Theo đó, trong công tác tổ chức ôn tập, các thầy cô nghiên cứu kỹ đề tham khảo của Bộ GD&ĐT như: phân tích ma trận đề, nội dung kiến thức cần thi; xác định mức điểm từng cấp độ nhận thức, nội dung kiến thức ứng với từng mức điểm đó.
Giáo viên xác định khoảng kiến thức phù hợp với năng lực học sinh trong trường, trong lớp. Lên kế hoạch ôn thi THPT quốc gia phù hợp với kế hoạch nhà trường; chỉ đạo của sở và phân tích trên.
Cụ thể: Phân chia giai đoạn ôn tập rõ ràng. Đảm bảo ôn đủ 3 vòng. Vòng 1: ôn chắc kiến thức cấp độ nhận biết; vòng 2: ôn chắc kiến thức mức độ nhận thức thông hiểu; vòng 3 ôn tổng hợp và mở rộng thêm mức độ vận dụng- có đan xen mức độ nhận thức cao trong một số tiết học. Vòng , ôn cắt ngang từng phần, từng chương, từng chuyên đề; vòng 2, 3, ôn bổ dọc tổng hợp theo bộ đề thi thử.
Trong quá trình ôn tập, chú trọng phân tích đề minh hoạ từ đó biên soạn đề kiểm tra thi thử hàng tuần. Tích cực phụ đạo học sinh yếu kém, chỉ cho học sinh thấy sự tiến bộ để có động lực phấn đấu. Khuyến khích học sinh đặt mục tiêu vừa sức để tiến bộ qua từng giai đoạn.
Giáo viên và học sinh đồng thời tập trung bù đắp kiến thức cơ bản bị hổng qua nhiều hình thức: tự học, giáo viên cung cấp thêm bài tập về nhà, học sinh giúp nhau học tập, học sinh chấm chéo.
Lưu ý học sinh cách làm bài thi: Khi làm bài, cần làm những câu chắc chắn (trong vùng kiến thức thế mạnh của bản thân) hoặc câu dễ trước, không dành quá nhiều thời gian cho câu khó ngay từ đầu (vì điểm các câu là như nhau). Đánh dấu rõ ràng những câu chưa làm xong. Đảm bảo có điểm tối đa trong phần nhận biết, thông hiểu.
Cuối cùng quay lại những câu khó; đảm bảo không để trống đáp án, không tô 1 câu 2 đáp án. Soát lại phiếu trả lời kỹ, đối chiếu lại kết quả từng câu trong đề và đáp án trước khi hết giờ.