Thế chân kiềng bền vững

GD&TĐ - Một trong những phân tích chi tiết kết quả khảo sát của Chương trình đánh giá kết quả học tập của HS tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) tại Việt Nam cho thấy:

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trình độ học vấn của cha mẹ càng cao thì kết quả học tập của con cái càng tốt. Bên cạnh đó, nghề nghiệp của cha mẹ, điều kiện học tập ở gia đình cũng ảnh hưởng khá lớn đến kết quả học tập của học sinh.

Với phương thức giáo dục sớm, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, con đường học vấn của trẻ bắt đầu tại nhà. Cha mẹ là những giáo viên đầu tiên đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng tính cách của trẻ. Giáo dục cân bằng giữa nhà trường và gia đình giúp hình thành nên thói quen học tập thực tế. Thái độ tích cực của phụ huynh với trường học sẽ góp phần truyền cảm hứng tích cực cho trẻ trong học tập.

Học hòa nhập là xu hướng giúp học sinh khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ có được những kỹ năng xã hội khác ngoài việc tiếp thu kiến thức căn bản. Những em có hồ sơ khuyết tật được học tập với chương trình giảm thiểu và tinh giản kiến thức ở mức tối thiểu.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều giáo viên có học sinh học hòa nhập, để các em hình thành được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và tính toán ở mức độ thấp, ngoài sự nỗ lực của thầy cô, rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Những kỹ năng tưởng như đơn giản nhưng làm được là rất khó, đòi hỏi sự nỗ lực của cả nhà trường và gia đình. Đây cũng là cách để phụ huynh cùng tham gia với nhà trường theo đúng tinh thần của mô hình trường học mới.

Phân tích chi tiết kết quả khảo sát SEA PLM 2019 tại Việt Nam cũng cho thấy, học sinh vùng sâu, vùng xa còn khoảng cách khá xa so với các vùng khác về kết quả ở 3 lĩnh vực trên. Kết quả giáo dục gần như chỉ có sự đầu tư của Nhà nước và tâm huyết của thầy cô giáo.

Phụ huynh ít tham gia vào quá trình học tập của con. Năm nào, tỉnh Quảng Nam cũng trích vài tỉ đồng từ tiền ngân sách để “giữ chân” học sinh lớp 12 người dân tộc ở huyện miền núi ở lại trường cho đến tận ngày thi để ôn tập. Trong khi đó, với vùng đồng bằng, đặc biệt là các đô thị lớn, phụ huynh đầu tư rất nhiều để con cái có được kết quả tốt trong học tập.

Chính vì vậy, muốn xã hội hóa giáo dục, ở các vùng khó, trước hết phải bắt đầu từ xã hội hóa nhận thức. Phải làm sao để phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con, ít nhất phải hình thành cho con động cơ, hứng thú học tập. Nhà trường và giáo viên phải động viên, hướng dẫn cha mẹ học sinh quan tâm đến việc học tập của con em, ít nhất phải biết chuyện học hành, đạo đức của con em để phối hợp giáo dục; biết tình hình hoạt động và khó khăn của nhà trường để tham gia hỗ trợ.

Cách phụ huynh nói về trường lớp, giáo viên, các môn học và giá trị của giáo dục có ảnh hưởng đến thái độ của trẻ đối với trường học. Phụ huynh và nhà trường có vai trò khác nhau nhưng cùng bổ trợ cho nhau, góp phần hình thành kiến thức, phẩm chất cũng như kỹ năng của trẻ. Sự quan tâm của xã hội, những nỗ lực từ phía thầy cô giáo và nhà trường cùng với sự đầu tư của gia đình sẽ tạo được thế chân kiềng vững chắc để giáo dục phát triển theo hướng bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

GD&TĐ - Hyun Bin đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc sống hôn nhân và đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về những thay đổi mà anh trải qua kể từ khi kết hôn.