dịp này, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với đạo diễn Hoàng Trọng Thanh, đạo diễn kiên cố vấn tổng thể chương trình và là một trong những người thực hiện dự án đưa Armin Van Buuren quay trở lại Việt Nam.
Trước hết, anh có thể tiết lộ cơ duyên nào đưa anh đến với chương trình này?
Tôi và anh Nguyễn Hữu Trung - Chủ tịch của Công ty ZEIT Media, đơn vị tổ chức chương trình - vừa là đối tác, vừa là những người anh em thân thiết lâu năm. Đây là dự án được Nguyễn Hữu Trung ấp ủ từ lâu và khi thời cơ đến cách đây hơn một năm, nghe cậu ấy bàn bạc, tôi tán thành và cùng bắt tay vào chuẩn bị ngay, bởi cả hai chúng tôi đều là tín đồ của âm nhạc điện tử, có chung thần tượng là Armin Van Buuren, một trong những DJ hàng đầu thế giới hiện nay.
Tổ chức một chương trình âm nhạc quy mô với tầm cỡ quốc tế như vậy hẳn không phải chuyện đơn giản. Các anh vượt qua những trở ngại đó như thế nào?
Thực tế mọi sự kiện dù lớn hay nhỏ thì trong quá trình triển khai cũng đều có những thách thức nhất định. Với những show quy mô như thế này, dù có chuẩn bị kỹ đến đâu chăng nữa, vẫn luôn có những khó khăn bất ngờ không ai lường trước được.
Nhưng tôi cho là thách thức do chính mình đặt ra mà thôi, nhiều khi xuất phát từ sự cầu toàn để mọi cái được hoàn hảo nhất. Vì mục tiêu của chúng tôi rất lớn: Góp phần đặt bản lề thay đổi nhận thức của bạn bè quốc tế về thị trường âm nhạc Việt Nam.
Rất nhiều lời khen từ khán giả và sự đánh giá cao của giới chuyên môn về đêm diễn vừa diễn ra tại TPHCM; kể cả đối với ngay bản clip demo sân khấu của sự kiện Armin Van Buuren by Vinaphone này. Liệu anh có thể bật mý cho khán giả biết đâu là nhân tố chính để mang lại thành công đó?
Trước hết phải dành lời khen và cảm ơn đến nhà thiết kế sân khấu Trịnh Hải Nam. Anh Nam là một thành viên quan trọng trong ekip của chúng tôi, đã cùng nhau xây dựng lên phương án sân khấu với quy mô quá lớn và thách thức chưa từng có trong lịch sử âm nhạc điện tử Việt Nam.
Đây là sân khấu có độ khó thi công và tốn kém vào bậc nhất ở nước ta, với rất nhiều thiết bị âm thanh ánh sáng kỹ xảo được đầu tư theo chuẩn quốc tế.
Thành công này còn đến từ sự hợp tác hiệu quả với ekip rất chuyên nghiệp của Armin. Tôi đã có may mắn được làm việc cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong nước và quốc tế, đặc biệt với huyền thoại EDM - Armin Van Buuren là một tên tuổi lớn, nhưng có phong cách làm việc vừa chuyên nghiệp lại rất cởi mở dễ chịu.
Trước đêm diễn, họ cử hẳn một đoàn kỹ thuật 20 người sang để phối hợp setup và quy chuẩn toàn bộ hệ thống thiết bị cho buổi biểu diễn tối 14/12 vừa qua. Tôi cho rằng điều quan trọng là trong quá trình hợp tác cần có tiếng nói chung thì mới đi đến thành công như mong muốn được.
Anh đánh giá thế nào về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay, đặc biệt đối với thị trường âm nhạc điện tử vốn đang là xu hướng của thế giới và được giới trẻ trong nước ngày càng yêu thích?
Thị trường âm nhạc nước ta đang trong quá trình phát triển, quy mô còn khiếm tốn, nhưng ngày càng có nhiều các sự kiện âm nhạc đẳng cấp quốc tế xuất hiện. Các thương hiệu lớn đã nắm bắt được thị hiếu của khối khách hàng trẻ, tiềm năng.
Rất nhiều tên tuổi lớn đã đến lưu diễn ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, đó là một tín hiệu đáng mừng khi chúng ta bắt đầu hòa chung với dòng chảy của âm nhạc thế giới.
Đối với nhạc điện tử, từ vài chục năm nay đã trở thành xu hướng của làng nhạc phương Tây và Mỹ, các show diễn luôn thu hút đông đảo bạn trẻ, mà Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Mỗi năm chúng ta có ít nhất 3 – 4 show nhạc điện tử quy mô, chủ yếu vẫn tập trung tại TPHCM, thu hút hàng chục nghìn người đến xem.
Đây là sự phát triển tất yếu và ngay đêm nhạc vừa diễn ra cũng chỉ là một trong những dấu ấn trong quá trình chuyển mình này của thị trường nhạc Việt Nam.
Một số DJ người Việt đã đạt tới đẳng cấp khu vực, đã có những show diễn ở nước ngoài được đánh giá cao. Tôi cho đây là điều đáng mừng và cũng là dấu hiệu minh chứng nhạc điện tử thực sự đang là xu hướng của âm nhạc Việt Nam hiện nay.
Xin cảm ơn anh!