(GD&TĐ - Tại cuộc họp do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7 vừa qua, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã dự và có bài phát biểu quan trọng về tình hình và các giải pháp phát triển Giáo dục. Trong đó, Phó Chủ tịch có nêu vấn đề ngành Giáo dục suy nghĩ, nghiên cứu và trả lời: có nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT hay không? Ngày 1/8, trước đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã phát biểu về vấn đề này.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí |
Thi tốt nghiệp THPT là hoạt động không thể tách rời quá trình dạy và học
Có thể khẳng định rằng kì thi tốt nghiệp THPT là một trong những hoạt động kiểm tra đánh giá trong cả quá trình dạy và học; nó có ý nghĩa đánh giá kết quả quá trình học tập của HS trong GDPT để xác định trình độ, năng lực của HS có đạt được yêu cầu đạt tốt nghiệp THPT hay không, đấy là cái thứ nhất. Mục tiêu thứ 2 kì thi còn có tác dụng ngược trở lại là động viên sự cố gắng, khơi gợi hứng thú học tập của học sinh cũng như sự cố gắng cải tiến phương pháp dạy học của giáo viên.
Đồng thời có tác dụng cung cấp những thông tin cần thiết để giáo viên, học sinh điều chỉnh hoạt động dạy và học sau kì thi. Đối với các cơ quan quản lý, qua kỳ thi giúp cho quá trình chỉ đạo việc dạy và học như thế nào để nâng cao hiệu quả dạy và học trong những năm sau.
Muốn đạt được những ý nghĩa mục tiêu trên đây, quá trình tổ chức kì thi THPT phải khoa học, phải đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh, phải được tổ chức khoa học để rút ra được những thông tin cho quá trình điều chỉnh dạy và học, điều chỉnh quá trình quản lý.
Bên cạnh đó là đòi hỏi kì thi phải khách quan, nghiêm túc, tiết kiệm về kinh tế. Với quá trình giáo dục, thi tốt nghiệp THPT chỉ là một đợt kiểm tra đánh giá chứ không phải là tất cả, phải kết hợp được với những lần kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học.
Đồng thời, kì thi cũng phát huy hiệu quả khác như: Sử dụng kết quả của nó trong việc tuyển sinh, phân luồng học sinh sau Trung học. Nếu tổ chức khoa học thì kì thi sẽ đáp ứng được tất cả yêu cầu đặt ra cho một kì thi tốt nghiệp THPT.
Đã có nhiều cải tiến có hiệu quả trong thi tốt nghiệp THPT
Thực tế thi hiện nay chưa đạt được những đòi hỏi trên đây đặt ra cho một kì thi tốt nghiệp THPT. Do vậy sau khi có Chỉ thị số 33/2006/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, Bộ GD&ĐT đã và đang có nhiều cố gắng nghiên cứu và cải tiến kì thi tốt nghiệp THPT theo hướng, yêu cầu trên đây. Trước hết là tổ chức nghiêm túc kì thi. Bộ đã cố gắng nhiều trong công tác tổ chức thanh kiểm tra, chấm thẩm định bài thi hoặc cho thí sinh mang các thiết bị ghi âm, ghi hình không hỗ trợ các chức năng thu phát tín hiệu, màn hình vào phòng để giám sát kì thi.
Đồng thời có những cải tiến về ra đề thi: Đã có ma trận đề, trong đó hướng dẫn cách thức ra đề thi ngay từ khâu kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học để học sinh làm quen dần với kì thi tốt nghiệp. Đề thi cũng tăng ở mức độ nhất định phần hiểu và vận dụng kiến thức. Cách đây 2 năm, ma trận đề chỉ áp dụng tỉ lệ có 50% yêu cầu hiểu và vận dụng kiến thức trong đề thi.
Những năm sau, khi chất lượng GDPT được tăng lên thì tỉ lệ này sẽ được ra tăng trong đề thi chứ không dừng lại ở tỉ lệ nhất định. Đề thi cũng được ra theo hướng mở, gắn với thực tiễn cuộc sống đã giúp cho học sinh đỡ phải ghi nhớ kiến thức và trình bày dữ liệu trong bài thi theo kiểu máy móc. Học sinh có thể liên hệ bài thi với thực tiễn, vận dụng kiến thức một cách tổng hợp, trình bày chính kiến của mình trước vấn đề nêu trong bài thi. Rõ ràng là những cải tiến trên đây ngày càng tốt hơn trong việc đáp ứng mục tiêu, ý nghĩa của kì thi THPT.
Tuy nhiên, tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT theo đúng yêu cầu, ý nghĩa đặt ra đang là vấn đề khó, không thể giải quyết một sớm một chiều được và đồng thời đòi hỏi phải giải quyết một cách đồng bộ chứ không thể tách rời kì thi ra khỏi quá trình dạy và học. Trước hết phải được đồng bộ với các yếu tố cơ bản nhất của chương trình giáo dục, đó là mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục. Trong phương pháp giáo dục đôi khi được tách ra phương pháp thi và kiểm tra đánh giá, nhưng có lúc lại được hiểu chung là phương pháp dạy học. Hiểu theo góc độ như vậy thì kì thi tốt nghiệp THPT lại càng phải đồng bộ với quá trình dạy học.
Tôi lấy thí dụ, nếu trong quá trình dạy học không yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức mà trong quá trình thi lại đi vận dụng kiến thì không thể được. Hoặc như liên quan đến yếu tố khác của quá trình dạy học như: Trong quá trình học không có điều kiện để thực hành thí nghiệm, thì trong quá trình thi, không thể bắt học sinh thi thực hành thí nghiệm. Hay như trong mục tiêu kì thi đặt ra mức độ vừa phải để kiểm tra kiến thức và để phát hiện ra nhưng phẩm chất cao hơn của người học; đề thi đề cập đến gương học sinh Nguyễn Văn Nam vừa qua đã phần nào phát hiện được những phẩm chất trong học sinh.
Những điều trên đây để thấy được chương trình giáo dục gồm có các yếu tố khác nhau như: Mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá… Các yếu tố này gộp lại không phải là phép cộng đơn thuần mà là sự tương tác lẫn nhau mới ra được kết quả cuối cùng là kết quả giáo dục, phẩm chất và năng lực của con người. Trong thời gian qua, chúng ta chưa cải tiến triệt để chương trình giáo dục nên chưa cải tiến căn bản được kiểm tra đánh giá, thi tốt nghiệp THPT.
Nhìn rộng ra các nước trong khu vực và trên thế giới, thì kì thi tốt nghiệp THPT cũng là một thách thức của nền giáo dục nhiều quốc gia. Có nước trước đây ít quan tâm đến kì thi này giờ lại quan tâm nhiều. Hoa Kì là một trong số đó, trước đây, kì thi chỉ được tổ chức ở một số ít bang nhưng ngày nay số bang tổ chức kì thi tăng lên, năm sau nhiều hơn năm trước. Hoặc như CHLB Nga cũng đã quay lại tổ chức kì thi. Tuy nhiên lại có những nước đang xem xét bỏ kì thi tốt nghiệp như Pháp, Nhật.
Nên bỏ hay không bỏ kì thi tốt nghiệp THPT?
Niềm vui của thí sinh sau khi hoàn thành bài thi |
Có nhiều ý kiến khác nhau nên bỏ hay không nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT tại Việt Nam? Đây là vấn đề không đơn giản. Ở Việt Nam còn có một thực tế khác đó là tồn tại hai kì thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH - CĐ hàng năm có nhiều điểm tương đồng nhau mà lại diễn ra rất gần nhau trong năm nên đã gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội. Chính vì vậy, có nhiều ý kiến khác nhau nên giữ lại kì thi tốt nghiệp THPT, bỏ thi ĐH - CĐ, hay bỏ kì thi này, giữ lại kì thi khác…
Theo tôi, đây là vấn đề phải giải quyết, nhất định là phải giải quyết. Hướng giải quyết loại bỏ một kì thi thì hết sức đơn giản. Tuy nhiên, kì thi đó có nên bỏ hay không? Nếu công tác quản lý thấy cái gì khó làm lại nghĩ cách bỏ đi thì có phải là cách làm hay hay không? Nếu kì thi có ý nghĩa tốt, cần có đối với giáo dục hiện nay thì khó cũng phải cố gắng để làm; nếu làm chưa tốt thì phải làm cho tốt, không tìm hướng giải quyết ổn thỏa thì không được. Tôi cho rằng, bỏ hay không bỏ kì thi là một trong nhiều phương án để giải quyết các bức xúc trong dư luận mà thôi, chứ không phải là cái đích để giải quyết kì thi. Trong khi đó, có nhiều cách giải quyết kì thi như: Giải quyết cái đích bên trong kì thi cho hợp lý hơn chứ không bỏ. Khi mà không giải quyết được yếu tố bên trong thì khi ấy buộc phải bỏ kì thi.
Ở một hướng khác thì dù có thi hay không thi vẫn phải làm động tác công nhận tốt nghiệp cho học sinh, vẫn phải tuyển sinh ĐH - CĐ. Nếu làm tốt, đủ tin cậy thì kết quả công nhận tốt nghiệp sẽ được nhiều trường ĐH - CĐ - TCCN lấy làm căn cứ để tuyển sinh đầu vào.
Đây là một vấn đề phức tạp đòi hỏi phải giải quyết một cách thận trọng, chu đáo. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tham mưu cho Chính phủ để trình với Trung ương Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”, sau đó sẽ trình Chính phủ Đề án “Đổi mới Chương trình-SGK GDPT sau năm 2015”; Các đề án này đang được nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện. Trong quá trình xin ý kiến thông qua những nội dung của Đề án luôn có những nội dung liên quan đến thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành các việc cụ thể sau khi Đề án được phê duyệt.
Bá Hải (ghi)