Trung Quốc: Tìm giải pháp giảm áp lực thi cử

GD&TĐ - Hàng triệu HS Trung Quốc đang bắt đầu tận hưởng kỳ nghỉ hè kéo dài 2 tháng sau một năm học vất vả. Tuy nhiên, nhiều HS lại không thể có một kỳ nghỉ đúng nghĩa, bởi lẽ, không ít phụ huynh nước này cho biết sẽ gửi con đến các lớp học hè để có thể cải thiện khả năng, nhằm theo kịp chương trình GD cạnh tranh khốc liệt và tập trung vào thi cử.

Phụ huynh chờ ngoài cổng trường trong khi các HS Trung Quốc đang tham dự kỳ thi ĐH
Phụ huynh chờ ngoài cổng trường trong khi các HS Trung Quốc đang tham dự kỳ thi ĐH

Định hình lại hệ thống giáo dục…

Trước tình trạng này, chính phủ Trung Quốc tuyên bố muốn thay đổi, nhằm mang đến cho HS một kỳ nghỉ hè không có áp lực. Hãng Tân Hoa Xã đưa tin, mới đây, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành một bộ hướng dẫn mới, kêu gọi các bậc phụ huynh nên cân nhắc cho trẻ có những hoạt động tập trung nhiều hơn về GD thể chất, văn hóa và chính trị, thay vì quá chú trọng vào học kiến thức. “Theo hệ thống GD hiện nay, HS Trung Quốc bị quá tải với việc học ở trường và không có những hoạt động thể chất. Chính tình trạng này đã dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe ở trẻ em như béo phì và cận thị”, Tân Hoa Xã cho biết.

Những hướng dẫn này như một lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với mong muốn định hình lại hệ thống GD đất nước. Tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Tập đã nhấn mạnh về sự cần thiết trong việc đào tạo một “thế hệ thanh niên có khả năng làm tròn nhiệm vụ trẻ hóa quốc gia” trong một cuộc gặp với giáo giới.

Tuy nhiên, trong khi nhiều chuyên gia bày tỏ ủng hộ ý định của dự luật này, không ít người nhận định rằng, các bài kiểm tra đã ăn sâu vào hệ thống GD Trung Quốc; đồng thời khẳng định, sự kỳ vọng của phụ huynh và những khuyến khích trước đó của các quan chức nước này sẽ bị hạ thấp. “Toàn bộ hệ thống trong chương trình khuyến khích việc học - từ GV, hiệu trưởng, đến các quan chức địa phương, cũng như người đứng đầu thành phố hoặc tỉnh - tất cả đều có mối liên kết chặt chẽ với kết quả kỳ thi”, bà Lai Man-hong, Giáo sư dự bị về chính sách GD tại ĐH Trung Văn Hương Cảng khẳng định. Ngoài ra, bà Lai cho rằng, đây là một vấn đề mang tính hệ thống.

Thay vì chỉ quan tâm tới kỳ thi đại học

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, có tới hơn 150 triệu HS đang theo học hệ thống GD bắt buộc tại khoảng 220.000 trường trên cả nước. Theo Luật GD bắt buộc, HS nước này phải học ít nhất 9 năm đầu tiên, từ bậc tiểu học cho tới hết THCS. Nhiều chuyên gia nhận định, chỉ riêng số lượng HS này cũng đủ để trở thành một quốc gia có dân sống đứng thứ 9 thế giới, nhiều hơn cả Vương quốc Anh, Australia và Canada cộng lại.

Các cựu SV và chuyên gia trong ngành GD Trung Quốc cho biết, hệ thống hiện tại tập trung rất nhiều vào các bài thi, đặc biệt là “gaokao” - kỳ thi ĐH khốc liệt nhất thế giới và “zhongkao” - kỳ thi tuyển sinh vào THCS.

Dai Rouya (23 tuổi) - nữ SV vừa tốt nghiệp một trường ĐH ở Thượng Hải, cho biết, hầu hết HS THCS không quan tâm đến những môn học không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của họ. “Cha mẹ hoặc chính phủ đã đặt ra cho HS THCS mục tiêu là kỳ thi tuyển sinh ĐH. Các HS Trung Quốc chỉ có mối quan tâm duy nhất là thi ĐH thật tốt”, cô khẳng định.

Cũng theo nữ SV này, áp lực quá lớn đè nặng lên vai HS sẽ kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực. “Hơn 1/2 số HS Trung Quốc cho rằng, việc thi đỗ vào các trường ĐH tốt hơn sẽ chứng tỏ họ là những người tốt hơn. Đó là một vấn đề”, cô nói thêm.

Kế hoạch được đề xuất mới đây của chính phủ Trung Quốc sẽ không loại bỏ “gaokao” hay “zhongkao”, nhưng sẽ khuyến khích các trường ngừng đưa các bài kiểm tra vào chương trình học cũng như đánh giá xếp loại, nhằm giảm áp lực cho HS. Ngoài ra, đề xuất cũng kêu gọi các bậc cha mẹ ngừng gây áp lực nặng nề lên trẻ chỉ vì mong các em đạt điểm cao trong bài kiểm tra. “Phụ huynh cần tránh có sự cạnh tranh một cách mù quáng và nên ngừng ép các con tham gia quá nhiều hoạt động ngoại khóa”, thông báo từ chính phủ cho biết.

Hướng đến giáo dục lao động

Andrew Field, Giáo sư Lịch sử Trung Quốc tại Đại học Duke Kun Sơn, khẳng định các hướng dẫn mới này gắn chặt với tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc khuyến khích đổi mới, tiến bộ trong các ngành công nghiệp Trung Quốc. Theo kế hoạch mới, GV phải tập trung vào việc “trau dồi khả năng nhận thức, thúc đẩy sự phát triển tư duy và khuyến khích ý thức đổi mới”.

Các chuyên gia nhận định, quyết định của Mỹ hạn chế bán các công nghệ quan trọng như chip máy tính cho các công ty Trung Quốc đã khiến Trung Quốc trở nên “tự lực” trong lĩnh vực này và cả các ngành khác. Chính điều đó đã dẫn đến sự đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển, cũng như định hình lại về cách GD trẻ em của nước này.

GS Field nhận định: “Trung Quốc đang ở thời điểm nhận ra cần phải có nhiều đổi mới hơn trong hệ thống GD, vì nước này đang chuyển từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế định hướng kỹ thuật”.

Đề xuất mới cũng tuyên bố, các cơ sở GD nước này cần chú trọng vào GD lao động và GD lòng yêu nước ở trẻ. Về GD lao động, các chuyên gia cho rằng, HS sẽ hiểu rõ giá trị hơn không chỉ thông qua những bài học từ chủ nghĩa Mác, mà còn bằng việc thực hành lao động ở đồng lúa hoặc các nhà máy.

Nhiều ý kiến nhận định, việc cải cách nền GD có thể sẽ mất nhiều năm và thậm chí là nhiều thập kỷ để hiện thực hóa. GS Field khẳng định, lĩnh vực GD không phải là điều dễ dàng thực hiện chỉ trong “ngày một ngày hai”.

Chia sẻ với truyền thông, cựu sinh viên Dai cho rằng, không có một nền GD nào toàn diện hơn hệ thống GD hiện tại của Trung Quốc. “Mặc dù có thể có nhiều hoạt động ngoại khóa, nghệ thuật và thủ công hay những điều tương tự, nhưng nếu không được phản ánh trong hệ thống bài thi, phụ huynh và HS sẽ không nỗ lực trong việc thực hiện những điều đó. Trái lại, họ vẫn sẽ tập trung vào việc học trên sách vở”, cô Dai nói thêm.
Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ