Thầy Gương mẫu - Trò tự giác

Thầy Gương mẫu - Trò tự giác

(GD&TĐ) - Nhớ về thời đi học, giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Thị Trân Châu (Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam) có rất nhiều kỷ niệm về những người thầy tận tuỵ. Kí ức về những người thầy từ thời 9, 10 tuổi vẫn in đậm trong tâm trí của bà.

Phương pháp học ngoại ngữ thấm thía suốt cuộc đời

“Thời học tiểu học, gia đình tôi từ Huế sơ tán về Vùng tự do Liên khu 5 (tỉnh Bình Định), tôi nhớ mãi một ông thầy dạy tiếng Pháp cực kỳ nghiêm túc. Hồi đó mới học lớp 4 nhưng đã phải học tiếng Pháp. Trong giờ học của thầy, tôi và lũ bạn lúc nào cũng thấy sợ. Thầy mà bước vào lớp thì cả lớp im phăng phắc, không ai dám nói chuyện riêng trong giờ dạy của thầy...”. Sự nghiêm khắc đó ảnh hưởng khá nhiều đến việc cô bé Trân Châu chăm học và học tốt tiếng Pháp cũng như học những ngoại ngữ khác sau này. “Thầy đâu có mắng gì, đứa học sinh nào không tập trung trong giờ học thì thầy đến gần, gõ cái thước kẻ xuống mặt bàn, thầy không bao giờ đánh roi học sinh, nhưng thầy chỉ nhìn thôi tụi học sinh bọn tôi đã tự đã thấy phải học chăm hơn, không dám lười học để không thuộc bài. Thầy có một cái uy kỳ lạ”. 

Thầy Gương mẫu - Trò tự giác ảnh 1
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Thị Trân Châu (Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam)

Bà kể: “Tụi học trò tiểu học như tôi lúc ấy được thầy dạy cho tiếng Pháp bằng phương pháp thuộc lòng những đoạn văn. Nói thêm là xã hội sau này cứ bảo học kiểu đó là “học vẹt”. Nhưng thực ra theo tôi “học vẹt” mà không hiểu nội dung mình học thì nên “chống”. Chứ với phương pháp dạy học sinh “học vẹt” ngoại ngữ như vậy của thầy tôi ngày xưa lại rất hiệu quả. Càng ngày tôi càng thấy phương pháp học ngoại ngữ kiểu này rất hay. Nó tạo cho mình một phản xạ tự nhiên... Sau này tôi học các ngoại ngữ khác như tiếng Ba Lan hay tiếng Trung Quốc, tiếng Anh nữa, thì tôi đều thấy rằng những ông thầy giỏi ở nước ngoài dạy mình cũng dùng phương pháp dạy và học ngoại ngữ như thế. Khi học tiếng Ba Lan, ban đầu thầy không biết tiếng Việt tôi không biết tí gì tiếng Ba Lan, nên mới vào lớp cũng có khó chịu vì thầy cứ nói tiếng của thầy rồi bắt nói theo, chưa hiểu gì cũng phải nói theo. Theo bà, “học vẹt” từng câu trong ngoại ngữ rất tốt ở chỗ, những câu thầy đã lựa chọn chuẩn về ngữ pháp, tiêu biểu về từ vựng, tình huống khi nghe hiểu và học thuộc sẽ tạo cho người học những phản xạ tự nhiên. Người thầy dạy ngoại ngữ mà nghiêm khắc, bắt học thuộc như thế thì học sinh buộc phải nhớ và rèn phản xạ qua thuộc câu. “Từ cách dạy của thầy, tôi rút ra một điều, phải học thuộc lòng những mẫu câu và từ vựng.

Khi bé được học tiếng Pháp, lớn lên học chuyên tu tiếng Trung Quốc, tiếng Ba Lan, chuyên tu cả tiếng Anh, thì giáo sư Trân Châu đều áp dụng phương pháp học mà thầy dạy ngoại ngữ từ thời tiểu học đã rèn.

Thầy nghiêm khắc - trò tự giác

“Ngẫm ra thì cách dạy ngoại ngữ của người thầy phải phù hợp với đối tượng học sinh. Thầy phải nghiêm khắc. Nếu thầy nghiêm khắc với việc học của những đứa trẻ từ bậc tiểu học thì suốt cuộc đời đứa trẻ sẽ nghiêm túc học tập. Cho đến bây giờ cũng đã từng nhiều năm là người thầy đứng trên bục giảng thì tôi vẫn không thể quên người thầy đầu tiên dạy ngoại ngữ rất hiệu quả, rất nghiêm khắc mà cũng rất đáng kính ấy. Thầy tên là Nhơn, ở Bình Định”- giáo sư Phạm Thị Trân Châu trân trọng khi nhớ về những người thầy thời tiểu học của mình- “Thời đó, không chỉ có thầy Nhơn, những thầy cô khác cũng rất nghiêm túc, nhiệt tình với học sinh. Có thầy nghiêm đến sợ, có cô thì rất vui vẻ, tươi cười niềm nở với học sinh. Nhưng các thầy cô đều rất trách nhiệm. Khi chấm điểm là điểm số đúng như kiến thức mà học sinh có, đúng thực chất.”

“Thời tiểu học của tôi phần lớn học sinh đều thiếu thốn. Giấy cũng không thoải mái để mà viết. Giờ ra chơi học sinh bọn tôi ra sân trường lấy que vạch lên đất, hay lấy lá chuối viết lại những phép Toán cô dạy để cùng giải, cùng tranh luận... Mỗi lần cô giáo dạy Toán bắt gặp cô đã rất vui vì thấy chúng tôi chăm học. Tôi vẫn nhớ nụ cười của cô rất tươi khi nhìn đám học trò ngồi trên sân trường cùng tranh luận về việc giải những bài Toán...”.

 Giáo sư Trân Châu tự cho rằng thời bà đi học tiểu học thì đã quá xa bây giờ rồi. Đó là thời kỳ Pháp thuộc. Cũng có những điểm không thể đem ra so sánh với cách dạy và học thời nay. Nhưng có nhiều điều, nhiều bài học về người thầy có thể nói rất hữu ích và rất hay từ thời trước mà ngày nay người thầy vẫn cần suy ngẫm.

Đi học thời kháng chiến là khoảng thời gian không thể nào quên trong ký ức của giáo sư, tiến sĩ Phạm Thị Trân Châu. Có rất nhiều kỷ niệm về người thầy, về những ảnh hưởng đã theo bà suốt cuộc đời học tập, dạy học và nghiên cứu.

Thời học lớp 5, 6, 7, 8... với giáo sư Trân Châu có một tác động đặc biệt đến sự nghiệp của bà sau này: “Tôi có thể nói rằng, những gì tôi có được ngày nay chính là nhờ kết quả giáo dục được nhận từ những năm học phổ thông ấy. Bấy giờ giáo dục thời kháng chiến để lại một ấn tượng rất sâu. Thực chất, nghiêm túc thì rõ ràng rồi”.

Những lúc thi cử, các cô cậu cùng lứa với học trò Trân Châu ngày ấy ý thức sự nghiêm túc trong học tập, thi cử đến mức, trong giờ thì không dám quay sang nhìn bạn ngồi bên cạnh, dù chỉ là một cái liếc mắt. Bạn học kém hơn ngồi cạnh thì không sao, bạn học giỏi hơn ngồi cạnh thì rất sợ nhỡ đâu vô tình nhìn sang mà bài làm có gì giống bạn thì sẽ bị nghi là chép bài của bạn. Vì thế, cô học trò Trân Châu mỗi khi làm bài thi một tay cầm bút một tay che mắt để không nhìn sang bạn, dù là vô tình. “Học sinh bọn tôi thời đó rất sợ cái tiếng quay cóp bài của bạn. Đó là một sự nhục nhã nhất, xấu hổ nhất với học sinh. Có khi chỉ là bị “nghi” chép bài của bạn thôi, dù không làm như vậy cũng đã thấy xấu hổ rồi”- bà kể- “Hành động gian dối trong học tập, thi cử thời đó là hành động vô cùng xấu. Học sinh có lòng tự trọng rất cao. Từ học sinh bé tí đã biết nói dối, gian lận trong học tập, thi cử là rất xấu”. Theo giáo sư thì đức tính thật thà là do môi trường xã hội, môi trường học tập thời bấy giờ tạo cho mỗi học sinh. Trong lớp cô bé Trân Châu lúc bấy giờ có rất nhiều con em của nhiều thành phần gia đình khác nhau: Nông dân, công nhân, trí thức, gia đình buôn bán... nhưng các học sinh đều có lòng tự trọng cao. Dù là học sinh yếu hay học sinh giỏi thì cũng không gian dối trong học tập. Nếu học yếu không làm được bài thì học lại, làm lại. Học sinh thương nhau thì ngoài giờ học, bạn học yếu hỏi bạn học khá, giỏi; bạn học khá, giỏi thì giảng lại bài giúp bạn học yếu. Tự trọng và tự giác là những điểm nổi bật của những học sinh phổ thông cùng thế hệ của giáo sư Trân Châu.

Những ký ức thời thơ bé của giáo sư Trân Châu vẫn luôn sống động trong bà. Những thầy cô dạy dỗ từ tấm bé với bà như một nền tảng vững chắc để giúp bà trưởng thành như ngày hôm nay.

Sau này khi học cấp 3, học đại học, làm nghiên cứu sinh, nghiên cứu khoa học, bà lại có thêm nhiều kỷ niệm và ấn tượng về những người thầy đáng kính khác. Những người thầy tiếp nối những người thầy góp phần nâng bước thành công của cả một thế hệ của bà. Vào một dịp khác, chúng tôi sẽ chuyển đến bạn đọc những câu chuyện như thế.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Thị Trân Châu nhớ lại, dù mới bé tí, nhưng những học sinh lớp 5, lớp 6 thời đấy đã tham gia giúp thu thuế nông nghiệp, đi gói kẹo hộ... Bà nhớ là đi giúp thu thuế nông nghiệp thì mỗi học sinh phải gánh lúa cho những gia đình neo người, từ gia đình họ gánh đến chỗ kho tập trung nộp thuế. Làm như vậy để giúp việc thu thuế nhanh hơn và kịp thời cung cấp gạo cho bộ đội. Được đồng ý cho đi giúp thu thuế, học sinh cấp 1, 2 đều hào hứng. Mỗi học sinh thế hệ của bà, vừa có ý thức cá nhân trong học tập vừa có ý thức cộng đồng, ý thức phấn đấu thi đua với chúng bạn.

 Thu Ba

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ