Thực hư việc Venezuela trở thành Syria thứ 2 ở Mỹ La tinh

Tổng thống Maduro (trái) và Tổng thống Putin
Tổng thống Maduro (trái) và Tổng thống Putin

Khi Mỹ kêu gọi triệu tập một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Venezuela, Nga đã sử dụng phiên họp này để cảnh báo sự can thiệp nước ngoài vào quốc gia Mỹ Latinh trên, đồng thời buộc tội Mỹ cố gắng thực hiện một vụ “đảo chính”.

Nga cũng đưa ra đề nghị làm trung gian giữa chính quyền ông Maduro và phe đối lập nếu cần thiết.

Theo các chuyên gia, Moscow sẽ mất rất nhiều nếu chính quyền ông Maduro sụp đổ.

Pete Duncan – một giáo sư về chính trị Nga tại Đại học London - nói: “Mất mối quan hệ với Venezuela sẽ là một đòn mạnh giáng vào Nga. Ông Putin sẽ cố gắng hết sức để ngăn cản sự thay đổi chính quyền nơi đây”.

Từ giữa những năm 90, Nga đã tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở khu vực Mỹ La tinh. Dưới thời ông Hugo Chavez – người tiền nhiệm của ông Maduro – Nga trở thành một trong những liên minh mạnh mẽ nhất của Venezuela với những mối quan hệ kinh tế từ dầu mỏ, các khoản vay cho tới các thương vụ vũ khí.

Ông Duncan nói rằng từ khi lên nắm quyền năm 2000, ông Putin đã tìm cách khai thác các đối tác ở Mỹ La tinh nhằm đối trọng với tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và tăng cường địa vị của Nga trên thế giới.

Nhà phân tích chính trị Anton Barbashin của Trung tâm Wilson nói rằng “nguyên nhân chính khiến Nga ủng hộ ông Maduro cũng giống như nguyên nhân ủng hộ ông Assad của Syria, đó là niềm tin rằng không có nước ngoài nào nên can thiệp vào chuyện nội bộ của một quốc gia cụ thể”.

Chuyên gia chính sách đối ngoại Vladimir Rouvinski của Đại học Icesi ở Colombia nói rằng điện Kremlin coi Venezuela là sân sau của Mỹ - trong phạm vi ảnh hưởng chính trị của Washington – cũng giống như Ukraine là sân sau của Nga.

Ông Rouvinski cũng cho rằng “Venezula là tài sản cuối cùng của Nga ở Mỹ La tinh”.

Ngoài ra, ông Putin cũng tìm thấy một đồng minh ở Venezuela. Cố Tổng thống Chavez và hiện nay là ông Maduro đều có quan điểm giống với ông Putin, trái ngược với quyền bá chủ của Mỹ.

Tổng thống Venezuela Maduro
 Tổng thống Venezuela Maduro

Venezuela có trở thành một Syria ở châu Mỹ La tinh?

Tuy Nga đã triển khai quân đội thành công tại Syria nhưng khó có thể làm điều tương tự ở Venezuela.

Venezuela nằm cách Nga hàng trăm ngàn km đường biển, Nga cũng không có đồng minh trong khu vực như Iran để Moscow có thể dựa vào. Ngoài ra, Nga cũng đang gặp phải khó khăn dài hạn về kinh tế nên điện Kremlin khó có phương tiện hay được sự ủng hộ của quần chúng trong nước khi thực hiện một cuộc phiêu lưu tốn kém ở nước ngoài.

Dù sao, câu hỏi mà giới báo chí đặt ra là “Nga sẽ làm gì?”

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov luôn nói về việc Nga đề nghị làm trung gian hòa giải tranh chấp. “Chúng tôi và các thành viên có trách nhiệm khác của cộng đồng quốc tế sẽ làm mọi việc có thể để ủng hộ chính phủ hợp pháp” – ông Lavrov nói.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Moscow đã đưa 2 máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới Venezuela để thể hiện sự đoàn kết.

Nhà phân tích Vladimir Zhirinovsky đề nghị Nga nên gửi cả một hạm đội tới Venezuela để ngăn chặn sự can thiệp từ nước ngoài. Về bản chất, điều này giống như tái hiện cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi Mỹ và Xô viết gần như bên bờ vực chiến tranh hạt nhân về việc lắp đặt tên lửa của Xô viết ở Cuba.

Phát ngôn viên Tổng thống Nga, ông Dmitri S.Peskov, bác bỏ thông tin rằng Nga đang can thiệp vào Venezuela một cách bí mật như cung cấp lính đánh thuê để bảo vệ ông Maduro và tài sản quan trọng nhất của chính phủ.

Việc triển khai quân Nga tới Venezuela được giới phân tích cho là không cần thiết bởi vì ông Maduro vẫn được quân đội Venezuela ủng hộ và các quan chức Nga nói rằng chưa có những yêu cầu xin hỗ trợ chính thức từ Caracas.

Kịch bản Syria ở Venezuela dường như khó xảy ra. Ngoài khoảng cách xa về địa lý và chi phí tốn kém, có một số lý do quan trọng khác để Nga không can thiệp vào Venezuela.

Ở Syria, Nga có thể tác chiến từ xa, chỉ cần triển khai không lực hay bắn tên lửa hành trình từ biển Caspia. Trong khi đó Iran cung cấp bộ binh cần thiết để chống lại chiến binh chống chính phủ.

Venezuela cũng chưa đạt tới ngưỡng chiến tranh như Syria. Nga cũng không thể triển khai quân để chống lại người biểu tình phe đối lập ở Caracas hay các thành phố khác.

Tại Trung Đông, Nga có những người bạn khác ngoài Syria. Ở Mỹ Latinh, ngoài Cuba và Nicaragua, không có chính phủ nào ủng hộ ông Maduro. Do đó, bất kỳ sự can thiệp nào của Nga cũng dễ khiến các nước tại châu lục này liên kết chống lại Nga, đó là chưa kể tới việc khiêu khích thêm các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ có khả năng đối đầu cứng rắn với bất kỳ ai can thiệp quá công khai vào “sân sau” của họ.

Theo New York Times/Al Jazeera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.