Thí sinh đạt sàn trở lên phải đạt 100 - 115% tổng chỉ tiêu

Thí sinh đạt sàn trở lên phải đạt 100 - 115% tổng chỉ tiêu
(GD&TĐ)-GS.TS.NGƯT Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng - đề nghị điểm sàn được xây dựng sao cho thỏa mãn 100 - 115%  tổng chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT cho phép các trường được tuyển.
cxcx
GS.TS.NGƯT Trần Hữu Nghị. Ảnh: gdtd.vn
Điểm sàn là sản phẩm của chủ trương 3 chung trong tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ giáo dục và Đào tạo. Sau một thời gian thực hiện 3 chung, chúng tôi thấy 3 chung có nhiều ưu việt: Giảm tải cho các trường, tạo nên một sân chơi chung cho tất cả các trường, sinh viên có nhiều lựa chọn phù hợp, không phải đi thi ở nhiều trường khác nhau, giảm đáng kể kinh phí làm đề thi, độ chính xác, tính khoa học của đề thi được đảm bảo. Tuy nhiên một nội dung trong 3 chung là điểm sàn đã gây nhiều bàn cãi trong những năm gần đây.
Một câu hỏi được đặt ra là: Điểm sàn trong mấy năm vừa qua là cao hay thấp và điểm sàn phản ảnh trình độ của học sinh tới mức độ nào? Chúng tôi cho rằng, nếu xem xét điểm thi của một thí sinh thì có thể nói điểm đó là cao hay thấp so với phổ điểm chung, học sinh đó giỏi hay kém, nhưng nói đến điểm sàn cao hơn hay thấp hơn so với năm trước, so với năm sau thì không hoàn toàn hợp lý bởi nó không cùng thước  đo,  vì đề thi mỗi năm một khác, nó khó hơn hay dễ hơn năm trước? Cùng với đó là hàng loạt các yếu tố khác. 
Điểm sàn của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cực kỳ quan trọng, bởi vì khi tổ chức kỳ thi các trường đều mong muốn có một kỳ thi an toàn, khách quan, công bằng và chính xác. Nhưng thí sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và các tường ĐH, CĐ sẽ “nín thở” chờ điểm sàn do Bộ công bố. Nếu điểm sàn phù hợp với thực tế thì kết quả kỳ thi đạt được mỹ mãn, ngược lại nếu điểm sàn không hợp lý sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt. 
Điểm sàn phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố như đề thi, khối thi với mức độ khó dễ khác nhau, số lượng thí sinh đăng ký và mức độ ảo, vùng phân bố thí sinh..., đồng thời phụ thuộc rất lớn vào chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Nhà nước giao cho cho từng khối ngành, từng trường..... 
Rõ ràng xác định tương đối chính xác và hợp lý “điểm sàn” không phải đơn giản. Vậy thực chất của điểm sàn là gì và phục vụ cho mục đích gì? 
Theo cách hiểu đơn giản, phải chăng mục đích của kỳ thi tuyển sinh đại học là chúng ta muốn chọn trong số thí sinh đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông những người có học lực tốt hơn để đáp ứng chỉ tiêu mà Nhà nước cần đào tạo nguồn nhân lực. Nếu đúng như thế thì “điểm sàn” của kỳ thi phải đảm bảo số lượng thí sinh có điểm “bằng hoặc trên sàn” lớn hơn chỉ tiêu Bộ giao cho các trường. Nếu số lượng này nhỏ hơn tổng chỉ tiêu thì điều đó chứng tỏ điểm sàn chưa hợp lý. 
Nhìn lại vài con số của 2 mùa tuyển sinh trước, chúng ta thấy: 
Năm 2011 các trường tuyển được 88% chỉ tiêu được giao.
Năm 2012, chỉ tiêu Bộ giao cho các trường là 556.918, các trường tuyển được 462.163 sinh viên, đạt 83%. Số lượng bị thiếu là 94.755 sinh viên. Có thể có quan điểm cho rằng, thí sinh đủ điểm sàn nhưng không muốn vào các trường tốp dưới mà muốn thi lại. Điều đó có thể đúng nhưng số lượng là bao nhiêu? Có đáng kể không? 
Chúng tôi cho là rất ít, bởi vì năm 2012 nhiều trường tốp trên cũng bị thiếu chỉ tiêu. Như vậy năm 2012 có hơn 90.000 thí sinh không đủ điểm sàn để vào Đại học, Cao đẳng và điều này ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống các trường ngoài công lập.
Làm một phép tính đơn giản: Cả nước có 81 trường đại học cao đẳng ngoài công lập, nếu điểm sàn phù hợp, 90.000 sinh viên này đủ điều kiện vào học thì mỗi trường ngoài công lập đã có 1.000 sinh viên. Việc này giúp các trường ngoài công lập ổn định và chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước tiếp tục phát triển, sẽ không có sự lãng phí về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo.
Để điểm sàn phản ảnh khách quan và phù hợp với thực tế, cần tính đủ các yếu tố mà điểm sàn chịu ảnh hưởng, xây dựng phổ điểm chung. Mặt khác để cho các trường có thể tham gia phản biện, Bộ cần cung cấp cho họ các số liệu thống kê để các trường tính toán và đóng góp ý kiến. Hy vọng những đóng góp đó sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.  
Cuối cùng, do các trường có thể được tuyển vượt 5% chỉ tiêu, do đó chúng tôi đề nghị điểm sàn được xây dựng sao cho thỏa mãn 100 - 115%  tổng chỉ tiêu của Bộ cho phép các trường được tuyển.
(GD&TĐ) - Từ ngày 2/3, Báo Giáo dục & Thời đại (gdtd.vn) và Báo Dân trí (dantri.vn) mở diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013”. Các phương án của bạn đọc đề xuất sẽ được đăng tải trên báo để trao đổi, tranh luận. Mọi ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về email: diemsan2013@gmail.com.
GS.TS.NGƯT. Trần Hữu Nghị

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.