Để có những món kỷ vật quý giá này, thầy Điệp đã phải dày công sưu tập từ những người lính đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…
Tình yêu từ những món đồ cũ
Được biết, ngay từ khi học THCS, Phạm Văn Điệp đã bắt đầu tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật thời chiến. Sau này, mỗi khi đi chơi hay đi công tác ở đâu, thầy Điệp đều cố gắng tìm kiếm, mua lại những kỷ vật của các cựu chiến binh.
Đối với thầy, được nhìn ngắm và tìm kiếm những kỷ vật thời chiến đã trở thành một thói quen không thể bỏ. Tính đến nay, thầy Điệp đã sở hữu hơn 500 món đồ vật cũ các loại và phần lớn trong đó là kỷ vật thời kháng chiến, đặc biệt phải kể đến bộ sưu tập bình bi đông và dao găm.
Để có được những kỷ vật quý giá này, thầy Điệp đã bỏ ra khá nhiều tiền của, công sức tìm kiếm trong nhiều năm. Nhiều lần, chỉ có sự chân thành đến cháy bỏng của thầy mới giúp có được những món đồ quý giá.
Một cái bi đông đựng nước của người lính Trường Sơn, một chiếc cạp lồng đựng cơm của nữ thanh niên xung phong hay một chiếc la bàn... đều được thầy Điệp sưu tầm, mang về nhà với tất cả sự trân trọng và biết ơn.
Trên mỗi món đồ sưu tập được, thầy đều ghi rõ thời gian, địa điểm mà anh tìm được nó, tên của người đã sử dụng, tên người trao kỷ vật và cả những câu chuyện bên lề mà thầy cóp nhặt được. Suốt những năm tháng rong ruổi sưu tầm, thầy Điệp nhận ra một điều: “Vật cũng có duyên với người”.
Một phần bộ sưu tập những kỷ vật kháng chiến của thầy giáo trẻ Phạm Văn Điệp. |
Niềm đam mê bất tận
Thời gian đầu, khi thấy thầy Điệp đi tìm, mua về những món đồ kỷ vật kháng chiến, đã có không ít người cho rằng anh gàn dở, suốt ngày kiếm tìm những thứ không có giá trị, mang về chỉ tội chật nhà. Anh không trách họ vì có phải ai cũng hiểu hết về giá trị của những món đồ này.
Đưa tay chỉ chiếc quạt con cóc, thầy Điệp kể: Chiếc quạt này là của chú cựu chiến binh xã bên. Đây là kỷ niệm còn lại của người vợ quá cố của chú ấy (vợ qua đời khi chú còn chiến đấu ở ngoài mặt trận). Do vậy, tôi phải đi lại tới 5 lần, thuyết phục mãi chú ấy mới tặng tôi chiếc quạt và nhắn nhủ thay chú giữ gìn và bảo quản nó.
Hay như để có thể sở hữu được chiếc thẻ bài quân đội của một lính Pháp, thầy Điệp đã cất công vào tận Nha Trang để tìm mua.
Gần đây nhất, khi nghe một người bà con kể lại câu chuyện về chiếc mũ cối của người lính trong trận chiến bắn rơi máy bay B-52 đầu tiên của địch bằng máy bay tiêm kích MIG-21 của Việt Nam, thầy Điệp đã có chuyến đi dài ngày vào tận Quảng Bình để mua lại chiếc mũ đó. Đơn giản, thầy luôn quan niệm rằng: “Chỉ cần có niềm tin và lòng đam mê thì không có gì là không thể”.
Trong căn nhà nhỏ của thầy Điệp, bốn bức tường đều treo kín các kỷ vật, trong đó có cả hiện vật cứng và hiện vật mềm. Những hiện vật mềm được chăm sóc kỹ hơn, phải phơi thường xuyên đề phòng bị ẩm mốc, mối mọt phá hoại.
Còn hiện vật cứng thầy không chỉ lau chùi mà còn thường tra dầu mỡ, kiểm tra để cho hoạt động tốt. “Mỗi kỷ vật trong nhà tôi đều gắn liền với cuộc đời của những chiến sĩ, dù đó là một vị tướng hay một người lính bình thường nhưng họ đều hy sinh xương máu để giành tự do, độc lập cho đất nước, đó mới là điều đáng trân trọng”- Thầy Điệp tâm sự.
Dự định trong thời gian tới, thầy Điệp sẽ mở bảo tàng tư nhân hoặc một quán cà phê lính. Bởi thầy muốn giới thiệu bộ sưu tầm kỷ vật của mình tới đông đảo mọi người, những con người có chung niềm đam mê, sở thích như mình.
Quan trọng hơn nữa là thầy muốn nhân thêm tình yêu kỷ vật thời chiến tới tất cả mọi người như thay một lời cảm ơn tới thế hệ cha ông đã hy sinh, chiến đấu để có được cuộc sống ngày hôm nay.
Là giáo viên thể chất, thầy Điệp luôn mong muốn học trò của mình có một sức khỏe tốt, hướng dẫn các em cách ứng xử, giao tiếp trong cuộc sống và trên hết phải biết quý trọng những giá trị truyền thống.