Vướng mắc trong xã hội hóa thể thao học đường

GD&TĐ - Xã hội hóa GD là giải pháp được các cấp ngành, địa phương khuyến khích. Nhưng việc liên kết kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài đầu tư vào nhà trường lại chưa có một văn bản, quy định nào làm căn cứ để thực hiện.

Việc đưa tư nhân vào đầu tư công trình thể thao trường học còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh minh họa/ INT
Việc đưa tư nhân vào đầu tư công trình thể thao trường học còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh minh họa/ INT

Xã hội hóa bể bơi trường học

Hè năm 2019, Trường Tiểu học Diễn Phúc (huyện Diễn Châu, Nghệ An) tổ chức 13 lớp dạy bơi với hơn 300 học sinh tham gia. Đây cũng là trường học duy nhất trong toàn huyện Diễn Châu có bể bơi đạt tiêu chuẩn hiện đại.

Thầy Nguyễn Văn Hảo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường kêu gọi xã hội hóa cùng nguồn ngân sách địa phương đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng bể bơi học đường. Đây là bể xây với đầy đủ hệ thống bơm, lọc nước, nhà vệ sinh phục vụ học sinh thay đồ và tắm tráng. Bể bơi học đường không chỉ phục vụ cho học sinh trong trường mà còn phục vụ cho học sinh của một số trường học lân cận.

Chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020, Trường Tiểu học Diễn Phúc cũng có kế hoạch đưa bơi lội vào môn tự chọn, với mục tiêu 100% học sinh trong trường biết bơi. Để vận hành, duy trì hoạt động và bảo dưỡng bể bơi, nhà trường tiến hành thu một phần chi phí của học sinh, trên cơ sở sự cho phép của UBND huyện.

“Nhưng cái khó là chưa có một văn bản, quy định rõ ràng nào cho phép các trường thu thêm tiền xã hội hóa để dạy bơi cho học sinh. Do đó, trong quá trình thực hiện nhà trường vận dụng theo Thông tư 04 về dạy kỹ năng, Thông tư 07 về tổ chức dạy thêm để hướng dẫn thu tiền dạy bơi theo mức “thu đủ bù chi”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Phúc cho hay.

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Công Hà cũng cho biết: “Khi đưa doanh nghiệp vào thì cần phải có cơ chế rõ ràng mà nhà trường không tự làm được, cần phải có sự đồng ý của UBND huyện. Theo đó, nhà trường phải có tờ trình, trình UBND huyện cho phép. Có thể thực hiện theo hình thức BOT, tức là sau khi xây dựng bể bơi xong cho phép doanh nghiệp vận hành, khai thác trong bao nhiêu năm rồi sẽ trả lại trường”.

Dịp hè vừa qua, Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Tân Kỳ) phối hợp với một đơn vị tư nhân dựng bể bơi di động trong trường học để dạy bơi cho học sinh. Qua gần 2 tháng, đã có hơn 100 học sinh biết bơi. Thầy Nguyễn Công Hà – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Vào năm học mới, nhà trường sẽ tổ chức dạy bơi bài bản hơn cho học sinh.

Nhưng hiện tại trường chưa có bể bơi. Có 2 phương án đưa ra, thứ nhất, tiếp tục khai thác bể bơi di động; thứ hai là xây dựng bể bơi kiên cố bằng cách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.

Bể bơi trị giá 3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa. Ảnh: T.G
 Bể bơi trị giá 3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa. Ảnh: T.G

Muốn đầu tư nhưng lại “vướng quy định”

Trên thực tế, để xây dựng bể bơi nói riêng và công trình thể dục, thể thao trong các trường học cần nguồn kinh phí lớn mà các trường không thể tự kham nổi. Vì thế, xã hội hóa là giải pháp được các cấp ngành, địa phương khuyến khích. Nhưng việc liên kết kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài đầu tư vào nhà trường lại chưa có một văn bản, quy định nào làm căn cứ để thực hiện.

Tháng 5/2019, thầy Hoàng Đình Thắng - Trường THPT Thanh Chương 3 (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đề nghị muốn xây dựng một sân bóng nhân tạo tại khu đất trống của trường. Mục đích tạo cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn cho học sinh nhà trường thực hành môn bóng đá, đồng thời cũng để thanh thiếu niên trong vùng giao lưu thể dục thể thao.

Nhận thấy khu đất dự định xây dựng sân bóng nằm ngoài khuôn viên trường học, nhiều năm qua không sử dụng nên Ban giám hiệu Trường THPT Thanh Chương 3 đồng ý với nguyện vọng của thầy Thắng. Sân cỏ nhân tạo với vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng hoàn thành, đưa vào sử dụng nhận được sự hưởng ứng của người dân.

Tuy nhiên, việc xây dựng trên lại vi phạm quy định về sử dụng tài sản công theo Nghị định 151/2017/NĐ – CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ. Thầy giáo Phan Bá Tiến – Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3 - cho biết: Đây là lỗi sai sót, không lường trước được của nhà trường.

Sau sự cố xây dựng trái văn bản, nhà trường đã nhận trách nhiệm với cơ quan cấp trên, nhưng cũng đồng nghĩa với việc sân bóng có nguy cơ chấm dứt hoạt động. Trước tình hình đó, thầy Hoàng Đình Thắng đã làm đơn xin tài trợ sân cỏ nhân tạo cho Trường THPT Thanh Chương 3.

Qua tìm hiểu, việc xã hội hóa xây dựng công trình thể dục thể thao là mong muốn từ cả 2 phía nhà trường và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài. Tuy nhiên, do đặc thù trường học là đơn vị sự nghiệp công, nên việc đưa tư nhân vào đầu tư còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Sự việc ở trường chúng tôi coi như giải quyết ổn thỏa, nhưng cá nhân tôi cũng mong muốn ban ngành chức năng cấp trên có một cơ chế, định hướng nào đó cho các nhà trường trong việc vận động xã hội hóa cơ sở vật chất” thầy Phạm Bá Tiến nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.