Thế giới giảm áp lực thi cử như thế nào?

GD&TĐ - Không quan trọng hóa điểm số, khuyến khích học sinh chủ động trong công việc, đào tạo nghề chuyên nghiệp hay ưu tiên hạnh phúc của trẻ là những nguyên tắc giúp Phần Lan, Đức hay Nhật Bản giải tỏa áp lực thi cử.

Học sinh Phần Lan được khuyến khích tự do khám phá.
Học sinh Phần Lan được khuyến khích tự do khám phá.

1. Phần Lan

Giáo dục tại Phần Lan miễn phí cho mọi học sinh đến từ những hoàn cảnh khác nhau. Các em cũng được tài trợ bữa trưa học đường đầy đủ chất dinh dưỡng bởi quan điểm của quốc gia này, sức khỏe là nền móng của giáo dục. Tại Phần Lan, trong 10 năm phổ thông, học sinh chỉ phải tham gia kỳ thi duy nhất là thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi có thể được tuyển thẳng hoặc dự tuyển vào các trường đại học.

Phương pháp giáo dục tại Phần Lan hướng đến sự hợp tác thay vì cạnh tranh. Quốc gia này không có bảng xếp hạng trường học, giáo viên và cũng không phân loại học sinh dựa trên thành tích. Họ khuyến khích các hoạt động nhóm trong giảng dạy và công việc như học sinh với học sinh, giáo viên với giáo viên, học sinh với giáo viên.

Chương trình học tại Phần Lan tập trung vào những giá trị cơ bản, không chú trọng vào điểm số hay thành tích. Các chuyên gia giáo dục bày tỏ muốn xây dựng môi trường học đường bình đẳng. Họ ưu tiên những điều cơ bản gồm giáo dục là công cụ giải quyết bất bình đẳng xã hội; tất cả học sinh đều nhận bữa ăn miễn phí tại trường; tất cả học sinh đều dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; được tư vấn tâm lý; được phát triển theo cách riêng.

Tại Phần Lan, học sinh đi học từ 7 tuổi, muộn hơn học sinh tại nhiều quốc gia khác. Những năm đầu, các em được tự do học hỏi, khám phá không theo chương trình học bắt buộc để tự do phát triển. Học sinh chỉ học 9 năm bắt buộc.

Qua tuổi 16, học sinh có thể chọn học nghề hoặc học THPT để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, ứng tuyển vào đại học. Sau khi học nghề 3 năm, các em vẫn có thể đăng ký vào đại học.

Ngoài ra, các chuyên gia giáo dục tin rằng bắt đầu giờ học sớm có thể gây hại về thể chất, sức khỏe và sự trưởng thành của học sinh. Vậy nên, các trường thường bắt đầu tiết một vào 9 giờ hoặc 9 giờ 45 phút sáng và kết thúc ngày học vào 2 giờ hoặc 2 giờ 45 phút chiều. Như vậy, học sinh có thời gian học dài hơn, thời gian nghỉ trưa nhiều hơn.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học sinh Phần Lan có ít bài tập về nhà, bài tập sau giờ học nhất trên thế giới. Các em thường chỉ dành 30 phút sau giờ học để làm bài tập, không cần học thêm.

2. Đức

Trong Bảng xếp hạng PISA của OECD, Đức có thành tích tương đối tốt. Báo cáo của PISA cũng chỉ ra học sinh Đức cảm thấy thoải mái khi ở trường học, hầu như không lo lắng về bài tập tại trường.

Học sinh Đức đi học lớp Một từ năm 6 tuổi. Khi hoàn thành chương trình lớp 1, trẻ tự động chuyển sang lớp 2, không kể trình độ kiến thức đạt được trong quá trình học. Từ lớp 2, học sinh Đức sẽ được chấm điểm dựa trên trình độ cá nhân. Tại trường tiểu học, học sinh Đức không phải làm bài kiểm tra, không có giấy chứng nhận tốt nghiệp. Kết quả đánh giá năng lực của các em dựa trên điểm số trong năm học.

Hoàn thành bậc tiểu học, học sinh sẽ tiếp tục học trung học gồm 2 cấp là THCS và THPT. Đặc biệt, Đức có nhiều mô hình trường THPT khác nhau để học sinh lựa chọn theo định hướng cá nhân. Các trường hướng đến nhiều mục tiêu như đào tạo nghề, chuẩn bị cho bậc đại học. Vì vậy, học sinh không đặt nặng áp lực phải chuẩn bị cho kỳ thi đại học để ứng tuyển vào các trường tốp đầu.

Hệ thống giáo dục Đức đề cao giáo dục nghề nghiệp với quan niệm “nghề nào cũng đáng trân quý như nhau”. Vì vậy, chỉ khoảng 50% học sinh chọn học đại học, số khác học nghề. Chương trình đào tạo nghề tại Đức cũng được đánh giá cao trên thế giới. Nhờ được hướng nghiệp từ rất sớm, học sinh Đức có lộ trình học tập phù hợp để đảm bảo mục tiêu, không bị áp lực phải học quá nhiều môn.

3. Đan Mạch

Học sinh Đan Mạch có chỉ số hạnh phúc thuộc hàng cao nhất thế giới. Các em luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi đến trường bởi hệ thống giáo dục quốc gia không thúc đẩy học sinh qua các bài kiểm tra mà chú trọng phát triển năng khiếu cá nhân.

Cụ thể, học sinh được khuyến khích tự học, tự trau dồi kiến thức thông qua làm bài tập nhóm, làm dự án hoặc thực hành. Trong lớp học, giáo viên chỉ là người gợi mở kiến thức, giải đáp những thắc mắc của học sinh thay vì giảng dạy đọc chép. Nhờ đó, học sinh có thể phát huy tính sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng chủ động trong công việc, những phẩm chất hữu ích cho tương lai.

Học sinh chưa xác định được hướng đi trong tương lai có thể tham gia chương trình đào tạo đặc biệt, dành cho trẻ từ 14 - 18 tuổi. Chương trình kéo dài một năm, giúp các em tìm hiểu bản thân muốn làm gì trong tương lai. Bài học thiên về khám phá, phát triển tài năng và trải nghiệm các lĩnh vực, kiến thức không có trong sách giáo khoa.

4. Nhật Bản

Giáo dục đạo đức là môn học quan trọng với học sinh Nhật Bản.
Giáo dục đạo đức là môn học quan trọng với học sinh Nhật Bản. 

Sự khác biệt giữa trường học Nhật Bản và nhiều quốc gia khác là giáo dục đạo đức. Chương trình học tại Nhật Bản lấy học sinh làm trung tâm, trong đó đề cao việc rèn luyện tâm hồn. Bên cạnh các môn thông thường như Toán học, Khoa học, Giáo dục thể chất, học sinh từ bậc tiểu học sẽ được dạy môn Đạo đức. Môn học này là riêng biệt, có sách giáo khoa hoàn chỉnh và được phân bổ nhiều tiết học trong tuần.

Ngoài ra, trường học Nhật Bản không có lao công. Việc vệ sinh trường học là trách nhiệm của học sinh. Các em sẽ chia thành các nhóm để lau sàn nhà, lau bảng, quét nhà hoặc dọn sân vườn. Đây là hoạt động nhóm giúp các em hình thành trách nhiệm với cộng đồng và học cách làm việc nhóm.

Hệ thống giáo dục tại Nhật Bản luôn được đánh giá cao bởi hướng đến xây dựng những giá trị tốt đẹp cho người học. Quốc gia này có 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học. Các bài kiểm tra đánh giá cuối năm được đánh giá là vừa sức với học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.