Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Nắm bắt xu hướng lựa chọn môn thi

GD&TĐ - Thời điểm này, nhiều trường THPT đã tiến hành khảo sát việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của học sinh khối 11.

Để chuẩn bị tốt cho Kỳ thi năm 2025, học sinh cần tập trung tổ hợp đã lựa chọn để học, ôn luyện hiệu quả. Ảnh: ITN
Để chuẩn bị tốt cho Kỳ thi năm 2025, học sinh cần tập trung tổ hợp đã lựa chọn để học, ôn luyện hiệu quả. Ảnh: ITN

Căn cứ kết quả, từ học kỳ II năm học 2023 - 2024, các trường tổ chức lớp ôn tập; đồng thời triển khai định dạng đề thi mới trong dạy học, kiểm tra, đánh giá để học sinh sớm làm quen.

Nắm bắt nguyện vọng người học

Trường DTNT tỉnh Bắc Giang triển khai khảo sát việc chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của học sinh từ sớm. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi, nhà trường đã chia sẻ thông tin này đến phụ huynh, học sinh sau đó tổ chức khảo sát.

Thông tin từ thầy Hiệu trưởng Nguyễn Danh Bắc, theo thống kê, môn được học sinh lựa chọn nhiều nhất là Địa lý (64,8%). Các môn khác có số học sinh lựa chọn từ cao xuống thấp lần lượt là: Vật lý (47,1%), Giáo dục kinh tế và pháp luật (45,7%), Sinh học (40%), Hóa học (28,6%), Tiếng Anh (25%) và Tin học (10%).

“Những năm trước, nhà trường chỉ có trên 10% học sinh lựa chọn bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, còn lại trên 90% chọn bài tổ hợp Khoa học xã hội. Do đó, với kết quả khảo sát như trên, nhà trường, giáo viên tiếp tục tư vấn, dựa trên năng lực, định hướng nghề nghiệp của các em và có thể điều chỉnh lựa chọn. Còn hiện tại, lựa chọn môn thi tản mạn, quy mô học sinh nhỏ nên khá khó khăn trong xếp lớp ôn tập”, thầy Nguyễn Danh Bắc cho hay.

Thầy Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của sở GD&ĐT, nhà trường đã triển khai khảo sát việc học sinh đăng ký lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, trong số 175 học sinh lớp 11, đa số chọn hai môn là Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; sau đó đến môn Sinh học.

Các môn khác học sinh chọn rất ít, đặc biệt Tiếng Anh chỉ có 4 học sinh. Việc ít học sinh lựa chọn môn Tiếng Anh là đặc thù của các trường vùng đặc biệt khó khăn. Trước khi tiến hành khảo sát, nhà trường tổ chức Hội nghị cha mẹ học sinh và buổi tư vấn chung cho học sinh khối 11 toàn trường.

Trường THPT Thanh Thủy (Thanh Thủy, Phú Thọ) cũng tiến hành khảo sát xong lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của học sinh khối 11. Mục đích nhằm nắm được nhu cầu, biết mỗi môn thi có số lượng học sinh lựa chọn thế nào để từ đó lên kế hoạch bồi dưỡng, tổ chức ôn thi tốt nghiệp.

Theo thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thắng, trước khi cho học sinh lựa chọn môn thi, nhà trường tiến hành tư vấn nhiều lần. Cụ thể, tư vấn trước toàn trường, hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm để thầy cô tư vấn lại cho học sinh lớp mình, tư vấn cho phụ huynh. “Nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh trước khi tiến hành khảo sát”, thầy Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Về kết quả, theo thầy Nguyễn Văn Thắng, có khoảng 70 - 80% học sinh chọn môn Tiếng Anh. Kết quả các môn khác khá “chụm” và cân bằng giữa hai khối tự nhiên, xã hội. Điều này thuận lợi cho công tác tổ chức lớp ôn tập. Từ kết quả khảo sát, nhà trường tổ chức lớp ôn luyện, dự kiến triển khai sau nghỉ Tết Nguyên đán. Trong quá trình học tập, ôn luyện, giáo viên tiếp tục tư vấn, hỗ trợ và các em có thể điều chỉnh hai môn thi đã lựa chọn trước đó.

Tại Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh), dù chưa tiến hành khảo sát, nhưng theo nắm bắt của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Khương, có 5 nhóm môn chủ yếu được học sinh lựa chọn là Vật lý - Hóa học, Lịch sử - Địa lý, Địa lý - Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử - Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tiếng Anh - Vật lý.

Cô trò Trường THPT Mường Chiềng trong giờ học. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THPT Mường Chiềng trong giờ học. Ảnh: NTCC

Xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp

Sau khi có kết quả khảo sát, hai việc được Trường THPT Mường Chiềng triển khai song song là xây dựng kế hoạch, tổ chức lớp ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đối với học sinh có học lực khá trở lên để đạt kết quả cao thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng; đồng thời, tổ chức lớp phụ đạo cho học sinh đạt nhưng còn yếu và chưa đạt chuẩn để bảo đảm kiến thức, tự tin tham gia kỳ thi.

Cùng đó, nhà trường yêu cầu giáo viên nghiên cứu kỹ đề minh họa, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 Bộ GD&ĐT công bố để học sinh làm quen, đặc biệt là hình thức trắc nghiệm đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn. Theo đó, đề kiểm tra đánh giá thường xuyên, giữa, cuối học kỳ sẽ theo đề minh họa. “Trong quá trình dạy học, ôn tập, nhà trường thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rà soát học sinh làm căn cứ điều chỉnh kế hoạch, nội dung ôn tập cho phù hợp từng giai đoạn”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Năm nay, Trường THPT Thanh Thủy tiếp tục duy trì lớp ôn thi “24 cộng” và “5 cộng”. “24 cộng” là lớp gồm những học sinh có tổng điểm tổ hợp 3 môn thi đạt từ 24 trở lên và “5 cộng” dành cho nhóm học sinh có điểm môn thi dưới trung bình. “Đây là lớp học đăng ký tự nguyện và hoàn toàn miễn phí”.

Chia sẻ thông tin này, thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thắng đồng thời trao đổi, học sinh lớp “24 cộng” thường đạt từ 25 đến 28 điểm (3 môn xét tuyển đại học). Năm 2023, nhà trường có 12 học sinh đạt 28 điểm trở lên và lâu nay không có học sinh trượt tốt nghiệp. Trường THPT Thanh Thủy cũng đứng đầu về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT khối không chuyên của tỉnh Phú Thọ.

Sẵn sàng tâm thế cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, là giáo viên chủ nhiệm lớp 11, sau cuộc họp phụ huynh học sinh cuối học kỳ I, cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) đã chia sẻ với phụ huynh học sinh về phương án thi với 4 môn, trong đó có 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn), 2 môn lựa chọn. Qua kết quả đạt được trong học kỳ I lớp 11, bố mẹ về chia sẻ, hỗ trợ tư vấn con lựa chọn 2 môn thi còn lại.

“Với đặc thù lớp ban Khoa học tự nhiên, ngay từ năm lớp 10, giáo viên đã trao đổi với cha mẹ học sinh để tổ chức học phụ đạo, định hướng các em đăng ký học 4 môn Toán, Vật lý, Hoá học, Tiếng Anh. Riêng môn Ngữ văn, sẽ học phụ đạo năm lớp 12 vì với phương pháp dạy học đổi mới và năng lực của các em, việc học môn Ngữ văn để đỗ tốt nghiệp không quá khó khăn.

Thời điểm này, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi năm 2025, các em cần tập trung tổ hợp mình đã lựa chọn để học, ôn luyện hiệu quả; tham khảo, luyện theo đề minh họa cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 do Bộ GD&ĐT công bố”, cô Vũ Thị Anh lưu ý.

Đưa lời khuyên với học sinh trong lựa chọn môn thi, thầy Nguyễn Văn Thắng cho rằng, quan trọng nhất phải phù hợp với năng lực bản thân và định hướng nghề nghiệp, không chạy theo số đông. Với học sinh xét tuyển vào đại học, các em xác định ngành nghề trước, sau đó chọn trường, nghiên cứu phương án tuyển sinh các trường từ đó chọn môn thi. Với học sinh thi tốt nghiệp, tiêu chí quan trọng nhất là năng lực, môn nào các em tự tin nhất, năng lực tốt nhất thì nên chọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ