Thầy trò chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Từng vị trí, nhân sự ngành GD đã nỗ lực vượt khó, cùng toàn xã hội đẩy lùi đại dịch.

Các hoạt động hỗ trợ nhà giáo, người lao động của Công đoàn Giáo dục các cấp.
Các hoạt động hỗ trợ nhà giáo, người lao động của Công đoàn Giáo dục các cấp.

Linh hoạt và sẵn sàng thích nghi

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh trước đó có chiều hướng căng thẳng hơn. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động và linh hoạt thích nghi hoàn cảnh, thầy trò tại các nhà trường đã cùng nhau vượt qua khó khăn, chung tay cùng xã hội đẩy lùi dịch bệnh với những hoạt động cụ thể và hiệu quả.

“Khi đăng ký tham gia đội hình tình nguyện viên chống dịch, em nghĩ ở đây là trách nhiệm của một sinh viên khối ngành về sức khỏe. Khi cả thành phố đang gặp phải đợt bùng dịch lần này, tất cả các sinh viên y dược bao gồm ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… đều đăng ký tham gia với mong muốn góp sức trẻ và trách nhiệm của mình hỗ trợ các anh chị bác sĩ tuyến đấu, để nhanh chóng đẩy lùi cơn dịch lần này, trả lại sự sống nhộn nhịp tiếng cười của thành phố” - sinh viên Lê Huỳnh Tâm.  

Sinh viên Lê Huỳnh Tâm, khoa Y học cổ truyền, Trường ĐH Y dược TPHCM chia sẻ: Trong mùa dịch hầu như tất cả sinh viên của các trường Đại học ở lại hoặc bị kẹt ở KTX đều gặp khó khăn nói chung. Sinh viên Trường ĐH Y Dược TPHCM  nói riêng cũng bị ảnh hưởng khi thành phố áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19,

Nhà trường đã tiến hành vệ sinh, phun khử khuẩn thường xuyên trong khuôn viên KTX, lắp đặt các kệ đặt dung dịch sát khuẩn, cồn tại những điểm cần thiết để rửa tay, sát khuẩn. Đồng thời, ban hành các quy định về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như lên lịch ra khỏi phòng lấy cơm, đổ rác, vệ sinh… một cách cụ thể để tránh tập trung quá đông người cùng một thời điểm. KTX tiến hành phục vụ sinh viên ăn uống tại chỗ, thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu “ai ở đâu, ở yên đấy”.

“Do ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh kéo dài, hầu như tất cả sinh viên không chỉ sinh viên năm cuối chúng em đều ảnh hưởng. Tất cả các lịch thi đều bị dời liên tục và các môn học thực tập lâm sàng đều phải dời qua học online. Nắm được nhiều vấn đề khó khăn từ sinh viên, Nhà trường cũng như các khoa đã có hướng giải quyết tốt nhất, sắp xếp và tạo điều kiện cho các sinh viên năm cuối có thời gian học tập và bảo vệ luận án” – Lê Huỳnh Tâm cho hay.

Từ góc độ nhà quản lý, PGS. TS Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, để giúp sinh viên, giảng viên ổn định tâm lý khi bước vào năm học mới, nhà trường đã thông báo kế hoạch và lịch giảng dạy của học kỳ I, năm học 2021 – 2022, trong thời gian tới sinh viên vẫn yên tâm tham gia học online và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid- 19 tại TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước.

Nhà trường cũng đã xây dựng nhiều phương án tổ chức thi, đánh giá học kỳ. Tùy vào diễn biến của dịch bệnh, chúng tôi sẽ chọn một phương án phù hợp và thông báo sớm cho sinh viên được biết để thực hiện. Quan điểm của lãnh đạo Nhà trường là dù tổ chức đánh giá bằng cách thức nào thì cũng phải đảm bảo chất lượng, sự nghiêm túc, thực chất và tránh gian lận trong thi cử.

Trong quá trình học tập, sinh viên nếu khó khăn hoặc có vướng mắc gì cần liên hệ trực tiếp với giảng viên, cố vấn học tập hay các phòng, trung tâm chức năng của Nhà trường để được giải đáp, hỗ trợ một cách nhanh chóng và chính thống.

Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Y Dược TP.HCM tham gia lấy mẫu xét nghiệm truy vết phòng chống dịch Covid-19 tại các ổ dịch ở TP.HCM.
Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Y Dược TP.HCM tham gia lấy mẫu xét nghiệm truy vết phòng chống dịch Covid-19 tại các ổ dịch ở TP.HCM.

Đồng hành cùng thầy và trò

Là tổ chức bảo vệ quyền lợi nhân sự ngành Giáo dục, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ thầy trò khắp các địa phương vượt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho hay: Trong đại dịch Covid-19, ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề. Với các trường trực thuộc trực tiếp Công đoàn Giáo dục Việt Nam quản lý, trước mắt chúng tôi đã hỗ trợ từ quỹ Xã hội cho các cô giáo có hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn Giáo dục Việt Nam  cũng đang vận dụng nghiêm túc các hướng dẫn của Tổng Liên đoàn hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho các cô giáo và nhà trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức chương trình tư vấn, giúp đỡ giáo viên vượt qua đại dịch, trong đó có giáo viên mầm non. Thông qua hình thức livestream trực tiếp, các tư vấn viên sẽ hỗ trợ giáo viên ổn định tâm lý, tư vấn giải pháp vượt qua khó khăn về đời sống và công việc, tư vấn hỗ trợ việc làm giải quyết khó khăn trước mắt cho họ.

Về lâu dài, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục tham gia xây dựng, phản biện các chế độ chính sách liên quan đến đời sống việc làm của nhà giáo, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có giải pháp căn cơ lâu dài giúp đỡ giáo viên.

PGS. TS Trần Hoàng Hải cũng cho biết: Trường ĐH Luật TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động như vận động cán bộ giảng viên và người học tham gia nhắn tin, đóng góp cho quỹ vaccine với số tiền hàng trăm triệu đồng, lãnh đạo Nhà trường tham gia Tổ tư vấn chính sách của Thành phố để có những đóng góp trực tiếp vào công tác phòng chống dịch bệnh tại TP. Bên cạnh đó, Nhà trường chủ động triển khai chương trình “San sẻ yêu thương – Vượt qua Covid 19” để hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên, đặc biệt là sinh viên của Nhà trường tại các khu nhà trọ, khu cách ly, phong tỏa nhằm giảm áp lực cho các địa phương.

Lãnh đạo Nhà trường đã giao Đoàn, Hội sinh viên thành lập 3 đội sinh viên xung kích tham gia hỗ trợ các Quận Phú Nhuận, Quận 4 và TP. Thủ Đức với số lượng gần 100 sinh viên, các sinh viên này tham gia hỗ trợ công tác nhập liệu, hướng dẫn công tác tiêm ngừa và các hoạt động khác tại các địa phương.

Bên cạnh đó nhiều thầy, cô giáo của Nhà trường tham gia rất tích cực công tác xã hội như đứng ra vận động đóng góp các nhu yếu phẩm cho y bác sĩ, bệnh nhân tại các bệnh viện và trang thiết bị, máy thở oxy tại các bệnh viện dã chiến,…

“Quan tâm, hỗ trợ, sẻ chia là truyền thống của tổ chức công đoàn trong ngành giáo dục từ lâu. Bất kể khi có tỉnh nào, đơn vị nào gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ thì ngay lập tức sẽ nhận được những lời hỏi thăm động viên, những sự hỗ trợ về tiền và hiện vật kịp thời.

Trong điều kiện kinh phí hoạt động công đoàn gặp nhiều hạn chế, việc các đơn vị gom góp, chắt chiu để có những khoản tiền hỗ trợ đồng nghiệp trong lúc hoạn nạn không chỉ thể hiện ý thức trách nhiệm mà còn mang đến sự động viên to lớn, giúp đồng nghiệp vững vàng đương đầu với khó khăn, ổn định cuộc sống” - ông Nguyễn Ngọc Ân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ