Những cảnh tượng khó tin như trên là hệ quả của một nền giáo dục quá nặng áp lực thi cử cùng nhiều tồn tại có
hệ thống…
Cảnh chấn động ở Bihar
Sau khi đoạn clip quay cảnh người thân leo tường ném bài tại một hội đồng thi (kỳ thi có ý nghĩa quyết định tấm vé vào đại học) ở bang Bihar, phía Đông Ấn Độ, được truyền thông đăng tải, nhà chức trách Ấn Độ đã tiến hành một chiến dịch truy bắt lớn chưa từng có. Hơn 1.000 người liên quan bị triệu tập và giam giữ, hầu hết là phụ huynh và giáo viên.
Những người bị bắt tuy nhiên không bị chính thức buộc tội hình sự. Để được tại ngoại, họ phải nộp phạt từ 2.000 rupee (32 USD) đến hàng chục nghìn rupee, tuỳ thuộc vào mức độ tham gia vào gian lận thi cử. Có khoảng 50% số người bị bắt được thả.
Trong video, nhiều nhân viên trường học và cảnh sát vũ trang chỉ khoanh tay đứng nhìn cảnh đưa “phao” hỗn loạn. Vụ việc thêm một lần khiến Bihar thêm tai tiếng về tình trạng gian lận thi cử quá ngang nhiên. Năm 2013, trong vụ bê bối gian lận thi cử lớn tại Bihar, hơn 1.600 học sinh đã bị huỷ thi sau khi những hình ảnh tương tự được tiết lộ.
Tuy nhiên, bê bối trong GD không chỉ là vấn đề với riêng Bihar mà với cả hệ thống GD Ấn Độ.
Tồn tại mang tính hệ thống
Học sinh Ấn Độ nói chung đều ám ảnh nỗi lo nếu không làm tốt bài thi, tương lai sẽ trở nên vô định. Viễn cảnh nếu không thể vào đại học và cũng không thể có công việc trả lương cao – có thể làm tan nát cõi lòng gia đình mình.
Mỗi năm có hơn 20 triệu học sinh, từ 16 - 18 tuổi, bước vào năm cuối THPT – lớp 12 – tại Ấn Độ. Tất cả đều hy vọng đủ điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để có được một suất tại 1 trong 640 trường đại học.
Nhưng không phải có đủ chỗ cho mọi người. Thậm chí cho dù mỗi trường ĐH tuyển 20.000 chỉ tiêu thì cũng vẫn không đủ tiếp nhận toàn bộ số tú tài. Giữa các trường ĐH tốp trên và tốp dưới lại có một khoảng cách vô cùng lớn.
Ví dụ tỉ lệ tuyển sinh hàng năm của 16 trường Viện Công nghệ (IIT) hàng đầu chỉ chiếm chưa tới 2% trong khoảng 500.000 người đăng kí mỗi năm.
Các IIT tổ chức kỳ thi riêng, trong khi các trường ĐH khác tuyển sinh dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. 2 năm trước, Trường ĐH Thương mại Shri Ram tại New Delhi đòi hỏi ứng viên phải đạt điểm tối đa 100% bài thi tốt nghiệp THPT – vậy mà số ứng viên đáp ứng vẫn vượt chỉ tiêu tuyển!
Sức ép to lớn đè nặng lên học sinh được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tự sát gia tăng. Hàng năm, từ đầu mùa thi tháng 3 đến khi công bố kết quả thi tháng 5 hoặc 6, các báo đăng đầy tin tức về các vụ học sinh tự sát. Mới tuần trước, một nữ sinh 17 tuổi quyên sinh trước kỳ thi Toán vì quá lo lắng. Vào buổi sáng ngày thi, cô bé khoá cửa phòng, lấy cớ học và treo cổ lên quạt trần.
Năm 2013, năm gần đây nhất có số liệu thống kê, 2.471 học sinh tự sát tăng từ 2.246 năm 2012, theo Cục Thống kê tội phạm quốc gia.
Trong gần 2 thập kỉ qua, đã có những tổ chức tư vấn cho học sinh chịu sức ép thi cử. Phụ huynh và học sinh có thể gọi tới các số điện thoại miễn cước để được tư vấn tâm thần.