Kết quả vượt trội của học sinh tiểu học Việt Nam
Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) đánh giá học sinh lớp 5 ở các lĩnh vực Toán học, Đọc hiểu, Viết và Giáo dục Công dân toàn cầu.
Theo kết quả SEA PLM năm 2019, Việt Nam đứng đầu ở 3 năng lực Toán học, Đọc hiểu, Viết trong 6 quốc gia tham gia kì khảo sát gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Philippines.
Phân tích chi tiết kết quả khảo sát tại Việt Nam cho thấy học sinh vùng sâu, vùng xa còn khoảng cách khá xa so với học sinh các vùng khác về kết quả ở 3 lĩnh vực.
Kết quả học tập trong lĩnh vực Toán học của học sinh nữ tương đương với học sinh nam nhưng ở lĩnh vực Đọc hiểu và Viết, học sinh nữ đạt thành tích cao hơn học sinh nam.
Học sinh ở nhóm gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, trung bình cao có mức điểm trung bình và mức độ thành thạo chênh lệch lớn so với nhóm học sinh gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, trung bình thấp.
Trình độ học vấn của cha mẹ càng cao thì kết quả học tập của con cái càng tốt. Bên cạnh đó, nghề nghiệp của cha mẹ, điều kiện học tập ở gia đình cũng có ảnh hưởng khá lớn đến kết quả học tập của học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết qua quá trình tham gia SEA PLM, học sinh bày tỏ hứng thú khi được làm bài khảo sát với các câu hỏi vừa sức, không gây áp lực.
"SEA PLM là cơ hội để các quốc gia chia sẻ, học hỏi lẫn nhau; đồng thời, giúp Việt Nam có cái nhìn đúng đắn về điểm mạnh, yếu trong nền giáo dục nước nhà. Đây cũng là điều kiện để đội ngũ quản lý, giáo viên tự kiểm nghiệm, tự đánh giá chất lượng giáo dục trong nhà trường", cô Hà bày tỏ.
Phát biểu tại hội nghị, TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết, bên cạnh mục tiêu chung, Việt Nam tham gia SEA PLM có thêm những mục tiêu cụ thể gồm Hội nhập với các nước trong khu vực về giáo dục; Đo được mặt bằng giáo dục Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, tham gia SEA PLM là cơ hội được đánh giá khách quan về chất lượng giáo dục Việt Nam so với các nước trong khu vực, đồng thời được phân tích thực trạng giáo dục và các khuyến nghị thay đổi chính sách giáo dục để cải thiện chất lượng giáo dục Việt Nam ngày một tốt hơn.
“Thông qua SEA PLM, Việt Nam thể hiện trách nhiệm đối với việc xây dựng và phát triển ngôi nhà chung các nước Đông Nam Á (SEAMEO). Đánh giá của SEA PLM phục vụ cho sự nghiệp đổi mới giáo dục của Việt Nam như mới chương trình, sách giáo khoa”, TS Mỹ Hà bày tỏ.
Giải pháp nâng tầm hoạt động đánh giá
Từ phân tích kết quả SEA PLM 2019, đại diện một số Sở GD&ĐT kiến nghị chương trình đánh giá quốc gia, quốc tế cần được chuẩn hóa quy trình chuẩn bị; Xây dựng kế hoạch triển khai định kì, thường xuyên; Tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và đối tượng tham gia đánh giá, ưu tiên phụ huynh tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, các địa phương mong muốn được chuyển giao bộ công cụ khảo sát và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng kiểm tra, đánh giá cho cán bộ quản lý, giáo viên để đổi mới dạy học theo định hướng đánh giá năng lực và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao kết quả của SEA PLM 2019. Thông qua hoạt động của SEA PLM, ngành Giáo dục đã nhận thức đầy đủ vai trò tầm quan trọng của công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Thứ trưởng cho rằng để phát huy kết quả của kì đánh giá giai đoạn 2018-2021, Cục Quản lý chất lượng cần sớm bàn giao bộ công cụ khảo sát, gửi về các địa phương, từ đó làm cơ sở để các địa phương phân tích, phát triển giáo dục.
Trong giai đoạn 2021-2024, các chương trình đánh giá cần được chuẩn hoá quy trình tổ chức để các đối tượng tham gia nhận thức sâu sắc và hoàn thành tốt hoạt động, góp phần vào việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.