Những lỗi thường gặp
Trong quá trình tổ chức ôn tập cho HS khối 12 và qua Kỳ thi THPT quốc gia những năm trước, thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Tập thể các thầy, cô giáo của nhà trường đã đúc kết những lỗi thí sinh thường gặp trong ôn tập và làm bài thi.
Thứ nhất, HS thường xem nhẹ việc học lý thuyết - một trong những yếu tố quan trọng giúp các em nắm chắc kiến thức, nhất là với những môn thi theo hình thức trắc nghiệm. Chẳng hạn như môn Sinh học, HS thường xem nhẹ việc học thuộc lý thuyết, thậm chí có nhiều trường hợp “khoanh bừa” vào đáp án khi làm bài mà không dựa trên cơ sở nền tảng kiến thức;
Thứ hai, về bản chất, môn Sinh học thường có khối lượng lý thuyết lớn, trải rộng ở các phần kiến thức khác nhau. Ngoài ra, phần bài tập tính toán thường rất khó và dài, dễ bị nhầm nếu không đọc kỹ yêu cầu đề bài. Chính vì vậy, HS thường lười học thuộc để làm phần lý thuyết và ngại tư duy khi làm phần bài tập;
Thứ ba, về phương pháp ôn tập, HS nếu chỉ ôn qua loa sẽ khó tổng hợp các công thức tính nhanh trong các dạng bài tập;
Thứ tư, về kĩ năng làm bài, các em chưa biết cách phân phối thời gian hợp lý, đôi lúc bị “cuốn theo” các câu hỏi khó và dành quá nhiều thời gian không cần thiết;
Cuối cùng, HS thường chủ quan, không đọc kỹ đề bài, đọc vội, bỏ sót các số liệu của yêu cầu đề bài và bị mất điểm ở các câu dễ.
Là GV dạy giỏi cấp thành phố, có nhiều năm ôn thi THPT quốc gia cho HS lớp 12, cô Phạm Thị Hạnh - GV môn Sinh học Trường THPT Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) lưu ý một số lỗi thí sinh hay gặp phải trong quá trình làm bài thi như: Xác định mức độ khó, dễ của câu hỏi trắc nghiệm chưa chính xác; Kỹ năng xử lý phần dẫn của câu hỏi chưa đạt hiệu quả cao; Phân bố thời gian chưa hợp lý cho câu hỏi dễ, khó; Kiểm soát câu hỏi đã làm, chưa làm chưa tốt; Phân bố thời gian làm bài và tô đáp án trắc nghiệm chưa hợp lý.
Khắc phục những lỗi không đáng có
Để khắc phục những lỗi không đáng có nêu trên, cô Hạnh chia sẻ: Việc đầu tiên thí sinh cần xác định dấu hiệu nhận biết từng dạng câu hỏi; Gạch chân các từ khóa một cách đầy đủ, chính xác trong phần dẫn của từng câu hỏi; Với câu hỏi dễ thì dành ít thời gian còn với câu hỏi khó các em có thể dành nhiều thời gian hơn. Với câu chưa làm, các em có thể viết câu hỏi bên cạnh để ghi nhớ là chưa làm, khi đã làm được thì gạch chéo để xác định đã làm. Đặc biệt, các em cần lưu ý: Dành thời gian hợp lý cho việc tô đáp án những câu đã chắc chắn sau mỗi khoảng thời gian làm bài.
Mẹo làm bài thi trắc nghiệm:
- Đọc kĩ câu hỏi
- Phân bổ thời gian hợp lý
- Làm quen với bút chì, tẩy và cách điền đáp án
- Dùng bút chì gạch chân từ khóa
- Đọc hết lượt đáp án trước khi chọn; tự trả lời trước, đọc đáp án sau
- Dùng phương pháp loại trừ
- Đừng bỏ trống câu hỏi
- Hãy để những câu không biết sau cùng
- “Trăm hay không bằng tay quen”, luyện tập nhiều thành quen
- Rà soát lại thật kĩ trước khi nộp bài.
Còn theo thầy Dương trên lớp HS cần chú ý nghe giảng, ghi chép vở đầy đủ; đặc biệt nên sử dụng các công cụ ghi nhớ, bút màu để làm nổi bật các cụm từ quan trọng trong bài, các mẹo/ lưu ý khi làm bài tập. Khi làm bài thi, các em nên làm theo các bước: Đọc lướt qua toàn bài thi, giải quyết các câu hỏi dễ trước, câu hỏi khó sau. Đối với từng câu hỏi, HS đọc kỹ đầu bài, không nên chủ quan đối với những câu dễ và không nên dừng lại quá lâu ở những câu khó.
Không bỏ trống câu trả lời, nếu cuối giờ không làm được có thể khoanh ngẫu nhiên đáp án mình cảm thấy đúng nhất. Các em lưu ý một số câu hỏi trong đề dễ bị nhầm lẫn khi làm bài: Câu hỏi có dạng phủ định, đề bài yêu cầu lựa chọn đáp án “không đúng”; Các câu có số liệu toán để làm bài tập; Chú ý phân biệt các khái niệm dễ nhầm lẫn. Chẳng hạn như môn Sinh học có tỷ lệ kiểu gen & tỷ lệ kiểu hình, số loại kiểu gen & số loại kiểu hình…
Trước khi nộp bài, thí sinh nên kiểm tra lại phiếu trả lời của mình để tránh tô lệch đáp án trắc nghiệm trong phiếu trả lời tổ hợp thi tự nhiên (môn Sinh học từ câu 80 - 120). Đọc và kiểm tra lại thật kỹ các câu trả lời, kể cả các câu dễ.
Cuối cùng, để cải thiện phản xạ và kĩ năng làm bài, HS nên luyện nhiều đề trắc nghiệm và tự bấm thời gian khi làm bài. HS nên ôn tập bằng cách làm lại các câu mình đã làm sai và làm sơ đồ tư duy ôn tập lý thuyết.