Cô giáo trẻ người đồng bào Raglai “gieo chữ” cho trẻ em vùng cao

GD&TĐ- Sinh ra và lớn lên tại thôn khó khăn của xã Ninh Tây (tỉnh Khánh Hòa), cô giáo Cao Thị Bích Tiền ý thức được rằng mình phải cố gắng học tập để thay đổi tương lai, giúp đỡ các cháu đồng bào có hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo Cao Thị Bích Tiền (ngoài cùng, bìa trái) trong một lần đi vận động phụ huynh cho con tới trường. Ảnh: NVCC
Cô giáo Cao Thị Bích Tiền (ngoài cùng, bìa trái) trong một lần đi vận động phụ huynh cho con tới trường. Ảnh: NVCC

Cố gắng học tập để thay đổi tương lai 

Cô giáo Cao Thị Bích Tiền (SN 1994) là người đồng bào Raglai, sinh ra và lớn lên lớn lên ở vùng quê nghèo, một thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Mặc dù cần mẫn quanh năm nhưng cuộc sống của gia đình cô cũng như nhiều đồng bào Raglai nơi đây vẫn túng thiếu. Vì vậy, từ nhỏ, cô nuôi quyết tâm phải học, trước là để giúp cuộc sống của mình tốt hơn, sau là truyền đạt kiến thức cho những thế hệ trẻ của đồng bào mình.

Chia sẻ về tuổi thơ và gia đình mình, cô Tiền cho biết, lúc còn nhỏ gia đình khó khăn nên từ bé cô giáo Tiền đã theo mẹ cha lên nương rẫy và tuổi thơ được lớn trên lưng mẹ. Lúc mẹ trồng tỉa bắp…thì mẹ hái lá lót dưới gốc cây rồi đặt cô ngồi ở đó một mình chờ mẹ.

“Ngồi ở đó một mình có khi bị kiến đốt sưng hết cả người. Sau này lớn lên tôi vừa đi học vừa phụ mẹ cha làm nương rẫy tuy vất vả nhưng tôi rất vui và biết ơn cuộc sống này. Vì khi trải qua những khó khăn đó bản thân tôi mới ý thức được rằng mình phải cố gắng học tập để thay đổi tương lai, thay đổi số phận”, cô Tiền chia sẻ.

Cô Tiền tâm sự, lúc bé không chỉ riêng cô Tiền mà gia đình cũng mong muốn Tiền lớn lên sau này sẽ trở thành một cô giáo của bản làng. Chính vì thế, khi tốt nghiệp lớp 12, cũng như các bạn cùng trang lứa háo hức lựa chọn Trường Cao đẳng, Đại học mà mình thích. Bản thân cô giáo Tiền chỉ nghĩ đơn giản chọn khoa Sư phạm Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang làm bến đỗ, để sau này về quê giúp ích cho buôn làng mình.

Cô giáo Tiền đang dạy học cho các em mầm non
Cô giáo Tiền đang dạy học cho các em mầm non

Mang theo ước mơ, hoài bão, khi thành công sẽ quay trở về quê để giúp ích cho dân làng, người thân, Tiền đã đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, khoa Sư phạm Mầm non.

Trong suốt quá trình học tập tại đây, Tiền luôn cố gắng và phấn đấu để đạt được thành tích cao. Tốt nghiệp ra trường, năm 2016 Tiền quay trở về quê để thực hiện niềm mơ ước của mình đã ấp ủ bấy lâu nay. Tiền đã xin về dạy tại trường Mầm non Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Tại đây, cô bắt đầu với sự nghiệp “trồng người”.

“Tôi chọn về quê để giảng dạy vì các em nhỏ ở buôn làng mình không được may mắn như các trẻ em ở nơi thành thị khó khăn, thiếu thốn rất nhiều về vật chất cũng như tinh thần. Chính vì thế tôi muốn dùng sức trẻ của mình để cống hiến, truyền những ngọn lửa và niềm tin tích cực của mình đến các em nhỏ ở vùng quê nghèo khó này mang tình yêu thương và sự chăm sóc, bảo bọc của mình dành cho các bé”, Cô Tiền bộc bạch.

Và hơn thế nữa, cô giáo Tiền muốn dùng những kiến thức, kỹ năng đã học ở trường để nuôi, dạy các cháu và tuyên truyền đến các bậc phụ huynh những kiến thức nuôi dạy con theo khoa học để nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị còi xương, suy dinh dưỡng bởi những hủ tục lạc hậu và làm thay đổi nhận thức về việc cho con em đến trường của đồng bào nơi đây.

Đi làm giấy tờ cho học sinh đi học

Trở về quê dạy học, là người Raglai nên may mắn cô Tiền không phải gặp khó khăn về cách giao tiếp với các cháu so với những giáo viên khác. Nhưng khó khăn lớn nhất mà cô giáo Tiền gặp phải đó là đi vận động động cháu đến lớp. Vì cha mẹ không cho các cháu đi học, mà phải theo cha mẹ lên nương.

“Có người thì sinh con đông quá và bản thân không biết chữ nên không làm giấy khai sinh cho con, có khi giáo viên chúng tôi phải đi làm giúp giấy tờ để cho cháu được đến trường”, cô Tiền nhớ lại.

Để gia đình cho các em học sinh đi học thì cô Tiền phải xuống từng nhà để giải thích, vận động gia đình đồng bào nơi đây.

Cô giáo Tiền (thứ 2, trái sang) trao quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn
Cô giáo Tiền (thứ 2, trái sang) trao quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn

Cô Tiền chia sẻ: “Tôi động viên và nêu quyền lợi đối với việc cho cháu đi học, cho con em đến trường gia đình sẽ không phải lo cho cháu những bữa ăn trưa, ăn xế  được cô chăm sóc, yêu thương cháu ở bên cô cả ngày thì gia đình sẽ có thời gian đi làm mà không phải vất vả lo địu cháu theo mình ngoài trời mưa nắng dễ gây bệnh. Cháu đi học sẽ được hưởng chế độ nhà nước và nhà trường tạo điều kiện cho gia đình mình phải tốn các khoản phí cho các cháu đi học mà còn được hỗ trợ chi phí học tập. Như vậy cha mẹ các cháu mới cho con mình đi học”.

Công việc nghề giáo vốn đã vất vả, dạy học ở buôn làng lại càng vất vả hơn nhiều. Đối với một cô giáo trẻ vừa mới ra trường thì đây là một điều rất khó. Thời gian đầu, khi cô Tiền bước vào nghề giáo đã gặp không ít những khó khăn trong công tác vận động các em nhỏ đến trường.

Trẻ đi học dăm ba hôm lại nghỉ học vì phải theo mẹ cha đi làm thuê, bẻ măng, bẻ bắp...phụ huynh lại không hợp tác, từ chối gặp mặt khi cô giáo đến nhà. Những lúc như thế, cô giáo trẻ cảm thấy tủi thân và đã có lúc muốn từ bỏ công việc của mình. Thế nhưng, sự yêu thương trẻ con, yêu thương buôn làng và đặc biệt là lo cho tương lai của những đứa trẻ vùng quê nghèo, cô giáo Tiền lại vượt qua những khó khăn đó mà tiếp tục làm việc.

“Giờ đây, trước khó khăn, thử thách trong công việc, trong cơ chế thị trường, đôi lúc bản thân tôi không khỏi nản lòng, mệt mỏi. Nhưng sau tất cả những điều đó, lý do gắn bó với nghề đó chính là ánh mắt, nụ cười và sự tiến bộ mỗi ngày của các thiên thần nhỏ, tôi lại tự nhủ lòng...phải mạnh mẽ vượt qua”, Cô Tiền cười nói.

Cô Tiền cho rằng, ước muốn lớn nhất của cô chính là mong cho các cháu đặc biệt là cháu đồng bào ai cũng được tạo điều kiện để đến trường để vui chơi học tập, có cháu vì nhiều điều kiện khách quan của mẹ cha mà không đủ điều kiện để được làm giấy tờ nhập học, ước những bữa ăn của các em được hỗ trợ đầy đủ chất hơn, được bổ sung thêm sữa sáng và xế để giảm tỉ lệ còi xương suy dinh dưỡng, ước các điểm trường phụ có nhà vệ sinh để phục vụ chăm sóc cho cháu được tốt hơn.

Hàng ngày, chứng kiến những ánh mắt, nụ cười và sự tiến bộ của các em nhỏ đã tiếp thêm cho cô rất nhiều động lực. Đây chính là nguồn động lực lớn lao để cô giáo Tiền và các thầy cô khác ở bản làng thêm vững tin cho chặng đường đầy gian nan phía trước.

Nhiều năm liền, cô giáo Tiền đạt được thành tích: Giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2017 - 2018, 2019 - 2020; liên tục 3 năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở; được Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) khen thưởng năm học 2019 - 2020; Thị đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên thị xã Ninh Hòa khen thưởng trong phong trào đoàn, hội...

Vào ngày 17/11/2020 vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội, cô giáo Tiền vinh dự là 1 trong 63 giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu trên toàn quốc được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.