Thể thao học đường: Rèn luyện sức khỏe, bản lĩnh cho thế hệ tương lai

GD&TĐ - Trong khi Mỹ, Nhật Bản tăng cường giáo dục thể thao trong trường học, một số nước châu Âu chưa dành sự quan tâm đúng mực cho bộ môn này.

Bóng rổ là môn thể thao được yêu thích trong trường học Mỹ.
Bóng rổ là môn thể thao được yêu thích trong trường học Mỹ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thể dục thể thao là một trong những trọng tâm phát triển của ngành giáo dục các nước.

Ưu tiên hàng đầu tại Nhật Bản

Thể dục thể thao là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong giáo dục phổ thông tại Nhật Bản. Bên cạnh môn học Thể dục, các cơ sở giáo dục xứ anh đào thường tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thường niên nhằm khích lệ tinh thần thể thao của học sinh; đồng thời, giáo dục các em về tầm quan trọng của việc trau dồi sức khỏe.

Undokai, lễ hội thể thao học đường, là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất trong các trường phổ thông Nhật Bản. Thường tổ chức vào tháng 5, 6, lễ hội nhằm khuyến khích học sinh rèn luyện thể thao, giảm áp lực học tập.

Vào ngày Undokai, học sinh chia thành hai đội, một đỏ, một trắng để thi đấu các môn thể thao như chạy bộ, bóng chày, chạy tiếp sức… Mỗi khối cũng chuẩn bị một điệu nhảy và cùng nhau biểu diễn.

Ngoài thi đấu, Undokai còn mang ý nghĩa kết nối cộng đồng, nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động nhóm, tinh thần làm việc chăm chỉ. Đây cũng là cơ hội để thầy cô và học sinh trao đổi, giao lưu với nhau sau những giờ học tập căng thẳng.

Bên cạnh Undokai, học sinh Nhật Bản còn quen thuộc với một sự kiện thể thao không kém phần quan trọng là Giải Bóng đá học sinh trung học toàn Nhật Bản (All Japan High School Soccer Tournament). Sự kiện thường thu hút 40.000 đến 50.000 người theo dõi hàng năm.

Giải bóng đá diễn ra vào kỳ nghỉ đông của học sinh Nhật Bản với khoảng 50 đội bóng cấp trường tham dự. Không chỉ là hoạt động thúc đẩy thể thao trường học, giải bóng đá là cơ hội để học sinh thể hiện tài năng, gây ấn tượng với các đội bóng đá chuyên nghiệp. Những học sinh thể hiện tốt có thể được nhận vào các đội bóng hoặc giành học bổng của các trường đại học thể thao.

Ngoài sự kiện thể thao thường niên, các trường phổ thông tổ chức câu lạc bộ thể thao sau giờ học như câu lạc bộ đấu kiếm, câu lạc bộ võ thuật… Học sinh có thể tự do đăng ký tham gia câu lạc bộ phù hợp với sở thích, năng lực cá nhân.

Học sinh Nhật Bản tham dự Lễ hội Thể thao Undokai.
Học sinh Nhật Bản tham dự Lễ hội Thể thao Undokai.

Đề cao sở thích cá nhân

Giáo dục Mỹ đề cao tính cá nhân và sở thích của học sinh. Điều này đồng nghĩa học sinh yêu thích các hoạt động thể thao cũng được đánh giá cao và giành được những lợi thế tương đương với học sinh học tốt văn hóa. Triết lý giáo dục này đã góp phần thúc đẩy hoạt động thể thao nở rộ trong các trường phổ thông.

Trong lớp học, khi nhận thấy một học sinh có năng khiếu thể thao, giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn sẽ trao đổi với phụ huynh nhằm khuyến khích các em theo đuổi lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp. Học sinh phải hoàn thành chương trình văn hóa nhưng được tạo điều kiện tham gia các câu lạc bộ, đội thể thao của trường và thi đấu cấp địa phương, quốc gia. Tương tự Nhật Bản, các giải đấu này cũng là cơ hội để học sinh gây ấn tượng với đội thể thao chuyên nghiệp.

Học sinh trung học sở hữu năng khiếu thể thao có thể nhận học bổng từ các trường đại học. Theo Hiệp hội Thể thao các trường đại học quốc gia Mỹ, hơn 150.000 sinh viên, vận động viên đã nhận được học bổng thể thao với tổng giá trị lên tới 2,7 tỷ USD mỗi năm. Những môn thể thao thường nhận được học bổng toàn phần gồm bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, tennis…

Còn Thể dục là môn học được chú trọng từ bậc mẫu giáo. Trẻ em được khuyến khích hoạt động ngoài trời như ở công viên, sân chơi tập thể, khu tập thể thao… Bước vào bậc phổ thông, Thể dục là môn học chính khóa với nhiều hình thức tổ chức linh hoạt như tập đồng diễn, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội… Do đó, việc rèn luyện thể thao trong các trường học Mỹ mang màu sắc chuyên nghiệp.

Anh tăng cường giáo dục thể thao cho học sinh phổ thông.
Anh tăng cường giáo dục thể thao cho học sinh phổ thông.

Đầu tư dù không phải môn học chính

Trên thực tế, tại Anh, Thể dục không được coi là môn học chính. Ba môn học chính tại nước này gồm Tiếng Anh, Toán và Khoa học. Nhưng Anh là một trong những quốc gia đầu tư nhiều vào giáo dục thể thao trong trường học.

Năm 2018, Tổ chức Thể thao Sport England, Anh, đã khởi động kế hoạch trị giá 13,5 triệu bảng nhằm đào tạo 17.000 giáo viên dạy thể dục trong trường học. Hoạt động thông qua mạng lưới liên minh các cơ sở giáo dục quốc gia, dự án tập huấn giáo viên kỹ năng giảng dạy một số môn thể thao mới như zumba, bóng chuyền. Đồng thời, Sport England khuyến khích các nhà lãnh đạo trường học coi trọng môn Thể dục.

Trong giai đoạn dịch Covid-19, Bộ Giáo dục Anh đã xây dựng nền tảng trực tuyến hỗ trợ sức khỏe tinh thần, thể chất cho học sinh. Nền tảng chứa các video chia sẻ phương pháp học tập tích cực, cân bằng thời gian giữa học trực tuyến và nghỉ ngơi, động tác thể dục cơ bản...

Còn tại Pháp, trước đây giáo dục thể thao (PSE) thường gắn liền với hoạt động quân sự nhưng hiện nay, PSE được thúc đẩy trong các trường phổ thông và mẫu giáo. Kể từ những năm 1970, các hoạt động thể chất, thể thao và nghệ thuật là trọng tâm trong giảng dạy thể dục tại Pháp.

Học sinh được tham gia các môn thể thao như bơi, khiêu vũ, diễn xuất hoặc chỉ đơn giản là chơi cùng nhau ngoài trời. Các trường phổ thông toàn quốc thành lập Liên minh Thể thao dành cho Giáo dục Tiểu học (USEP) và Liên minh quốc gia về Thể thao học đường (UNS), quy tụ gần 2 triệu học sinh, trong đó 40% là trẻ em gái.

Các hiệp hội thể thao là cầu nối thúc đẩy địa phương tổ chức ngày hội thể thao, sự kiện thi đấu thể thao cho các trường phổ thông trên địa bàn. Điều này nhằm khuyến khích học sinh tăng cường rèn luyện thể thao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.