Du học trên quê nhà
4 năm trước, bà mẹ Cho Haeng-do chuyển từ Seoul tới Đảo Jeju cùng con gái duy nhất, Lee Sol, khi cô bé 15 tuổi được nhận vào Branksome Hall Asia (BHA), trường nhánh tại Hàn Quốc của một trường nữ sinh nội trú của Canada.
Sau khi tìm hiểu và tham khảo ý kiến của bạn bè sống ở nước ngoài cho việc giáo dục con cái, Cho và chồng quyết định gửi con vào một trường phương Tây tại Jeju để con gái có thể học chương trình quốc tế bằng Anh ngữ ngay trong nước.
“Giáo dục quan trọng nhưng gia đình còn quan trọng hơn với chúng tôi. Jeju gần tới mức tôi và con gái có thể gặp bố cháu bất cứ khi nào muốn” - Cho, sống tại khu Mokdong giàu có tại Tây Seoul, chia sẻ. Cho mua một căn hộ gần trường sống cùng con gái, trong khi chồng đang làm việc tại Seoul và đến Jeju thăm vợ con vào dịp cuối tuần.
Cho là một trong nhiều bà mẹ Hàn Quốc đang ngả sang lựa chọn thứ hai khi xem xét đưa con ra nước ngoài nhằm vừa tăng khả năng Anh ngữ, vừa né tránh được áp lực giáo dục trong nước.
Những ông bố sống xa gia đình và thăm vợ con dịp cuối tuần như bố của Lee Sol được gọi là “ông bố chim sẻ”. Khái niệm mới này là để so sánh mức độ hy sinh ít hơn so với khái niệm “ông bố ngỗng trời” dành cho những ông bố chỉ được gặp vợ con một đôi lần mỗi năm do khoảng cách địa lí quá xa xôi.
Chính sách thành công
Năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc lần đầu tiên nêu kế hoạch xây dựng một “đặc khu” tập trung các trường phương Tây danh tiếng nhằm đối phó với bùng nổ làn sóng trẻ em du học nước ngoài.
North London Collegiate School (NLCS), một trường nội trú nổi tiếng của Anh, mở trường nhánh đầu tiên tại châu Á đặt tại Jeju năm 2011; BHA mở trường nhánh năm tiếp theo; St. Johnsberry, một trường nội trú Mỹ, sẽ khai giảng vào tháng 9/2016…
Các gia đình chia tách lâu năm thường ảnh hưởng lớn tới hôn nhân và suy yếu vai trò của người cha đối với con cái. Nhiều cặp vợ chồng có kết cục li hôn. Chính phủ cũng lo lắng một nguồn tiền lớn cũng chảy ra nước ngoài chi vào học phí và sinh hoạt phí đắt đỏ. Thậm chí tiềm ẩn nguy cơ chảy máu chất xám khỏi quốc gia lớn thứ tư châu Á.
Các trường quốc tế tại hòn đảo nghỉ dưỡng phía Nam Hàn Quốc cũng có thêm sức hút trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm và thị trường việc làm khó khăn đối với cả những người du học nước ngoài trở về. Đối tượng này thậm chí còn thua thiệt về quan hệ trong nước cũng như năng lực tiếng Hàn mẹ đẻ hạn chế.
Số học sinh vào học các trường quốc tế tại Jeju đã tăng hơn 3 lần từ cuối năm 2011 đến tháng 12/2015 thành 2.400 học sinh. Ngược lại, số học sinh Hàn du học nước ngoài từ tiểu học đến THPT đã giảm 12% trong năm học 2014 - 2015 so với năm trước, còn 10.907 học sinh. Nếu xu hướng này tiếp tục, số du học sinh Hàn sẽ giảm xuống mức dưới 10.000 trong năm nay, mức thấp lần đầu tiên trong 14 năm qua - mức đỉnh điểm năm 2006 là 30.000 du học sinh.