Cú hích cho thể thao học đường

GD&TĐ - Đẩy mạnh thể dục thể thao trong nhà trường trở nên cấp thiết khi trường học mở cửa trở lại, đặc biệt đại dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ khôn lường với biến thể mới, cũng như những tác hại từ hậu Covid-19...

Sức khỏe học đường cần được đặt đúng vai trò. Ảnh minh họa.
Sức khỏe học đường cần được đặt đúng vai trò. Ảnh minh họa.

Tác hại khôn lường

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của người dân. Học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Bên cạnh lo lắng về sự an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, việc học tập trực tuyến kéo dài đã kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, trong đó có biểu hiện căng thẳng tâm lý, trầm cảm. Những ảnh hưởng tiêu cực đối với mắt, cột sống, hô hấp... cho cả học sinh và giáo viên khi tiếp xúc liên tục với màn hình máy tính, điện thoại trong thời gian học trực tuyến đã được ghi nhận.

Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới các mặt đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh; gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70 nghìn sinh viên không thể ra trường đúng hạn.

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, vào thời điểm cuối năm 2021, về tác động của dịch Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên với sự tham gia của hơn 37 nghìn sinh viên cho thấy, trong các áp lực tâm lý mà sinh viên phải chịu, áp lực học tập trực tuyến cao nhất.

Sinh viên có xu hướng lo lắng về vấn đề này, với nhiều lý do như trang thiết bị, căng thẳng liên quan đến đại dịch, mất đi nền nếp của trường học. Mặt khác, sinh viên đặc biệt lo lắng về sự an toàn khi phải sống trong môi trường, hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. Ngoài ra, sinh viên còn có các áp lực, lo lắng về khả năng đóng học phí, mâu thuẫn với gia đình trong vấn đề thấu hiểu. Khảo sát này ghi nhận đa số sinh viên thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập, sinh hoạt.

Cũng theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia TPHCM, Covid-19 đã làm trầm trọng hơn những vấn đề và áp lực tâm thần ở sinh viên. Vậy nên, các cơ sở giáo dục nên có những biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có một cuộc sống tâm thần tốt. Trong đó, cần khai thác tốt những dịch vụ chăm sóc đời sống tâm thần cho sinh viên; tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến, chương trình học thuật để sinh viên có điều kiện giao lưu, học tập, rèn luyện. Mặt khác, cần tuyên truyền, khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động cộng đồng để khắc phục và giảm thiểu hậu quả tâm thần do đại dịch gây ra.

Đặc biệt, theo UNICEF cảnh báo rằng, Covid-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em và thanh, thiếu niên trong nhiều năm tới.

Cụ thể, trong báo cáo “Tình hình Trẻ em Thế giới 2021; Trong tâm trí tôi: Thúc đẩy, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em” đã xem xét các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em và thanh, thiếu niên, đặc biệt tập trung vào việc phân tích cách các yếu tố nguy cơ và bảo vệ tại gia đình, trường học và cộng đồng trong việc hình thành kết quả liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Một trận đấu thuộc giải bóng rổ học sinh quận Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh).

Một trận đấu thuộc giải bóng rổ học sinh quận Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh).

UNICEF nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh, thiếu niên cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc. Nhưng đại dịch có thể chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần - một tảng băng mà họ cho rằng đã không được chú ý trong một thời gian quá dài. Báo cáo kêu gọi xã hội phá vỡ sự im lặng xung quanh vấn đề sức khỏe tâm thần, bằng cách xóa bỏ kỳ thị, tăng cường hiểu biết và xem xét nghiêm túc những trải nghiệm của trẻ em và thanh niên.

Theo kết quả ban đầu từ một cuộc khảo sát quốc tế về trẻ em và người trưởng thành ở 21 quốc gia được thực hiện bởi UNICEF và Gallup – đơn vị được đề cập trong Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm 2021, trung bình cứ 5 người trong độ tuổi từ 15 - 24 được khảo sát thì có 1 người cho biết họ cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì. Covid-19 đã chuẩn bị bước sang năm thứ ba, và đại dịch này đang tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tâm thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh, thiếu niên. Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục.

Như vậy, có thể thấy, vấn đề chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho học sinh đang đòi hỏi các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm. Việc mở cửa trường học trong bối cảnh hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, đặc biệt là yêu cầu bảo đảm an toàn sức khỏe cho thầy, cô giáo, các em học sinh và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Các trường, đơn vị quản lý sớm xây dựng kế hoạch cụ thể trong chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh, giúp các em vượt qua những sang chấn tâm lý nếu có. 

Học sinh cần được chú trọng về hoạt động thể chất. Ảnh minh họa.

Học sinh cần được chú trọng về hoạt động thể chất. Ảnh minh họa.

Thay đổi nhận thức

Cho đến lúc này, vai trò của thể thao học đường vẫn chưa thực sự được đặt đúng vị trí và đánh giá đúng tầm quan trọng của nó. Các bậc cha mẹ dường như vẫn đặt điểm số ở vị trí rất cao so với sự phát triển về thể chất cũng như tâm, sinh lý con em mình. Quan điểm đó định hình từ khi con học bậc tiểu học cho đến trung học, kể cả bậc đại học. Trong khi đó, ít nhất từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở là giai đoạn để học sinh phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Thực tế, dường như rất nhiều bậc cha mẹ đã hiểu sai vai trò của thể thao học đường. Họ coi đây chỉ là “môn phụ”, nặng về yếu tố “giải trí”, hơn là môn chính cho sự phát triển toàn diện của con em mình. Nhiều cha mẹ chưa đặt việc rèn luyện thể chất làm mối quan tâm hàng đầu, thậm chí, mặc định con không thích chơi thể thao hoặc còn quá nhỏ, dễ chấn thương, lịch học dày đặc, thiếu sân tập phù hợp.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) trong một nghiên cứu cho biết, trẻ em Việt Nam dành hơn 3 giờ mỗi ngày để ngồi xem tivi, chơi điện tử. Trong khi đó, môn Giáo dục thể chất tại trường học chỉ chiếm 90 phút trên tổng số 1.125 phút học tập mỗi tuần.

Trong khi đó, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ 6 - 12 tuổi có thể chơi một số môn phù hợp như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội... Thời lượng tập luyện cần 120 phút mỗi ngày, trong đó, có ít nhất 60 phút vận động mức độ từ trung bình đến mạnh, tức chơi môn thể thao nào đó.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đang ở giai đoạn báo động đỏ chủ yếu do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của thể thao với sự phát triển nên trong 6 năm đầu đời của con, phụ huynh không chủ động đưa thể thao vào kế hoạch nuôi dạy. Điều đó khiến các bé chưa được rèn luyện để hình thành thói quen hoạt động thể thao bên cạnh những giờ học tri thức. Phụ huynh nên sắp xếp thời gian biểu cho con tập luyện thể thao và học tập, lựa chọn môn vừa sức và sân chơi phù hợp giúp trẻ có môi trường theo đuổi đam mê.

Vậy nên, việc thực hiện các mục tiêu, nội dung giáo dục nhằm phát triển thể chất cho trẻ em theo hướng tích hợp với các hoạt động giáo dục khác cần được đẩy mạnh trong chương trình giáo dục mầm non. Đổi mới mục tiêu, chương trình môn học giáo dục thể chất phải bảo đảm tính cân đối, thống nhất, linh hoạt, có tính kế thừa và phát triển giữa các cấp học; cung cấp đầy đủ các kiến thức cũng như kỹ năng cho học sinh; hỗ trợ quá trình hình thành và duy trì thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên cho học sinh, sinh viên.

Cần phải có những chính sách đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động thể thao trường học theo hướng đa dạng, phong phú, trên cơ sở phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi và trình độ đào tạo của học sinh, sinh viên. Trong đó, cần tăng cường hỗ trợ và có nhiều hình thức, phương pháp triển khai hợp lý đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Như vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động thể thao trong học sinh, sinh viên mới có được những chuyển biến tích cực.

Những năm qua, nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và sức khỏe tâm thần của học sinh, một số chương trình, dự án chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em đã được đưa vào trường học nhưng với phạm vi riêng lẻ, không đồng bộ, chỉ triển khai trên một số địa phương. Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025, thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia vào việc chăm sóc cho thế hệ tương lai. Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lựa chọn các nội dung ưu tiên đối với sức khỏe trẻ em, học sinh trên cả nước.

Với thông điệp “Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh”, lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình tổng thể, chính thống và toàn diện về sức khỏe học đường được thực hiện, kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khỏe mạnh, năng động, trưởng thành.

Chương trình Sức khỏe học đường hướng tới mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.

Hiện nay, hơn 40% học sinh mắc tật khúc xạ; Gần 90% học sinh mắc bệnh răng miệng; 7 đến 15% học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống... Ngoài ra, mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước. Tỷ lệ này cao gấp 10 lần các nước phát triển. Về giáo dục thể chất và thể thao trường học, năm học 2019 - 2020, có 69% số học sinh chưa tham gia hoạt động thể dục thể thao; 76,5% số học sinh không đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp loại thể lực theo tuổi. Việc thiếu đầu tư cơ sở vật chất cũng là một trong những nguyên nhân chưa thu hút được đông đảo học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao. (Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020  của Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ