Áp lực thi cử nhìn từ Hàn Quốc

GD&TĐ - Hiện nay, thông thường thời gian học tại trường của HS Hàn Quốc kéo dài từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, nhưng trong thực tế các em học tới 12 giờ/ngày. Khi gần ngày thi, nhiều HS chỉ ngủ 4 tiếng/ngày.

Áp lực thi cử nhìn từ Hàn Quốc

Chia sẻ câu chuyện này, PGS.TS Mai Văn Hưng – Chủ nhiệm bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - cho rằng, các kỳ thi ở Việt Nam, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Trước hết, ông có thể cho biết HS Hàn Quốc phải chịu áp lực thi cử như thế nào và đâu là kỳ thi căng thẳng nhất ở đất nước này?

Chịu ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo, nền giáo dục Hàn Quốc nặng về ứng - thí. Thời gian học phải kéo dài của HS được coi như là hậu quả của việc HS phải đối mặt với các kỳ thi liên tục diễn ra trong quá trình học phổ thông mà đỉnh điểm là Kỳ thi THPT quốc gia.

Có thể nói HS tham gia Kỳ thi cấp quốc gia của Hàn Quốc chịu áp lực mạnh hơn bất cứ HS thuộc quốc gia nào khác trên thế giới.

Để vào ĐH, HS Hàn Quốc phải trải qua kỳ thi như thế nào? Kỳ thi này có được cả xã hội quan tâm như Kỳ thi tuyển sinh vào ĐH trước đây và Kỳ thi THPT quốc gia hiện nay ở Việt Nam hay không, thưa ông?

Thời gian thi ĐH hàng năm ở Hàn Quốc là vào tháng 11. Để được xét tuyển vào các trường ĐH tại Hàn Quốc, HS tốt nghiệp THPT phải tham dự Kỳ thi cấp quốc gia College Scholastic Aptitude Test (CSAT) bao gồm các môn: Quốc ngữ, Toán học, Tiếng Anh, các môn khoa học (tối đa 4 môn), các môn xã hội (tối đa 4 môn) và có thể chọn thêm môn ngoại ngữ 2, hình thức thi chủ yếu là trắc nghiệm. Riêng các trường nghệ thuật sẽ phải tham gia thi môn năng khiếu phù hợp với nội dung môn nghệ thuật sẽ theo học.

Mỗi khi chuẩn bị cho kỳ thi ĐH không chỉ mình thí sinh lo thi, mà ngay cả gia đình HS cũng hết sức lo lắng cho kết quả thi của con em họ. Xã hội Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng xáo trộn từ các kỳ thi này.

So sánh áp lực kỳ thi ĐH với Kỳ thi THPT quốc gia hiện nay của Việt Nam, ông thấy thế nào?

Nếu so sánh áp lực các kỳ thi của Hàn Quốc với Việt Nam thì có thể nói ngay rằng áp lực của họ lớn hơn chúng ta rất nhiều. HS của Hàn Quốc không chỉ chịu áp lực của kỳ thi ĐH mà còn chịu áp lực của các cuộc kiểm tra định kỳ nhằm xếp loại HS, do các trường ĐH họ còn căn cứ vào bảng xếp loại HS trong lớp để xét tuyển như là một chỉ số phụ.

Kết quả là qua các năm học phổ thông HS luôn chịu áp lực cạnh tranh rất lớn về thành tích học tập. Trong khi đó của chúng ta nhẹ hơn rất nhiều trong các kỳ kiểm tra trong quá trình học tập. Mặt khác Kỳ thi THPT quốc gia của chúng ta số môn thi HS được chọn theo tổ hợp xét tuyển vào các trường hay ngành ĐH khác nhau cũng ít hơn so với các môn thi của Hàn Quốc, vì thế áp lực thi cử đã giảm đi đáng kể.

Có một điều hẳn ai cũng tò mò: Tại Hàn Quốc có xảy ra “vấn nạn” học thêm để đáp ứng các kỳ thi hay không, thưa ông?

Theo lẽ tự nhiên, nếu áp lực của kết quả thi cử cao thì đương nhiên việc ôn luyện sẽ xảy ra. Nếu gọi học thêm là “vấn nạn” đó là do quan niệm của chúng ta, còn với người Hàn Quốc, việc cho con em của họ học thêm được coi như một lẽ đương nhiên, và họ cũng chẳng mấy băn khoăn về vấn đề này.

Các bậc phụ huynh không tiếc tiền khi đầu tư cho con em mình đi học thêm tại các trường học hay các trung tâm danh tiếng, có thể họ cho rằng chỉ có học và đỗ trong các kì thi vào các trường ĐH mới là con đường giúp con em họ thành công trong trường đời tương lai.

Như vậy nếu quan niệm học thêm như là sự tạo áp lực để HS quen chịu đựng và vượt qua thì cũng có mặt tốt của chúng, khi đó học thêm không hoàn toàn là “vấn nạn”.

Xin cảm ơn ông!

“Khi HS thi đỗ vào các trường danh tiếng của Hàn Quốc như ĐH Quốc gia Seoul hay ĐH Yonsei, cả dòng họ thậm chí lên tận trường tổ chức liên hoan vinh danh cho các em. Điều này cũng tạo một áp lực vô cùng lớn cho các HS không thi đỗ. Việc này không thay đổi kể từ năm 1955 đến nay, nếu so sánh với Việt Nam thì áp lực của kỳ thi ĐH tại Hàn Quốc nặng nề hơn rất nhiều”. PGS.TS Mai Văn Hưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.