Một trong những vấn đề Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra trong buổi gặp mặt đại diện nhà giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam là “chuyển mạnh giáo dục đại học từ lấy trang bị kiến thức làm mục tiêu chủ yếu sang dạy kỹ năng, cách học, cách tư duy”. Các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chỉ đạo của Tổng Bí thư là sát với thực tế và cấp thiết.
PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): Đổi mới đồng bộ

Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay rất sát với thực tế. Có thể nói, giáo dục ĐH Việt Nam những năm qua có những bước tiến đáng kể trong việc thay đổi từ thiết kế chương trình, tổ chức đào tạo và đánh giá…
Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa đồng bộ. Một số trường ĐH đã bứt phá nhanh trong cách tiếp cận chương trình tiên tiến, áp dụng phương pháp giáo dục theo định hướng năng lực,… Song, với số lượng lớn các trường ĐH hiện nay phân bố và phân khúc khác nhau, nên có những đơn vị vẫn loay hoay tuyển sinh và đào tạo “truyền thống”, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành và xa rời thực tế xã hội.
Có thể nói, hạn chế, tồn tại trong phương pháp dạy - học ở ĐH hiện nay chủ yếu xoay quanh mấy vấn đề lớn sau:
Một là, còn cơ sở giáo dục ĐH nặng tư duy “quán tính”; ít cập nhật, thay đổi cách tiếp cận dạy học. Qua việc tham gia các đoàn đánh giá ngoài, tôi nhận thấy có những trường/khoa, từ khâu thiết kế chương trình đến giảng dạy phần lớn vẫn tập trung lý thuyết hàn lâm; thiếu thực hành, thực tập, thực tế.
Hai là, phần nhiều phương pháp dạy học còn truyền thống. Hiện nay, giáo viên phổ thông cơ bản được đào tạo bài bản về nghiệp vụ trong khi đó giảng viên ĐH chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Xem xét năng lực giảng viên chủ yếu dựa trên kết quả nghiên cứu, trình độ, bằng cấp.
Một số “giảng viên” mời từ cơ quan, doanh nghiệp có bằng cấp nhất định nhưng chưa được trang bị kỹ năng, nghiệp vụ và thậm chí không hiểu rõ mục tiêu đào tạo ĐH… Cần khẳng định, đào tạo ở bậc ĐH phải chuyên nghiệp, mà trước hết giảng viên phải là nhà giáo chuyên nghiệp, chứ không thể bất cứ ai có tấm bằng được mời giảng là tự xưng giảng viên.
Ba là, phương pháp đánh giá người học còn hạn chế. Cùng một lĩnh vực đào tạo, trong khi có những trường tuyển sinh đầu vào thấp nhưng đầu ra điểm số cao; ngược lại trường “danh tiếng” đầu vào cao nhưng đầu ra lại thấp. Cả 2 cũng cần xem xét cách tiếp cận, nhất là cần có công cụ giám sát việc đo lường một cách khoa học.
Bốn là, một số lĩnh vực đào tạo cần cơ sở hạ tầng và trang thiết bị thực hành hiện đại nhưng nguồn lực hạn chế, chỉ dựa vào học phí thì khó đáp ứng được yêu cầu về đầu tư; trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp, huy động nguồn lực xã hội còn nhiều khó khăn…
Năm là, hợp tác giữa các trường ĐH và doanh nghiệp cũng như tổ chức trong xã hội trong đào tạo và sử dụng lao động chưa chặt chẽ. Hạn chế này xuất phát từ nhiều phía không hẳn từ cơ sở giáo dục ĐH. Do sự kết nối cung cầu chưa tốt nên các bên liên quan đều gặp khó khăn riêng.
Để thực hiện mục tiêu “chuyển mạnh sang dạy kỹ năng, cách học, cách tư duy”, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan, từ cấp lãnh đạo, đến cơ sở giáo dục ĐH, doanh nghiệp và tổ chức sử dụng lao động. Theo tôi, cần tập trung một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, các cơ sở giáo dục ĐH cần quyết liệt hơn trong cải tiến chương trình giảng dạy. Quan tâm đến tích hợp các môn học phát triển kỹ năng tư duy, kỹ năng mềm và học tập suốt đời; tăng cường dự án, bài tập nhóm và nghiên cứu thực tế trong chương trình học.
Thứ hai, tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy. Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy hiện đại để tất cả giảng viên ĐH không chỉ là nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao mà còn là nhà giáo chuyên nghiệp, thành thạo về nghiệp vụ.
Các phương pháp dạy học tích cực như học qua dự án (Project-Based Learning), học qua nghiên cứu (Inquiry-Based Learning)... cần nhuần nhuyễn và khuyến khích áp dụng. Giảng viên tập trung truyền cảm hứng để phát huy vai trò của người học, khuyến khích sinh viên tham gia kiến tạo và không ngừng sáng tạo.
Thứ ba, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Ngân sách Nhà nước cần tập trung đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm, thư viện và công cụ học tập hiện đại; nhất là phát triển môi trường học tập “số” để hỗ trợ tự học và học từ xa. Xem đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho các trường ĐH là đầu tư vì sự phát triển bền vững đất nước, bởi đó là đầu tư đi trước một bước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội…
Thứ tư, cần có chính sách đối với việc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, gắn kết trách nhiệm giữa nhà trường với doanh nghiệp và các tổ chức có sử dụng lao động trình độ cao. Tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên, giảng viên tiếp cận các mô hình sản xuất thực tế và cùng nghiên cứu, thực tập, học tập…
Thứ năm, tập trung cải tiến hệ thống đánh giá. Các cơ sở giáo dục cần sử dụng đa dạng phương pháp đánh giá đảm bảo phù hợp với khoa học giáo dục. Nhất là thay đổi cách tiếp cận, tập trung đánh giá quá trình học tập, thay vì chỉ dựa vào kết quả thi mà chủ yếu đo lường kiến thức …
Về điều kiện cần thiết để thực hiện, có thể nói trước hết vẫn là cần chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để thúc đẩy đổi mới giáo dục, bao gồm đầu tư ngân sách, hỗ trợ nghiên cứu và khuyến khích hợp tác quốc tế. Tiếp đến, cần tập trung chỉ đạo và truyền thông rộng rãi để thay đổi nhận thức cho giảng viên, sinh viên và các bên liên quan để cùng nhau thực hiện căn bản và đồng bộ. Cuối cùng, phải tăng cường ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và quản lý giáo dục, đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo thay đổi mạnh mẽ và hiệu quả.
PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô: Cần sự tham gia sâu hơn của doanh nghiệp

Giáo dục ĐH ở Việt Nam đã có bước chuyển mình quan trọng, nhất là trong đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng lấy người học làm trung tâm. Nhiều trường ĐH đã quan tâm, tập trung đào tạo kỹ năng, khuyến khích tư duy phản biện, phát triển khả năng tự học của sinh viên. Tuy nhiên, trên toàn hệ thống, sự chuyển đổi này chưa đồng bộ.
Một số chương trình đào tạo thiên về lý thuyết, chưa cân bằng giữa trang bị kiến thức nền tảng và phát triển kỹ năng thực tiễn, tư duy sáng tạo. Điều này đòi hỏi cần gia tăng gắn kết, tham gia sâu hơn của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo ở các trường.
Một số hạn chế, tồn tại trong dạy - học ở ĐH hiện nay có thể kể đến như:
Phương pháp giảng dạy truyền thống: Nhiều giảng viên vẫn sử dụng phương pháp giảng dạy thụ động, lấy giáo viên làm trung tâm thay vì khuyến khích sinh viên chủ động tham gia.
Hạn chế trong cơ sở vật chất và công nghệ: Ở một số trường, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy học hiện đại, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy.
Thiếu sự liên kết với thực tiễn: Một số chương trình đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến khoảng cách giữa kiến thức học thuật và kỹ năng ứng dụng thực tế.
Chưa đủ thời gian dành cho kỹ năng mềm: Mặc dù kỹ năng mềm được nhấn mạnh trong các chiến lược giáo dục, nhưng thời gian dành riêng cho các kỹ năng này trong chương trình học còn hạn chế.
Để chuyển mạnh giáo dục ĐH sang dạy kỹ năng, cách học, cách tư duy là chủ yếu, trước hết cần đổi mới chương trình đào tạo: Xây dựng chương trình học theo hướng tích hợp, kết hợp giữa kiến thức nền tảng, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Cần giảm tải lý thuyết, tăng cường các môn học thực hành, dự án, và tình huống thực tế.
Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên: Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy hiện đại, đặc biệt các phương pháp khuyến khích tư duy phản biện, sáng tạo và học tập dựa trên dự án (project-based learning).
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ: Tăng cường sử dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ việc học tập cá nhân hóa, giúp sinh viên tự học hiệu quả hơn.
Tăng cường hợp tác doanh nghiệp - nhà trường: Xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để định hướng đào tạo theo nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Điều này giúp sinh viên có cơ hội thực hành và trải nghiệm nghề nghiệp sớm.
Chính sách hỗ trợ: Nhà nước và các cơ quan quản lý giáo dục cần có chính sách đầu tư cụ thể về cơ sở vật chất, tăng cường tài trợ cho nghiên cứu và đổi mới giáo dục.
Thay đổi nhận thức: Cần thay đổi nhận thức của cả người học và người dạy về vai trò của giáo dục. Sinh viên cần chủ động hơn trong học tập, không chỉ dừng ở việc thu nhận kiến thức mà còn phải biết cách vận dụng và sáng tạo.
Việc thực hiện các giải pháp trên không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm từ các trường ĐH mà còn cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và toàn xã hội để đảm bảo sự chuyển đổi thành công.
ThS Đỗ Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh (Trường Đại học Mở Hà Nội): Đại học không phải là “trường phổ thông cấp 4”

Dạy học ở ĐH không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà là một hành trình khơi gợi tư duy, phát triển kỹ năng, giúp sinh viên nhìn ra ý nghĩa của việc học đối với cuộc sống, sự nghiệp tương lai. Tuy nhiên, thực tế, không phải lúc nào điều này cũng được thực hiện đúng cách.
So với THPT, ở ĐH, vai trò của người học thay đổi hoàn toàn. Sinh viên cần chủ động tìm kiếm tri thức, tự nghiên cứu và học cách áp dụng những gì đã học vào thực tiễn. Sinh viên là trung tâm của việc học. Giảng viên chỉ như người dẫn đường, còn hành trình khám phá tri thức là do sinh viên quyết định.
Thẳng thắn mà nói, không ít giảng viên ĐH vẫn đang dạy theo lối cũ. Phương pháp “đọc - chép” hoặc giảng bài một chiều vẫn phổ biến ở nhiều nơi. Đôi khi, những giờ học ở giảng đường ĐH chẳng khác nào “trường phổ thông cấp 4”.
Lý do của thực trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều phía. Một phần do thói quen học tập thụ động của sinh viên, vốn đã hình thành từ những năm tháng THPT. Mặt khác, một số giảng viên chưa được đào tạo đầy đủ về các phương pháp giảng dạy hiện đại. Thêm vào đó, áp lực giảng dạy nhiều lớp, nhiều môn khiến giảng viên không đủ thời gian để đầu tư vào việc đổi mới.
Để thay đổi thực trạng này cần sự phối hợp của cả ba phía: Giảng viên, sinh viên và nhà trường. Trước tiên, giảng viên phải thay đổi tư duy. Họ không còn là người dạy kiến thức mà là người định hướng và truyền cảm hứng học tập. Một bài giảng ĐH cần khơi dậy sự tò mò, đặt ra những câu hỏi mở và giúp sinh viên tự tìm câu trả lời.
Như ở Trường Đại học Mở Hà Nội, theo yêu cầu, giảng viên phải đưa ra các tình huống thực tế để người học giải quyết hoặc giao nhiệm vụ cho sinh viên làm dự án nhóm, viết báo cáo hay tổ chức các buổi thảo luận. Điều này không chỉ giúp sinh viên nắm vững kiến thức mà còn phát triển kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện và khả năng giao tiếp.
Giảng viên cũng cần biết cách ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Một video ngắn, bài thuyết trình trực tuyến, hay một diễn đàn thảo luận trên mạng xã hội có thể khiến sinh viên hứng thú hơn nhiều so với việc chỉ ngồi nghe giảng suốt hai tiếng đồng hồ.
Đối với sinh viên, cũng cần chủ động trong học tập hơn nữa. ĐH không phải nơi để bạn ngồi chờ ai đó nhồi nhét kiến thức. Hãy tự đặt câu hỏi, tự tìm tòi, chủ động tham gia vào các hoạt động học tập. Bạn sẽ thấy mình học được nhiều hơn, không chỉ từ thầy cô mà còn từ chính bạn bè và những trải nghiệm thực tế.
Về phía nhà trường, cần xây dựng chương trình học hiện đại, linh hoạt và tập trung vào thực tiễn. Đào tạo giảng viên về các phương pháp giảng dạy mới, tổ chức các hoạt động học tập thực tế, và khen thưởng những sáng kiến đổi mới trong giáo dục cũng là những việc cần làm.
Một yếu tố cũng rất quan trọng, đó là công tác tư vấn, chăm sóc người học, đặc biệt là khi sinh viên mới bước chân vào giảng đường đại học. Việc định hướng tư tưởng, tư duy và phương pháp học tập nghiên cứu từ những ngày đầu tiên sẽ giúp sinh viên có được động lực và kế hoạch học tập đúng đắn, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH.
Để chuyển mạnh giáo dục ĐH từ dạy kiến thức sang phát triển kỹ năng, cách học, tư duy, cần sự cam kết từ nhiều phía và nỗ lực đổi mới đồng bộ từ chương trình, phương pháp giảng dạy đến hệ thống quản lý và đánh giá. Đây là quá trình dài hơi nhưng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cạnh tranh toàn cầu, nhằm hiện thực hóa khát vọng về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. - PGS.TS Võ Văn Minh