Ông Mnuchin cho rằng động thái này nhằm “giúp ngăn chặn sự phân tán tài sản” của “cựu tổng thống Maduro”.
Các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ khi “chuyển giao được quyền kiểm soát cho tổng thống lâm thời, hoặc chính phủ lâm thời được bầu cử một cách dân chủ sau đó”.
“Chúng tôi biết chính phủ hợp pháp của Venezuela là ai và chúng tôi có nhiệm vụ biến những điều mà người dân Venezuela mong muốn thành hiện thực” – Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nói.
Ngoài 7 tỉ USD tiền tài sản của PDVSA tại Mỹ, lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu trị giá 11 tỉ USD trong những năm tới.
Mỹ mua một lượng đáng kể dầu mỏ của Venezuela, nhưng ông Mnuchin nói rằng lệnh trừng phạt sẽ có “tác động khiêm tốn” tới các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Ông nói thêm rằng một số lượng dầu đã được trả tiền ở trên biển và đang trên đường tới Mỹ, tuy nhiên, trong tương lai Mỹ sẽ không tiếp tục mua dầu của Venezuela cho tới khi sự thay đổi chế độ có hiệu lực.
Công ty con Citgo của PDVSA sẽ tiếp tục hoạt động tại Mỹ, nhưng tất cả lợi nhuận từ doanh thu sẽ phải gửi tới một tài khoản bị khóa mà chỉ cung cấp cho chính phủ ông Guaido.
“Những tài sản quý giá này chúng tôi đang bảo vệ vì lợi ích của người dân Venezuela” – ông Mnuchin cho biết.
Nói tại Caracas vào tối qua (28/1), ông Maduro gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm “đánh cắp” Citgo từ Venezuela và tuyên bố rằng PDVSA sẽ bắt đầu hành động pháp lý để bảo vệ công ty. Ông cũng thề có một “phản ứng tương xứng” với các biện pháp của Mỹ trong tương lai gần, để bảo vệ “lợi ích của Venezuela”.
Washington đã ngay lập tức công nhận ông Guaido là lãnh đạo Venezuela ngay sau khi ông tự tuyên bố mình là tổng thống lâm thời vào tuần trước. Các đồng minh của Mỹ trong khu vực và châu Âu cũng ủng hộ ông Guaido.
Ngân hàng Anh cũng từ chối trả số vàng trị giá 1,2 tỉ USD của Venezuela cho Caracas.