Làm đường từ rác thải nhựa

GD&TĐ -  Công ty Dow Việt Nam vừa đưa ra lộ trình đến tháng 9 tới sẽ hoàn thiện con đường dài 1km tại khu Tổ hợp công nghiệp DEEP C (Cảng Đình Vũ, Hải Phòng). Điều đặc biệt là lần đầu tiên ở nước ta có một con đường được làm từ rác thải nhựa.

Trong tương lai, sẽ làm đường từ rác thải nhựa.	Ảnh: TG.
Trong tương lai, sẽ làm đường từ rác thải nhựa. Ảnh: TG.

Tận dụng rác thải

Hiện Tổ hợp công nghiệp DEEP C đã ký kết với Công ty Dow sẽ làm thử nghiệm 1km đường từ rác thải nhựa. Đây là con đường nội bộ trong khu công nghiệp nên công tác triển khai sẽ có nhiều thuận lợi.

Công nghệ này sẽ được Trường Đại học Hàng hải Việt Nam kiểm định. Cụ thể, sẽ kiểm định xem với công nghệ bê tông nhựa cũ đưa vào Việt Nam có hiệu quả không, lợi thế là gì để áp dụng nhân rộng.

Theo dự kiến, rác thải nhựa mà chủ thầu tận dụng chủ yếu là bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng, được tái chế lại để làm đường. Theo đó, để hoàn thiện 1km bắt buộc phải chuyển hoá gần 4 tấn bao bì nhựa dẻo. Nguyên vật liệu này trước tiên phải được làm sạch, sấy khô, nghiền nhỏ, trộn lẫn với nhựa đường ở nhiệt độ khoảng 150 - 180 độ C để nóng chảy hoàn toàn, hoà lẫn với nhựa đường.

Kỹ sư Toby McCartney của Công ty MacRebur (Scotland) đã tạo ra một loại chất liệu thảm đường (gọi là MR6) từ nhựa phế thải tái chế, có chất lượng tốt hơn đến 60% và tuổi thọ kéo dài hơn 10 lần so với những tuyến đường nhựa thông thường.

Rõ ràng, trong khi rác thải nhựa là vấn nạn, gây ô nhiễm môi trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam thì việc Dow thử nghiệm làm 1km đường tại Tổ hợp công nghiệp DEEP C, Đình Vũ (Hải Phòng) được coi là giải pháp thân thiện môi trường. Dự kiến, công tác triển khai làm 1km đường này sẽ hoàn thành vào tháng 9/2019.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, GS TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải băn khoăn: “Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc chúng ta tận dụng được rác thải nhựa để tái chế, nhất là khi không làm tổn hại đến nguyên vật liệu là đáng hoan nghênh.

Song vấn đề là chất lượng và nguồn nguyên vật liệu rác thải nhựa như thế nào? Có đạt tiêu chí bền vững về mặt công nghệ, thời gian và kinh phí hay không. Bởi nếu làm loại đường này, kinh phí đắt quá sẽ không áp dụng đại trà được, sẽ lãng phí. Do vậy, chúng ta phải nghiên cứu kỹ liệu có thể áp dụng đại trà hay không?”.

Kiểm nghiệm một cách cẩn trọng

Để thuyết phục được đối tác, Công ty Dow Việt Nam cho rằng, họ đã có bề dày kinh nghiệm làm hơn 90 km đường giao thông từ rác thải nhựa tại các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Hoa Kỳ. Đồng thời khẳng định, rác thải nhựa nếu biết tận dụng sẽ là nguồn tài nguyên tái tạo mang lại giá trị kinh tế bởi con người tận dụng được chu trình tuần hoàn nhựa.

Tuy nhiên, vẫn theo GS Từ Sỹ Sùa, kinh nghiệm áp dụng ở nước ngoài thành công không có nghĩa sẽ mang lại kết quả tương tự ở Việt Nam. Ví dụ ở nước ngoài vẫn dùng tiền xu nhưng ở Việt Nam thì không. Vì thế, kinh nghiệm cần có không gian, thời gian kiểm định. Có thể, thời gian này con đường tận dụng từ rác thải nhựa là tốt nhưng thời gian sau không tốt. Có thể vị trí này đắc địa nhưng vị trí khác lại không.

Theo Bộ TN&MT, Việt Nam hiện là một trong số những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM. Dọc bờ biển Việt Nam hiện tràn ngập rác thải nhựa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân và hủy hoại môi trường biển. Vì vậy, việc tái sử dụng rác thải nhựa làm đường đi không chỉ có giá trị bảo vệ môi trường mà còn có giá trị kinh tế và xã hội.

Ưu điểm của con đường này là có khả năng giảm khí thải nhà kính bằng cách thay thế một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường.

“Tái sử dụng được rác thải nhựa, vừa tránh ô nhiễm môi trường, lại có được đường đi. Nhưng còn vấn đề kinh tế và xã hội cũng cần quan tâm. Bởi chúng ta không tính toán tốt, chỉ làm xong 1km đường tái chế rác thải nhựa mà hết nguyên liệu thì lấy đâu ra rác thải nhựa để làm tiếp con đường khác? Nếu nguồn nguyên liệu chỉ đáp ứng được 1 km đường là hết sẽ không có tính bền vững, không có tính đại trà” - GS Từ Sỹ Sùa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.