Bóng đá Việt Nam: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”

GD&TĐ - Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam và cách ly đủ 14 ngày tại Hải Phòng, tân Giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi chính thức làm việc vào tuần cuối cùng tháng 8. Chỉ vài ngày sau, trong lễ ra mắt do LĐBĐVN (VFF) tổ chức, chiến lược gia người Nhật đã có phát biểu về bóng đá Việt Nam “gây tranh cãi” và khiến nhiều người trong cuộc “tổn thương”.

Tân GĐKT người Nhật Bản Yusuke Adachi (bên phải) trong lễ ra mắt.
Tân GĐKT người Nhật Bản Yusuke Adachi (bên phải) trong lễ ra mắt.

Cần 30 năm để vượt qua Nhật Bản

Trước đó, trả lời truyền thông Việt Nam, ông Yusuke Adachi đề ra mục tiêu giúp bóng đá Việt Nam vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc trở thành số 1 châu Á. Vậy nên, trong buổi lễ ra mắt đầu tháng 9 này, nhiều câu hỏi liên quan đến tính khả thi của mục tiêu mà tân Giám đốc kỹ thuật VFF Yusuke Adachi đã phát biểu.

Tuy nhiên, trái với những hiệu ứng tích cực ban đầu, chiến lược gia người Nhật Bản cho rằng, bóng đá Việt Nam cần đến 30 năm để có thể đánh bại đội tuyển Nhật Bản.

“Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn. Trong 30 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể đánh bại Nhật Bản.

Tôi không phải nhà ma thuật, nhưng mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được. Các cầu thủ Việt Nam có kỹ thuật tốt nhưng so với các cầu thủ châu Âu thì chưa thể vươn tới đẳng cấp đó.

Người Việt Nam rất chăm chỉ, có khát khao, đó là điều lợi thế. Đó là cơ sở cho sự phát triển trong tương lai.

Nhìn vào bóng đá Nhật Bản, sau 30 năm, từ quốc gia không thể thắng được Hồng Kông, Malaysia thì hiện giờ, Nhật Bản đã đánh bại được hầu hết các quốc gia tại châu Á” - ông Yusuke Adachi cho biết.

Phát biểu trong buổi lễ ra mắt của ông Yusuke Adachi đã tạo ra những luồng dư luận trái chiều.

Nhiều ý kiến “chất vấn” ngược chiến lược gia người Nhật Bản, liệu ông có quá đề cao đội tuyển quốc gia quê hương ông không? Bóng đá Việt Nam có đang cách Nhật Bản khoảng cách đến 30 năm?

Thực tế, những năm gần đây bóng đá Việt Nam có nhiều cuộc đối đầu với Nhật Bản. Trong trận đấu với Nhật Bản, tứ kết Asian Cup 2019,  đội tuyển Việt Nam chỉ để thua 0 - 1. Tại ASIAD 2018, U23 Việt Nam thậm chí đã đánh bại được U23 Nhật Bản ở vòng bảng. Khoảng cách thắng - thua giữa bóng đá Việt Nam với Nhật Bản đang thu hẹp dần.

Thế nên, những người không đồng tình với Yusuke Adachi chê bai ông đặt ra những mục tiêu viển vông, xa rời thực tế.

Nhóm này liên hệ ngay sang HLV Park Hang Seo với những mục tiêu cho bóng đá Việt Nam thiết thực hơn nhiều.

Ngày mới chân ướt, chân ráo đến Việt Nam, ông Park đưa ra hai mục tiêu trước mắt là tạo địa chấn tại VCK U23 châu Á 2018 và đưa bóng đá Việt Nam lọt tốp 100. Trong vòng 2 năm, ông Park đã hoàn thành mục tiêu của mình.

Không những thế, ông thầy người Hàn còn đưa bóng đá Việt Nam đến chức vô địch AFF Cup 2018, HCV SEA Games 2019, tốp 8 đội mạnh nhất ASIAN Cup 2019…

Dưới triều đại của ông Park, bóng đá Việt Nam đã hóa giải lời nguyền, hay đúng hơn là nỗi ám ảnh với câu hỏi đeo đẳng nhiều thế hệ cầu thủ tài năng của Việt Nam rằng, bao giờ Việt Nam vượt qua Thái Lan.

Chúng ta đã chiến thắng người Thái ở các cấp độ đội tuyển và đến thời điểm hiện tại, ông thầy người Hàn vẫn bất bại trong tất cả những lần đối đầu với Thái  Lan.

Đội tuyển Việt Nam đang có nhiều cơ hội lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, vòng đấu tranh 4, 5 suất đến Qatar. Đó sẽ là cơ hội để chúng ta chạm trán với nhiều anh tài của bóng đá châu Á, trong đó có thể sẽ là Nhật Bản.

Mệnh đề “30 năm để bóng đá Việt Nam đánh bại Nhật Bản” của một người Nhật Bản có phải quá xa vời?

Việt Nam thua Nhật Bản (giữa) 0 - 1 ở tứ kết Asian Cup 2019.
Việt Nam thua Nhật Bản (giữa) 0 - 1 ở tứ kết Asian Cup 2019.

Vào thế khó

Ông Yusuke Adachi không phải là giám đốc kỹ thuật đầu tiên của bóng đá Việt Nam. Trước khi “kết duyên” cùng chiến lược gia Nhật Bản, VFF từng hứng chịu nhiều chê trách về cách dùng người mà gần nhất là người tiền nhiệm Juergen Gede.

Chuyên gia người Đức có công rất lớn với hàng loạt thành tích của bóng đá Việt Nam trong 3 năm qua, nhưng ông đã không được tạo điều kiện để làm tốt công việc chuyên môn.

VFF chỉ coi Juergen Gede như một “trợ lý” chiến lược cho người hùng Park Hang Seo, chứ không đặt ông vào cương vị chiến lược gia định hình, phát triển bóng đá Việt Nam trong tương lai. Những người thạo tin còn tiết lộ, rất nhiều đề xuất của Gede bị bỏ qua, không ít HLV trẻ bỏ qua những buổi dạy của chiến lược gia người Đức, một người có gần 3 thập niên làm việc tại châu Á.

Nhiều người nói chuyện riêng và bấm điện thoại. Cuộc chia ly giữa VFF với Giám đốc kỹ thuật Gede thực sự là chuyện không hay, để lại những dư vị mặn đắng cho ông thầy người Đức. Những gì đến với Gede cũng giống như cách VFF đối xử một người Đức khác, Giám đốc kỹ thuật Rainer Willfeld.

Câu hỏi đặt ra, VFF có thực sự cần một giám đốc kỹ thuật, cụ thể ông Yusuke Adachi đến Việt Nam làm gì?

Câu trả lời vẫn còn là ẩn số, song được biết rằng, trong cuộc họp của LĐBĐ châu Á (AFC), tổ chức này cho biết họ sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí và các chương trình cho liên đoàn thành viên với một điều kiện cụ thể.

Theo đó, mỗi liên đoàn cần phải có 1 giảng viên đứng lớp tham gia giảng dạy các khóa học HLV của AFC. VFF đã tính đến rất nhiều phương án để có thể nhận dự án từ AFC nhưng không thành công. Gede từ chối hợp tác, đó là một phần nguyên nhân sau đó khiến ông không được gia hạn hợp đồng và để rồi sau đó, Yusuke Adachi xuất hiện nắm giữ cương vị Giám đốc kỹ thuật của VFF.

Lúc này, Yusuke Adachi lại có xuất phát điểm giống với Giám đốc kỹ thuật đầu tiên của VFF, ông Rainer Willfeld. Khi đó, HLV Rainer Willfeld giữ chức Giám đốc kỹ thuật của VFF theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Đức.

Khoản lương 5.000 USD/tháng của ông Willfeld do LĐBĐ Đức và một công ty Đức chi trả. Phía Việt Nam chỉ cung cấp các khoản phụ cấp đi lại, tiêu vặt. Tuy nhiên, ông Rainer Willfeld chưa được VFF giao cho một nhiệm vụ nào thực sự quan trọng cho vị trí giám đốc kỹ thuật.

Trong 4 năm công tác ở Việt Nam, ông Willfeld đảm nhiệm tới 5 chức. Ngoài cương vị Giám đốc kỹ thuật, ông thầy người Đức còn từng được giao phó huấn luyện U17, U19, U20, đội tuyển nữ Việt Nam. Ngoài ra, ông còn trực tiếp giảng dạy một số lớp dành cho HLV.

Đảm đương vị trí Giám đốc kỹ thuật như Gede, nhưng mức thù lao Adachi nhận được không thể sánh ngang chuyên gia người Đức. So với Gede, Adachi không có bản thành tích quá ấn tượng, chủ yếu chỉ làm công tác giảng dạy nên ông nhanh chóng đồng ý ký vào bản hợp đồng 3 năm (từ tháng 7/2020 - 31/1/2023) với tiền lương chưa bằng một nửa người tiền nhiệm, khoảng 100.000 USD/năm.

Bên cạnh đó, nhiều khả năng Yusuke Adachi sẽ không thể có nhiều quyền hạn hơn người tiền nhiệm Juergen Gede, trong khi khả năng hòa hợp với HLV Park Hang Seo vẫn còn bỏ ngỏ. Chiến lược gia người Hàn đang được hỗ trợ bởi đội ngũ trợ lý đồng hương đông đảo. 

Công Phượng không thể tìm được vị trí ở đội bóng hạng nhì Nhật Bản, Mito Hollyhock.
Công Phượng không thể tìm được vị trí ở đội bóng hạng nhì Nhật Bản, Mito Hollyhock.

20 năm để không “xây nhà từ nóc”

Hơn 20 năm trước, HLV Alfred Riedl cũng khiến nhiều người sốc với phát biểu “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, câu nói lột tả chân thực, trần trụi cảnh ăn đong của hệ thống bóng đá Việt Nam thay vì chăm chút căn cơ cho cả một nền bóng đá, đặc biệt ở khâu đào tạo trẻ.

Ngày đó, các đội tuyển quốc gia cứ đến hẹn lại được xây dựng bộ khung từ một giải vô địch yếu đuối lại còn đầy rẫy vấn nạn mua bán độ, móc ngoặc, nhường điểm, cho điểm tồn tại suốt một thời gian dài. Các địa phương mạnh ai nấy làm bóng đá trẻ, theo kinh nghiệm và mỗi kiểu khác nhau.

Cách xây dựng giải vô địch quốc gia theo hình tháp ngược đã khiến bóng đá Việt Nam liên tiếp thất bại tại các kỳ SEA Games hay các giải trẻ. Ngay cả khi Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 dưới thời HLV Calisto, phát biểu của HLV Alfred Riedl vẫn còn nguyên giá trị.

Sau chức vô địch khu vực của lứa Công Vinh, Minh Phương, Tài Em…, người hâm mộ từng đặt ra câu hỏi, không biết đến bao giờ bóng đá Việt Nam mới lại lên đỉnh Đông Nam Á một lần nữa, trong khi giấc mơ HCV SEA Games cứ bùng lên rồi lại chìm trong thất vọng.

Chỉ đến khi bầu Đức đầu tư xây dựng Học viện Bóng đá HAGL JMG, để rồi cho ra đời lứa cầu thủ vàng với những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh…

Sau đó, những lò đào tạo PVF, Viettel… ra đời, các địa phương cũng thay đổi hệ thống đào tạo trẻ, giúp cho bóng đá Việt Nam có được nhiều lứa cầu thủ tốt, tạo ra nền tảng vững chắc và cộng thêm nhân tố Park Hang Seo, chúng ta đã liên tiếp làm nên lịch sử trong 3 năm qua.

Những chiến tích như giành suất dự U20 World Cup 2017, Á quân U23 châu Á 2018, vô địch AFF Cup 2018, HCV SEA Games 2019, tứ kết Asian Cup 2019… không phải ngẫu nhiên mà có. Thành quả ấy gặt hái được sau cả một quá trình rất dài và đầy chông gai.

Sau câu nói bất hủ của HLV Alfred Riedl, phải sau hơn 20 năm, bóng đá Việt Nam mới dần xây được một ngôi nhà cao từ nền móng vững chắc. Vậy nên, cái mốc 30 năm mà tân Giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi đặt ra không phải là câu chuyện hài hước mà nó chỉ ra rằng, bóng đá Việt Nam vẫn đang thua kém họ rất nhiều.

Việc các cầu thủ Việt Nam, kể cả những tài năng hiếm có như Công Phượng khi xuất ngoại vẫn chưa đủ tầm có được chỗ đứng ở  K-League (Hàn Quốc) hay J-League (nhà nghề Nhật Bản), thậm chí cả giải hạng 2 Nhật Bản, trở thành minh chứng sống động phản ánh rõ nhất sự chênh lệch này.

Vậy nên, để bóng đá Việt Nam chiến thắng Nhật Bản vươn lên số 1 châu Á thì 30 năm có thể vẫn là chưa đủ!? Ông Yusuke Adachi nói đúng và thật.

Ông Yusuke Adachi chính thức đảm nhiệm cương vị Giám đốc kỹ thuật của VFF từ tháng 7/2020, hợp đồng của ông với VFF có thời hạn đến ngày 31/1/2023. Sau khi kết thúc hợp đồng, hai bên sẽ căn cứ trên kết quả công việc để xem xét việc có gia hạn hay không.
Nhiệm vụ của tân Giám đốc kỹ thuật Adachi là chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho bóng đá trẻ Việt Nam, đặc biệt là hệ thống HLV trẻ, giám đốc kỹ thuật cho các trung tâm và CLB bóng đá. Ông cũng có trách nhiệm cập nhật thông tin quốc tế, phương pháp huấn luyện hiện đại trên thế giới để bóng đá Việt Nam tiếp cận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ