Chia lớp phù hợp nâng cao chất lượng ôn tập thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Để ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả, chất lượng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó phương pháp ôn tập phù hợp là rất quan trọng.

Giờ học tại Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên).
Giờ học tại Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên).

Lên kế hoạch cụ thể, chi tiết

Thầy Nguyễn Văn Học, Hiệu trưởng Trường Trường THCS&THPT Cồn Tiên (Gio Linh, Quảng Trị) cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn thi THPT năm học 2023 - 2024. Thời gian ôn tập từ tháng 2/2024 đến tháng 6/2024.

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức ôn tập hiệu quả, theo thầy Nguyễn Văn Học, nhà trường đã thành lập ban chỉ đạo ôn thi tốt nghiệp và phân công rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ của từng thành viên.

Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lập kế hoạch, phối hợp với giáo viên ôn thi tốt nghiệp để phân nhóm học sinh lớp chủ nhiệm theo khả năng nhận thức để từ đó tăng cường và có biện pháp giúp đỡ học sinh có học lực yếu, vận động những học sinh khá giúp đỡ những học sinh này.

Ban Giám hiệu đồng thời duyệt kế hoạch ôn tập của các tổ, nhóm chuyên môn; phối hợp chặt chẽ với các bộ phận để thực hiện tốt nhiệm vụ; phân công giáo viên ôn thi và xếp thời khóa biểu ôn tập.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch ôn thi của giáo viên bộ môn; công tác quản lý của giáo viên chủ nhiệm. Cập nhật thông tin từng ngày về tình hình học tập của từng lớp…

Nhấn mạnh vai trò của giáo viên ôn tập, thầy Nguyễn Văn Học cho rằng, thầy cô cần xây dựng giáo án chi tiết, khoa học, hệ thống kiến thức, kỹ năng và nội dung rõ ràng. Chú ý ôn tập kiến thức tiệm cận với cách ra đề của đề của kỳ thi tốt nghiệp THPT).

Có phương pháp ôn tập phù hợp với từng đối tượng học sinh và nội dung của môn học. Quan tâm việc giúp học sinh học tập ở các mức độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng thấp và vận dụng cao.

Phải có nhiều hình thức kiểm tra (kiểm tra việc học bài và chuẩn bị bài của cá nhân học sinh, tự kiểm tra đánh giá của học sinh, tự kiểm tra đánh giá trong nhóm học tập...); nắm chắc mức độ tiếp thu của học sinh để có những giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh nhất là những học sinh yếu kém. Tuyệt đối không được dạy tủ, đoán đề.

Trong quá trình ôn tập, thầy cô cần phải hệ thống hóa được kiến thức cho học sinh giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản để vận dụng. Hướng dẫn học sinh tiếp cận đề thi và đáp án của Bộ GD&ĐT. Cho học sinh làm đề cương ôn tập và bài kiểm tra thử. Chấm bài kiểm tra và chữa để nắm bắt được mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh. Hướng dẫn học sinh biết phân tích đề, xác định trọng tâm, cân đối thời gian hợp lý để làm bài có hiệu quả cao nhất (nhất là bài thi trắc nghiệm).

“Giáo viên dạy ôn tập cũng cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm phân loại được năng lực tiếp thu bài của học sinh, phân ra từng loại đối tượng khác nhau để ôn tập có hiệu quả. Đặc biệt phải theo dõi và đánh giá được mức độ tiến bộ của từng học sinh để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời”, thầy Nguyễn Văn Học chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phụ đạo, ôn tập phù hợp bám sát đối tượng

Lưu ý trong tổ chức dạy ôn tập trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình yêu cầu các nhà trường căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ của từng môn, từng lớp, từng học sinh tiến hành chia lớp ôn tập.

Việc chia lớp cần phù hợp với trình độ nhận thức, năng lực của từng nhóm học sinh (cụ thể đối với từng bộ môn thi tốt nghiệp THPT, phân lớp ôn tập theo nhóm học sinh khá, có nguyện vọng đăng kí thi đại học; nhóm học sinh trung bình nhóm học sinh có học lực yếu, kém).

Đồng thời tăng cường công tác phụ đạo, ôn tập phù hợp bám sát đối tượng, tập trung nhiều hơn cho những học sinh có năng lực yếu. Gắn trách nhiệm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm chuyên môn, giáo viên bộ môn trong ôn tập, hỗ trợ học sinh, đặc biệt quan tâm tới các học sinh yếu, kém có khả năng trượt tốt nghiệp.

Để tăng cường hiệu quả công tác ôn tập, bà Bùi Thị Kim Tuyến đặc biệt nhấn mạnh tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, sử dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật dạy học, không gây quá tải, áp lực cho học sinh.

Luyện tập nhiều lần, linh hoạt trong cách đưa nội dung luyện tập, biên soạn câu hỏi, bài tập thành chuyên đề/đề thi, giao cho học sinh bằng nhiều hình thức (photo, giao bài qua nhóm Zalo, sử dụng các phần mềm,…) để chủ động tăng thời lượng luyện tập hàng ngày cho học sinh, hướng dẫn và chữa bài tập cho các em hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng đã học.

Giáo viên chủ động hướng dẫn học sinh tham khảo, làm quen với cấu trúc đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập.

Thầy cô cũng cần giới thiệu cho học sinh các bài giảng trực tuyến, ôn tập, hệ thống kiến thức các môn thi tốt nghiệp THPT của các thầy cô có kinh nghiệm, uy tín. Chủ động hướng dẫn học sinh tham khảo, làm quen với cấu trúc đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập, giúp học sinh nắm vững hình thức thi, cách thức làm bài thi và rèn luyện tâm lý, tạo tâm thế tốt khi tham gia kỳ thi chính thức.

Việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rà soát đối tượng/nhóm đối tượng học sinh làm căn cứ điều chỉnh kế hoạch, nội dung ôn tập cho phù hợp với từng giai đoạn cũng rất quan trọng.

“Năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT Hòa Bình tổ chức 2 đợt thi thử tốt nghiệp THPT trên toàn tỉnh, Dự kiến thời gian tổ chức đợt 1 từ ngày 16-17/03/2024; đợt 2 từ ngày 27-28/4/2024. Khuyến khích các đơn vị tổ chức thi thử theo trường, cụm trường, giúp học sinh nắm vững hình thức thi, cách thức làm bài thi và rèn luyện tâm lý, tạo tâm thế tốt khi tham gia kỳ thi chính thức”, bà Bùi Thị Kim Tuyến thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ