Đến nay, thương vụ mời HLV Alfred Riedl về dẫn dắt tuyển Việt Nam vẫn là một trong những vụ chiêu mộ hiền tài có bước ngoặt lịch sử lớn nhất của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Trước khi Riedl đến, tuyển Việt Nam mới nằm trong nhóm 3, 4 đội mạnh ở Đông Nam Á. Sau khi ông đi, Việt Nam đã tạo tiếng vang ở sân chơi châu Á và nhiều lần chơi trận chung kết SEA Games, Tiger Cup. VFF đã thuyết phục HLV Riedl và tạo điều kiện cho ông thế nào?
"Ông phải nỗ lực nhiều"
Chia sẻ với VTC News, Nguyên Tổng Thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn kể lại về định mệnh đưa ông tìm đến HLV Riedl. Đó là chuỗi những sự kiện tình cờ, chắp nối nhau để giúp ông Viễn mang về một trong những HLV thay đổi hoàn toàn bóng đá Việt Nam.
"Sau SEA Games 1997 ở Indonesia với chiếc huy chương đồng, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam lúc ấy là Colin Murphy (người Anh) xin trở về nước. Đến tháng 2, tháng 3 năm sau, ông Murphy vẫn không trở lại Việt Nam. Sau đó chiến lược gia này mới báo với VFF là bận lý do gia đình nên không trở lại được.
Lúc ấy chúng ta rất cần một HLV ngoại khác dẫn đội. VFF tìm đến rất nhiều hồ sơ, lý lịch của các ứng viên. Trong một lần sang Malaysia họp, tôi có gọi ông Roland Klein ở Công ty Klein&Lam, chuyên môi giới về tài trợ bóng đá ở Việt Nam đầu những năm 1996. Công ty ấy làm ăn ở Việt Nam không được nên chuyển về Malaysia", ông Viễn nhớ lại.
Sang Malaysia, ông Viễn không gặp trực tiếp được Klein, nhưng vẫn được cung cấp hồ sơ những ứng viên tiềm năng. Trong đó, ông Viễn ấn tượng nhất với bản lý lịch của một HLV từng là cầu thủ rất giỏi, đá ở Áo, Bỉ, giành Chiếc giầy Đồng châu Âu và đã có kinh nghiệm huấn luyện.
VFF rất thích HLV Riedl, nhưng vấn đề là bóng đá Việt Nam khi ấy chưa có thành tựu. So với Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam không phải điểm đến hấp dẫn. Chưa kể nền bóng đá Việt Nam khi ấy còn sơ khai, chưa có giải VĐQG chuyên nghiệp, nền móng rất yếu ớt.
"Ông Riedl nhờ tôi tư vấn về bóng đá Việt Nam khi có thông tin môi giới gửi đến. VFF rất thích HLV Riedl vì ông ấy là cầu thủ nổi tiếng (đá ở Áo, Bỉ), từng huấn luyện nhiều nơi. Khi nói chuyện với tôi, ông Riedl hỏi: "Viễn ạ, tôi chưa biết ông, nhưng muốn xin ông lời khuyên về bóng đá Việt Nam".
Tôi đáp lại: "Bóng đá là môn thể thao số 1 ở Việt Nam. Từ lãnh đạo tới người dân đều rất yêu bóng đá, nhưng trình độ của đội chưa cao. Ở Đông Nam Á, hai giải gần nhất chúng tôi chỉ xếp thứ 3 và thứ 2 thôi (huy chương Bạc SEA Games 1995, huy chương Đồng Tiger Cup 1996, huy chương Đồng SEA Games 1997). Ông sẽ phải nỗ lực nhiều".
Tôi cũng cam kết hỗ trợ mọi thứ cho HLV Riedl. Ông ấy nghe thế thì nhận lời và sang Việt Nam làm việc", ông Viễn kể lại quá trình thuyết phục HLV Riedl.
Định mệnh trớ trêu
Việc HLV cập bến, ra đi, quay lại, ra đi rồi lại quay lại như mối duyên Riedl với tuyển Việt Nam là chuyện hiếm. 3 nhiệm kỳ của ông thầy người Áo với bóng đá Việt đều có dấu ấn đậm nét, nhưng bổ nhiệm đi bổ nhiệm lại một HLV cũng là điều rất... kỳ lạ với VFF, nhất là 3 nhiệm kỳ của Riedl đều rất gần nhau.
"Trình độ huấn luyện của HLV Riedl rất tốt, nhưng điều kiện cơ sở cung ứng để đáp ứng yêu cầu của ông ấy đều rất hạn chế. Đi tập huấn nước ngoài, HLV Riedl cũng tự liên hệ hết. Ông ấy có tình cảm lớn với người Việt Nam, coi Việt Nam như Tổ quốc thứ hai của mình", ông Viễn lý giải vì sao VFF cảm mến Riedl.
Sau khi chia tay HLV Riedl, VFF đã vướng vào vụ kiện tụng với HLV Letard (người Pháp) vào năm 2002. Đó là vụ kiện đầy bê bối khi VFF phải bồi thường khoản tiền lớn cho HLV này vì thanh lý hợp đồng. Không còn Letard, bóng đá Việt Nam lại mời lại Riedl.
Uy tín của ông thầy người Áo đủ lớn để VFF phải cầu hiền tài. Không chỉ vậy, Riedl còn khó "dứt tình" với Việt Nam. Ông yêu đất nước này và luôn sẵn sàng trở lại bất cứ khi nào.
"Sau khi chia tay ông Letard, chúng tôi mời HLV Riedl trở lại. Khi đó Riedl đang dẫn dắt ở Indonesia, nhưng vì yêu mến Việt Nam, lại biết SEA Games 2003 tổ chức ở Việt Nam nên quyết định trở lại. Đội tuyển Việt Nam đặt mục tiêu cao ở kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà. Các môn khác đạt thành tích tốt, mà bóng đá lại không ra gì thì rất khó nói.
Người ta nói HLV Riedl là chuyên gia về nhì, với 3 lần á quân SEA Games. Năm 1999, chúng ta đá rất hay, không thủng lưới bàn nào cho đến trận chung kết. Việt Nam chỉ thua Thái Lan quá mạnh với Kiatisak, Dusit. Quay lại lần sau, HLV Riedl lại về nhì", ông Viễn nhớ lại về cái trớ trêu của người bạn cũ.
HLV Riedl về nhì nhiều quá, khiến nhiều người nghĩ số vận của ông chỉ... đến vậy. Ông gần giống Hector Cuper - chiến lược gia huyền thoại được gọi là "vua về nhì" khi thua 8 trận chung kết trong sự nghiệp.
"Nhiều người nghĩ ông Riedl duyên số chỉ về nhì thôi, phải tìm HLV khác để đổi màu huy chương. Tâm lý chung lúc ấy là như thế", ông Viễn trải lòng. Sau SEA Games 2007, mối duyên của Riedl với tuyển Việt Nam mới chấm dứt. Ông cũng từng dẫn dắt hai đội bóng V-League, nhưng đều thất bại.
HLV Riedl một lần xuống hạng cùng Khánh Hoà, một lần chia tay Hải Phòng chỉ sau 4 trận cầm quân. Đắng cay vẫn nhiều hơn ngọt bùi, nhưng Riedl chưa bao giờ ân hận. Một đời cầm quân, ông luôn dấn thân vào những nơi khó khăn, trắc trở nhất.
HLV Riedl biết rất nhiều thứ, chỉ là không biết đầu hàng.