16 năm gieo chữ ở huyện vùng cao Đăk Glei là ngần ấy thời gian tuổi xuân của thầy Trần An Ninh gửi lại trên các điểm trường. Giờ đây, thầy chẳng mong cầu tình duyên, chỉ hy vọng học trò biết con chữ để thoát khỏi đói nghèo.
Ngược núi dạy chữ
Sáng mờ sương ở huyện Đăk Glei (Kon Tum), thầy Trần An Ninh, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Mường Hoong đang dạy bài thể dục cho học trò. Những đứa trẻ với gương mặt đen nhẻm, bộ quần áo ngả màu đất cát đang thực hiện các động tác thể dục theo hiệu lệnh của thầy giáo.
Tranh thủ ít phút giải lao, thầy Ninh tâm sự về những ngày đầu mới lên nhận công tác. Thầy Ninh kể rằng, quê thầy ở mãi ngoài Quảng Trị. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng thầy được một người bạn tại Kon Tum rủ lên huyện Đăk Glei công tác. Muốn thử sức ở vùng đất mới nên thầy Ninh xách balo với vài bộ quần áo lên đường.
Để đến được nơi nhận công tác, thầy Ninh bắt xe khách từ Đà Nẵng lên Kon Tum. Sau đó, lại tiếp tục vượt hơn 120km từ trung tâm TP Kon Tum lên huyện Đăk Glei. Dù chặng đường chỉ hơn 100 cây số nhưng thầy đi từ sáng sớm đến tối mịt mới tới nơi.
Người thầy giáo trẻ được phân công đến giảng dạy tại xã biên giới Đăk Man. Những ngày đầu đến vùng đất mới, thầy Ninh gặp không ít khó khăn trong việc đi lại, giảng dạy con chữ cho học trò.
“Những ngày ở quê nhà, mình đã biết đến đồi núi và các cung đường ngoằn ngoèo. Tuy nhiên, khi vào nhận công tác tại huyện Đăk Glei mình mới thấu được nỗi khó khăn, vất vả trong việc đi lại. Khi đó, để vào các điểm trường làng giáo viên phải lội bộ hàng chục cây số. Bởi ngày mưa đường sình lầy, những con dốc cao cứ trơn tuột. Thời điểm đó, do chưa quen với công việc có lúc mình muốn từ bỏ để trở về quê. Nhưng gia đình, đồng nghiệp thường xuyên hỏi thăm, động viên. Đặc biệt, nhìn những đứa trẻ lấm lem, phải trải qua cuộc sống khốn khó nên mình quyết định gắn bó với nơi đây để dạy dỗ học trò”, thầy Ninh nhớ lại.
Thầy Ninh kể, thời gian đầu về Đăk Glei, cái lạnh khiến thầy ốm triền miên. Không những vậy, đường sá khó khăn nên thực phẩm tươi sống như thịt, cá luôn là những thứ xa xỉ.
Đặc biệt, ở cái nơi xa ngái này phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em. Vào những ngày mùa các em theo bố mẹ lên nương rẫy nên ngại đến lớp. Để duy trì sĩ số học sinh, giáo viên thường xuyên vào tận nhà hoặc lên nương rẫy để tuyên truyền, vận động các em ra lớp. Ban ngày là thời gian phụ huynh học sinh đi nương rẫy, đến tối mịt mới về nhà. Do đó, cứ chập choạng tối giáo viên trong trường lại rủ nhau vào làng. Không ít lần, giáo viên ở lại trong làng để thuyết phục phụ huynh và cũng vì con đường trơn tuột chẳng thể trở ra khi đêm xuống.
“Để động viên học trò, mình thường xuyên mua bánh kẹo để giữ chân các em ra lớp. Đồng thời, mình thành lập các hội nhóm múa lân, bóng đá, thể thao để học trò không còn “ngại” đến lớp”, thầy Ninh nói.
Đã từng có người yêu nhưng nay ngoài 40 vẫn… ế
Thầy Ninh là con thứ 2 trong một gia đình có 3 anh em. Bố qua đời, người mẹ ngoài 65 tuổi ở quê nhà nương tựa vào người thân và bà con láng giềng. Thương, nhớ mẹ già, vài ngày thầy Ninh lại gọi về hỏi thăm. Có những hôm bão lũ, sóng điện thoại chập chờn. Không gọi về nhà được, thầy Ninh lại thức trắng bởi chẳng biết ở quê có thiệt hại gì không.
Sau 8 năm công tác tại xã biên giới Đăk Man, thầy Ninh được chuyển về Trường PTDTBT THCS xã Mường Hoong. Đến nay, 41 tuổi, thầy Ninh đã có 16 năm công tác tại huyện Đăk Glei. Ngần ấy năm mỗi lần gọi điện về người mẹ già ở quê lại nhắc cậu con trai lấy vợ. Không biết trả lời mẹ thế nào, thầy Ninh lại tìm chuyện nói lảng đi.
“Sau vụ tai nạn giao thông, bị hư một bên mắt mình cảm thấy rất tự ti. Những ngày đầu, mình mặc cảm sống thu mình lại. Nhưng gia đình, đồng nghiệp thường xuyên động viên, tâm sự nên tâm trạng của mình dần ổn định hơn. Kể từ đó đến nay, mình quên luôn chuyện lập gia đình”, thầy Ninh tâm sự.
Thầy Ninh kể, vào năm 2006 trong một lần trên đường trở về trường bất ngờ thầy bị ngã xe. Vụ tai nạn đã cướp đi con mắt phải của thầy. Sau biến cố, thầy Ninh suy sụp, sống thu mình lại. Những ngày cuối tuần, khi giáo viên trong trường về thăm gia đình thầy lại tìm đến các thôn làng xa xôi để trò chuyện, tâm sự cùng phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, thầy chăm sóc vườn rau và chơi thể thao để vơi nỗi nhớ quê nhà.
“Những ngày mới lên đây công tác mình cũng từng có người yêu. Nhưng vì khoảng cách nên chẳng thể gắn bó dài lâu. Giờ đây, mình đã hết tuổi yêu đương nên chẳng mong cầu gì. Khi nào duyên tới thì mình biết vậy. Bây giờ mình chỉ tập trung vào việc dạy học. Mình mong rằng, các em sẽ chăm chỉ đến lớp, cố gắng học con chữ để không còn đói nghèo”, thầy Ninh chia sẻ.
Thầy Nguyễn Thừa Kiên, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, toàn trường có 20 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Một số giáo viên của trường là người dân tộc tại chỗ, còn lại thầy cô đều ở nhiều nơi xa đến địa phương để dạy con chữ cho học trò. Trong đó, có những giáo viên ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung đang giảng dạy tại trường.
Theo thầy Kiên, những giáo viên có nhà trên địa bàn tỉnh thì cuối tuần về thăm gia đình một lần. Còn giáo viên ở xa có khi vài tháng hoặc nửa năm mới về nhà. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có giáo viên cả năm chưa về quê lấy một lần. Như trường hợp của thầy Trần An Ninh, quê ở Quảng Trị gần năm nay chưa về thăm mẹ già.
Cũng theo thầy Kiên, vào những ngày mưa bão, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, hiểm trở. Đặc biệt, trong cơn bão số 9 năm 2020, con đường từ trung tâm huyện dẫn vào xã bị sạt lở nên nơi đây bị cô lập 3 ngày. Khi đó, giáo viên chủ yếu sử dụng thực phẩm khô và ăn rau rừng.
“Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của giáo viên nên nhà trường thường xuyên động viên, khích lệ tinh thần. Bên cạnh đó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời hỗ trợ để giáo viên yên tâm công tác”, thầy Kiên nói.