Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Lưu ý khi ôn tập môn Toán theo đề mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 29/12/2023, Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh minh họa: ITN
Các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh minh họa: ITN

Trong đó, chỉ có môn Ngữ văn là thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Khi đọc và nghiên cứu đề toán minh họa coi như là mô phỏng tương tự cho lớp 12 đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Đề toán gồm 22 câu được chia thành 3 phần. Dạng câu hỏi trong đề thi có nhiều bài toán thực tế nhưng không có gì lạ so với Chương trình mới học sinh đang theo học nhưng vẫn phân loại được từng đối tượng học sinh.

Bộ thiết kế đề thi với độ khó tăng dần, câu hỏi nâng cao để phân loại chủ yếu ở phần II và ở phần III. Với những câu này là một xâu chuỗi kiến thức đòi hỏi học sinh biết lập luận, suy đoán và tính toán nhanh mới làm được.

Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu cụ thể từng phần của đề minh họa:

Phần I. Gồm 12 câu hỏi, mỗi câu có 4 lựa chọn, học sinh chỉ chọn một đáp án cho mỗi câu và được 0,25 điểm. Theo tôi phần này quen thuộc và học sinh được rèn luyện trong một thời gian dài nên sẽ không gặp nhiều khó khăn.

Phần II. Gồm 4 câu hỏi, mỗi câu có 4 ý a), b), c) và d). Đây là dạng câu hỏi trắc nghiệm nói về đúng sai. Số điểm được luỹ tiến theo từng ý và tối đa 1 điểm cho 1 câu hỏi.

Theo tôi, dạng câu hỏi này có cái hay là điểm tăng lên theo từng ý của mỗi câu và làm trọn vẹn 1 câu thì được 1 điểm. Tổng điểm phần này là 4 điểm nhưng để làm được đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, nó hạn chế được việc “khoanh bừa” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Phần III. Gồm có 6 câu hỏi dưới dạng giải ra và ghi kết quả, mỗi câu được 0,5 điểm. Đây là dạng câu hỏi mà học sinh giải theo kiểu tự luận.

Với loại câu hỏi này học sinh rất quen thuộc và được tương tác liên tục trong quá trình học. Muốn làm được dạng câu hỏi này đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức, kỹ năng và tư duy sáng tạo, đề không có đáp số sẵn mà học sinh phải giải nên không có tính “may rủi” để chọn như phần I. Dạng này rất phù hợp với học sinh trong quá trình học. Bộ thiết kế đề thi hướng đến đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh.

Vậy để học sinh làm tốt được ba phần thì cần lưu ý một số vấn đề sau:

Nắm chắc kiến thức đã học: Học sinh biết hệ thống hóa (tổng kết) các kiến thức đã học qua từng bài nhằm xem kiến thức nào là quan trọng, ghi nhớ và biết vận dụng kiến thức vào giải toán.

Biết phân tích và nhận xét các bài toán để lập luận chặt chẽ và chính xác; đưa các bài toán giống nhau về một dạng để nắm lấy phương pháp giải tổng quát; tìm tòi lời giải tối ưu cho các bài toán khó. Kiên trì và chịu khó giải bài tập của giáo viên biên soạn để củng cố kiến thức và nâng cao năng lực giải toán, từ đó dẫn đến ham thích, say mê học toán.

Thời gian học ở lớp: Khi học ở trên lớp cần tham gia hoạt động nhóm để tạo sự tự tin và hòa đồng với các bạn, các em phải lắng nghe và ghi chép bài giảng đầy đủ, nếu chỉ ngồi nghe sẽ nhanh quên, ghi chép sau này có tài liệu để tra cứu. Mạnh dạn hỏi khi chưa hiểu, khi hiểu rồi các em mới làm bài tập được; đừng ngại ngùng khi hỏi, giáo viên rất vui có học sinh hỏi bài.

Quá trình học cần khắc sâu các định nghĩa và định lý vì đề thi theo hình thức trắc nghiệm thì người ra đề sẽ hỏi bất kỳ một lượng kiến thức nào trong sách giáo khoa và muốn làm được thì các em phải nắm vững lý thuyết. Ai cũng biết, các bài toán khó được xây dựng trên mỗi chuỗi bài toán đơn giản và các em đủ sức để giải được các bài toán đó.

Thời gian học ở nhà: Do học nhiều môn nên học sinh cần có thời gian biểu phù hợp mới học tốt các môn. Riêng bộ môn Toán, để làm được bài tập các em phải coi lời giải của giáo viên giảng dạy ở lớp rồi làm theo và có thêm một chút sáng tạo là thành công. Thường xuyên làm bài tập giúp học sinh nhớ công thức và tích lũy kinh nghiệm giải toán; làm nhiều dạng, khi đi thi các em sẽ nhớ.

Do Bộ GD&ĐT cung cấp dạng đề mới nên học sinh hiện tại chưa có nguồn đề để làm quen. Phần đông các em đang chờ giáo viên dạy trên lớp cung cấp. Mỗi giáo viên tự biên soạn thì không phủ kín kiến thức về các dạng toán và mang tính chủ quan. Để có nguồn đề phong phú giúp cho học sinh tiếp cận và làm quen trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Tôi mong muốn Bộ xây dựng kho ngân hàng đề, trong kho ngân hàng đề gồm có: Đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ từ lớp 1 đến lớp 12 của tất cả các môn. Từ kho ngân hàng đề sẽ giúp học sinh trên toàn quốc có cơ hội tiếp cận để bổ trợ thêm kiến thức.

Làm bài tập từ dễ đến khó nhằm tăng tư duy suy luận và niềm đam mê mà quên đi nỗi sợ hãi. Luôn tìm tòi hướng giải mới để không bị bế tắc trong quá trình giải bài tập, đồng thời giúp các em có thêm kỹ năng kinh nghiệm với mỗi dạng bài toán. Trong quá trình giải toán mà mắc sai lầm thì cần ghi nhớ để tránh lặp lại. Học sinh nên có những ghi chú riêng để khi có thời gian thì xem lại, lỗi đó là gì, cách khắc phục ra sao? Tự trả lời những thắc mắc đó, nếu không trả lời được hỏi thầy cô.

Trước khi đến lớp cần xem trước bài mới, điều đó giúp các em tiếp thu bài tốt; nếu có chuẩn bị thì các em sẽ bắt kịp bài và hiểu dễ dàng hơn, tránh tình trạng bỡ ngỡ khi gặp bài lạ hoặc khó; khi đọc bài trước thì các em sẽ chuẩn bị sẵn những thắc mắc để lên lớp nhờ giáo viên giải đáp. Chú trọng các bài toán thực tế mà giáo viên cung cấp vì Chương trình mới thiên về ra các bài toán dạng này.

Kỹ năng làm bài: Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có 3 phần. Phần I là quen thuộc với học sinh và được tương tác thường xuyên, phần II và phần III là mới nên học sinh tăng cường ôn luyện. Để làm được cả 3 phần thì các em cần nắm chắc kiến thức đã học, ghi nhớ công thức toán học và khắc sâu phương pháp giải mỗi dạng toán.

Có những câu chỉ làm một vài giây, có câu làm một vài phút, câu vận dụng cao có khi làm cả 10 đến 15 phút. Như vậy, những em có học lực yếu, trung bình thì làm phần câu hỏi nhận biết và thông hiểu; học sinh khá, giỏi và xuất sắc thì làm thêm phần câu hỏi vận dụng.

Khi làm bài học sinh cần chọn câu dễ làm trước, những câu khó thì đọc đề thật kỹ rồi vạch những hướng làm ra nháp sau đó chọn cách làm thích hợp. Thường những câu khó thì phải tư duy để chọn cách giải tối ưu. Không được choáng ngợp khi thấy những bạn xung quanh xin nhiều giấy nháp mà phải tin tưởng vào bản thân mình. Nếu làm xong thì đọc lại bài để kiểm tra sai sót lần cuối.

Yếu tố tâm lý: Yếu tố này rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy nếu học sinh học tốt nhưng hay hồi hộp, lo lắng và căng thẳng thì kết quả không đạt như mong muốn. Để có tâm lý vững vàng các em cần lưu ý: Khi đi thi cần chuẩn bị dụng cụ đầy đủ và đến phòng thi sớm trước 15 phút để tinh thần thoải mái. Nhận đề thi thì đọc đề thật kỹ nhiều lần để tìm ra hướng giải cho từng câu. Nếu hồi hộp và hoang mang thì hít từng hơi thật sâu rồi thở ra từ từ hay nắm hai tay thật chặt vào nhau.

Dưới đây, tôi giới thiệu một đề kiểm tra giữa học kỳ II môn Toán lớp 11 theo 3 phần như mẫu của Bộ GD&ĐT để cùng trao đổi và học hỏi kinh nghiệm:

Những hình ảnh đi kèm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ