Thế giới không thể có một Albert Einstein thứ hai?

Tháng 11-2015 đánh dấu 100 năm ra đời “Thuyết tương đối rộng” của nhà bác học Albert Einstein. Nhân đó, nhắc lại một chút về nhân vật cực kỳ đặc biệt này.

Thế giới không thể có một Albert Einstein thứ hai?

Thằng nhỏ trông không bình thường. Nó quá mập và cái đầu ngoại cỡ của nó khiến bà mẹ lo lắng. Nó không biết nói cho đến khi hơn 2 tuổi và thậm chí âm giọng kỳ lạ của nó làm gia đình thêm âu lo. Nó thích ném quả bóng vào cô em gái và rượt cô giáo violin chạy thục mạng sau khi ném ghế vào cô ấy.

Tóm lại, thằng nhỏ không có dấu hiệu nào của sự minh tuệ, trừ sự kiên nhẫn khi cặm cụi dựng lá bài thành mô hình nhà cao 14 tầng.

Người có sức tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung nó có thể là một “Copernicus tái thế”, một vật lý gia đưa ra lý thuyết mới về vũ trụ trong đó vật chất và ánh sáng trao đổi nhau, tia sáng uốn cong, tinh tú nhảy múa, không gian co giãn và thời gian đàn hồi như kẹo cao su.

Tất nhiên không có dấu hiệu gì cho thấy nó sắp đưa nhân loại vào kỷ nguyên của nguyên tử năng… Đó không ai khác hơn là vật lý gia Albert Einstein!

the gioi khong the co mot albert einstein thu hai

Vị trí Albert Einstein trong lịch sử khoa học đương đại là điều không bao giờ gây tranh cãi. “Einstein đã thay đổi cách mà vật lý gia nghĩ về vũ trụ để sao công chúng có thể hiểu được” - phát biểu của Tiến sĩ Michael Turner, nhà vũ trụ học thuộc Đại học Chicago kiêm Giám đốc Khoa Toán - Lý tại Tổ chức khoa học tự nhiên Hoa Kỳ.

Chính sự tinh giản trong học thuyết đã đưa hình ảnh Einstein trở thành tượng đài. Liệu điều này có thể xảy ra lần nữa và ai sẽ là Albert Einstein kế tiếp? Nói theo Dennis Overbye trong bài viết trên New York Times, không câu hỏi nào có thể làm khó chịu hoặc ít nhất gây lúng túng cho giới khoa học bằng câu hỏi trên.

“Đó có lẽ luôn là câu hỏi ngu ngốc” - theo Tiến sĩ Lawrence Krauss, nhà vũ trụ học thuộc Đại học Case Western Reserve, người kể rằng mình từng đọc nhiều lý lịch khoa học gia trẻ, trong đó có không ít chi tiết so sánh với Einstein (Lawrence Krauss ám chỉ Einstein là không thể so sánh và như vậy không cần thiết khi thắc mắc rằng tại sao không có Einstein thứ hai).

Sự không thể so sánh ở đây nằm ở ý nghĩa rằng chưa cá nhân khoa học gia nào sau thời Einstein có thể một mình tạo ra một lý thuyết làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn vũ trụ.

Tiến sĩ David Gross (đồng Nobel Vật Lý năm 2004) nhận xét: “Tất nhiên không thể có một Einstein kế tiếp”. Vật lý - theo David Gross - quá rộng và mênh mông đến mức không người nào có thể nổi trội theo cách mà như Einstein từng làm được. Một công trình nghiên cứu năng lượng cao (high-energy) bây giờ thường là kết quả của sự hợp tác có khi lên đến 500 tác giả.

Một số ý kiến khác bổ sung rằng sở dĩ Einstein đạt đến ngưỡng “thượng thừa” là do ông có khả năng tập trung phi thường.

Hơn nữa, Einstein giải quyết những vấn đề mà thậm chí người ta không đặt chúng thành câu hỏi - nhận xét thêm của Tiến sĩ Edward Witten thuộc Viện Nghiên cứu cấp cao tại Princeton, nơi Einstein từng lăn lộn làm việc trong 32 năm cuối đời (Edward Witten ám chỉ rằng chính cách tư duy và biết đặt câu hỏi mới là tố chất của nhà khoa học thật sự).

Tiến sĩ Lee Smolin (Viện Vật Lý lý thuyết Ontorio) thậm chí nhắc đến phẩm chất đạo đức khi nói đến Einstein trong bài viết trên chuyên san Discover.

“Đơn giản ông ấy quan tâm nhiều hơn hầu hết đồng nghiệp và tin rằng các định luật vật lý có thể giúp giải thích mọi điều trong thế giới tự nhiên một cách chặt chẽ và nhất quán” - Lee Smolin nói. Và điều đó đã đưa Einstein đi đến khái niệm “(một cách) tương đối” trong luận thuyết của mình.

Thế giới khoa học hiện nay không thiếu sáng tạo và vật lý gia kỳ tài cũng không ít nhưng không ai có thể tạo ảnh hưởng xã hội và văn hóa như Einstein. Có vô số sản phẩm văn hóa liên quan Einstein, từ âm nhạc, điện ảnh đến hội họa. Bởi sự “tương đối” của ông đã đạt đến đỉnh tuyệt đối đến mức sức lan tỏa xã hội của nó là quá lớn.

Thuyết tương đối Einstein không bó hẹp trong lĩnh vực vật lý mà bao hàm cả triết học. Tiến sĩ Michael Turner tin rằng vật lý thế giới rồi cũng sẽ có một Einstein thứ hai, khi kiến thức bắt đầu được lĩnh hội xuyên suốt và người ta lại hăm hở tìm kiếm khám phá mới.

Isaac Newton từng tồn tại hơn 200 năm trước khi Albert Einstein trở thành ngôi sao Bắc đẩu trên vòm trời vật lý. Turner cho rằng thuyết tương đối đã thống trị thế giới 100 năm qua và nó sẽ không tiếp tục thêm 200 năm nữa.

“Các phương trình về thuyết tương đối là tấm văn bia và là đài tưởng niệm tuyệt hảo nhất của ông (Albert Einstein). Chúng sẽ tồn tại mãi mãi như vũ trụ. Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 100 năm qua, hơn bất kỳ thế kỷ nào trong lịch sử. Nguyên nhân không phải là chính trị hay kinh tế mà chính là kỹ thuật - những kỹ thuật đã chảy trực tiếp từ các tiến bộ trong khoa học nền tảng. Rõ ràng, không khoa học gia nào có thể đại diện xứng đáng cho những tiến bộ đó hơn là Albert Einstein: Nhân vật thế kỷ của báo Time” - STEPHEN HAWKING (TIME, ấn bản đặc biệt thế kỷ 20)......

Ngày 14-3-1951, trong tiệc sinh nhật lần thứ 72 của Albert Einstein, phóng viên ảnh AFP Arthur Sasse đã cố “dỗ” Einstein cười trước ống kính; tuy nhiên, Einstein chỉ thè lưỡi. Bức ảnh này trở thành một trong những biểu tượng văn hóa pop phương Tây và trở nên quen thuộc khắp thế giới.

Theo Petrotimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.