Thế giới hỗn loạn vì rác thải nhựa không được tái chế

GD&TĐ - Nhiều năm qua, Trung Quốc đã nhận phần lớn nhựa phế liệu từ khắp nơi trên thế giới, xử lý thành vật liệu chất lượng cao hơn. Nhưng kể từ đầu năm 2018, quốc gia chuyên tái chế này đã đóng cửa với hầu hết các chất thải nhựa từ nước ngoài nhằm bảo vệ môi trường, việc này khiến các quốc gia phát triển phải vật lộn để tìm địa điểm “gửi” chất thải mới.

Bãi rác thải nhựa chờ tái chế nằm ven thị trấn nhỏ Jenjarom (Malaysia).
Bãi rác thải nhựa chờ tái chế nằm ven thị trấn nhỏ Jenjarom (Malaysia).

“Trung Quốc là thị trường tái chế lớn nhất. Việc dừng nhận chất thải nhựa từ bên ngoài đã tạo ra một cú sốc lớn trên thị trường toàn cầu”, Arnaud Brunet, tổng giám đốc của tập đoàn công nghiệp thuộc Cục Tái chế quốc tế có trụ sở tại Brussels (Bỉ), chia sẻ với truyền thông.

Thay vào đó, nhựa đang ùn ùn được chuyển hướng đến Đông Nam Á, nơi các nhà tái chế Trung Quốc đã chuyển đến làm nhà máy tái chế. Với một nhóm thiểu số nói tiếng Trung Quốc, Malaysia là lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư công nghệ tái chế từ Trung Quốc di dời tới. Điều này được thể hiện qua con số nhập khẩu nhựa tại đây tăng gấp ba lần từ năm 2016 lên 870.000 tấn vào năm ngoái.

Tại thị trấn nhỏ Jenjarom, gần thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, các nhà máy chế biến nhựa đột nhiên xuất hiện với số lượng lớn, thải ra khói độc hại suốt ngày đêm. Những bãi rác thải nhựa khổng lồ đổ bộ, chất đống khi các nhà máy tái chế vật lộn để đối phó với dòng bao bì thải ra từ các địa điểm xa xôi như Đức, Mỹ và Brazil.

Người dân sớm nhận thấy mùi hôi nồng nặc xung quanh thị trấn - loại mùi thường thấy trong chế biến nhựa, nhưng các nhà vận động môi trường tin rằng một số khói cũng đến từ việc đốt rác thải nhựa có chất lượng quá thấp để tái chế.

Pua và các thành viên khác trong cộng đồng đã bắt đầu điều tra và đến giữa năm 2018 đã ghi nhận khoảng 40 nhà máy chế biến tình nghi, nhiều nhà máy dường như đang hoạt động bí mật và không có giấy phép hợp pháp.

Khiếu nại ban đầu với chính quyền không đi được đến đâu nhưng họ vẫn tiếp tục gây áp lực và cuối cùng chính phủ đã phải hành động. Nhà chức trách bắt đầu đóng cửa các nhà máy bất hợp pháp ở Jenjarom và tuyên bố đóng băng tạm thời trên toàn quốc đối với giấy phép nhập khẩu nhựa.

Có 33 nhà máy đã bị đóng cửa, mặc dù các nhà hoạt động tin rằng nhiều cơ sở tái chế đã lặng lẽ được chuyển đi nơi khác trong nước. Người dân cho biết chất lượng không khí đã được cải thiện nhưng vẫn còn một số bãi nhựa.

Tại Australia, châu Âu và Mỹ, nhiều nhà thầu thu gom nhựa và các vật liệu tái chế khác đã phải cạnh tranh gay gắt trong việc tìm địa điểm mới để gửi chúng. Họ phải đối mặt với chi phí cao hơn để xử lý chúng.

Tại Trung Quốc, việc nhập khẩu chất thải nhựa đã giảm từ 600.000 tấn mỗi tháng trong năm 2016 xuống còn khoảng 30.000 tấn mỗi tháng trong năm 2018, theo dữ liệu được trích dẫn từ một báo cáo mới từ Greenpeace.

Chỉ với khoảng 9% nhựa sản xuất được tái chế, các nhà vận động cho biết giải pháp lâu dài duy nhất cho cuộc khủng hoảng chất thải nhựa là các công ty sản xuất ít hơn và người tiêu dùng sử dụng ít hơn. “Giải pháp duy nhất cho ô nhiễm nhựa là sản xuất ít nhựa hơn”, Kate Lin - nhà vận động Greenpeace, chỉ ra.

Theo AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ