Tuy nhiên, GS.TSKH Trần Văn Tấn - Trưởng bộ môn Hình học, Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thành viên Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán – cho rằng, tuyệt đối tránh: Vì sức ép thành tích tại các kỳ thi Olympic mà “đi tắt”, quy rút quá trình đào tạo, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, quan tâm hơn tới giáo dục toán học toàn diện cho học sinh.
Thành tích ấn tượng
- Giáo sư đánh giá như thế nào về thành tích môn Toán của đoàn học sinh Việt Nam tại các đấu trường quốc tế trong những năm gần đây, nhất là năm 2021?
- Tôi chỉ đề cập tới kỳ thi được quan tâm nhất, đó là Olympic Toán học Quốc tế (IMO). Đây là kỳ thi đỉnh cao trí tuệ nhất dành cho học sinh trên toàn thế giới về môn Toán. Từ năm 1959, kỳ thi được tổ chức thường niên, liên tục (trừ năm 1980). Hiện IMO thu hút được sự tham gia của hơn 100 nước. IMO trao giải cá nhân, tuy vậy, nếu xét trên tổng số điểm đạt được của cả 6 thí sinh tham dự, trong 10 năm qua, đoàn Việt Nam luôn nằm trong nhóm 20 nước có số điểm cao nhất.
Có thể có người kỳ vọng về một thành tích cao hơn; chẳng hạn, nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu (như nhiều lần chúng ta đã đạt được). Song, theo tôi, thành tích như trên đã là rất cao. Nếu tham vọng quá sẽ gây sức ép lên quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi và dễ làm nó biến dạng, quy rút đơn thuần về luyện thi học sinh giỏi.
- GS đánh giá như thế nào về công tác bồi dưỡng - một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công của đoàn học sinh Việt Nam?
- Nghiên cứu cho thấy, một hệ thống tinh hoa là hệ thống giáo dục cho khoảng từ 5 đến 10% của nhóm lứa tuổi thích hợp. Ở nước ta, ngay từ năm 1965, Chính phủ có quyết định về việc mở các lớp cấp 3 phổ thông (THPT) dạy học sinh có năng khiếu về Toán. Ngày nay, trường chuyên (trong đó có lớp chuyên Toán) được thiết lập ở tất cả tỉnh thành và một số trường đại học.
Để có được những thành tích tốt, theo tôi có thể kể tới một số yếu tố sau: Thứ nhất, tinh thần hiếu học, sự quan tâm, đánh giá cao của toàn xã hội đối với việc học và thành tích học tập. Thứ hai, sự quan tâm với những quyết định, chỉ đạo sáng suốt của lãnh đạo từ cấp quốc gia đến các địa phương đã giúp cho công tác bồi dưỡng học sinh có năng khiếu gặp nhiều thuận lợi. Có thể lấy cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với những chỉ đạo sâu sát, có tầm chiến lược từ những năm 1960 về vấn đề này để làm tấm gương.
Thứ ba, các thầy cô giáo giảng dạy ở các lớp chuyên – những người mang trong mình chất lửa chuyên toán đã ngày đêm khơi dậy niềm ham thích học tập và dạy dỗ cho các em học sinh.
Thứ tư, nhiều nhà toán học đã quan tâm, dành công sức tới việc bồi dưỡng cho học sinh năng khiếu toán. Đặc biệt, tôi được biết, mặc dù là một nhà toán học hàng đầu thế giới, rất bận rộn, nhưng GS Ngô Bảo Châu vẫn dành thời gian cho công tác bồi dưỡng; thậm chí, có những thời điểm, ông không chỉ dừng ở các bài giảng mang tính truyền cảm hứng, mà đi vào chi tiết hơn.
Chú trọng công tác bồi dưỡng
- Giáo sư có đề xuất gì về phát triển giáo dục “mũi nhọn”?
- Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng, thành tích đạt được tại các kỳ thi học sinh giỏi là quan trọng, nhưng nó chỉ phản ánh một phần chất lượng của công tác bồi dưỡng học sinh có năng khiếu toán. Sự nghiệp này là rộng cả về đối tượng thụ hưởng (không chỉ dành cho một số ít em tham gia các đội tuyển) và nội dung giảng dạy (không chỉ dừng ở việc làm thế nào để học sinh giải được một số loại bài toán Olympic).
Tôi mong lãnh đạo các cấp, xã hội, phụ huynh và nhà trường quan tâm hơn tới giáo dục toán học toàn diện cho học sinh. Tuyệt đối tránh xảy ra tình trạng, vì sức ép thành tích tại các kỳ thi Olympic mà “đi tắt”, quy rút quá trình đào tạo, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu toán về việc tập trung luyện cho các em giải một số dạng toán.
- Giáo sư nhìn nhận như thế nào về sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà nghiên cứu Toán học với giáo dục Toán học ở bậc phổ thông?
- Như tôi đã đề cập ở trên, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi toán nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều nhà toán học; thậm chí, các nhà toán học hàng đầu. Đặc biệt, thông qua chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng cho học sinh và cho giáo viên chuyên toán trên phạm vi toàn quốc.
Tổ chức ngày hội toán học mở, bồi dưỡng cho giáo viên về chương trình, sách giáo khoa tại một số tỉnh thành. Thông qua bài giảng, giao lưu, gặp gỡ, các nhà toán học sẽ giúp giáo viên và học sinh tăng viễn kiến toán học, góp phần làm cho giáo dục toán học nói chung và công tác bồi dưỡng học sinh có năng khiếu toán nói riêng đi đúng hướng.
Trên thực tế, trong một thời gian dài, các lớp chuyên toán của Bộ GD&ĐT được đặt tại khoa Toán của một số trường đại học như: Trường ĐH Tổng hợp (nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội); Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Vì vậy, lúc bấy giờ, việc giảng dạy ở các lớp chuyên này được hỗ trợ rất nhiều từ các giảng viên đại học. Cùng với quá trình mở rộng về quy mô, trường chuyên trong trường đại học đã dần thoát li khỏi khoa Toán, và sự gắn kết về chuyên môn giảm hẳn. Đây cũng là một vấn đề cần xem xét để có hướng giải quyết phù hợp với thực tế và mục đích của trường chuyên.
- Xin cảm ơn GS.TSKH Trần Văn Tấn!