Tâm huyết với GD vùng cao
Đỗ Văn Minh (34 tuổi – giáo viên Ngữ văn) sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò nghèo đã ước mơ trở thành giáo viên dạy Ngữ văn. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) chàng trai trẻ ở lại quê nhà giảng dạy. Sau đó, đi học thạc sĩ rồi vào mảnh đất Gia Lai tiếp tục sự nghiệp trồng người.
Năm 2014, khi thấy mảnh đất Chư Mố (huyện Ia Pa, Gia Lai) còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa chú trọng vào việc học, thầy Minh tình nguyện xin về Trường THPT Phan Chu Trinh (xã Chư Mố) giảng dạy. Ở vùng đất mới, không hiểu tiếng địa phương, thầy gặp vô vàn khó khăn trong việc giao tiếp với người dân nơi đây cũng như truyền dạy kiến thức cho học sinh. Bất đồng ngôn ngữ khiến thầy - trò, thầy và phụ huynh có khoảng cách nhất định, chất lượng bài học vì thế chưa như mong muốn. Không chấp nhận rào cản trên, thầy Minh trăn trở tìm cách khắc phục.
"Thương học trò vùng khó, mình thường xuyên xuống các buôn làng để gặp gỡ mọi người. Dần dà thầy với trò và người dân nơi đây như người một nhà. Mình cũng tìm tòi, nghiên cứu và thay đổi cách dạy để phù hợp với học sinh, khơi gợi niềm say mê để các em tự học", thầy Minh chia sẻ.
Đất cằn... nở hoa
Tại cuộc thi khoa học - kĩ thuật cấp tỉnh năm 2015, thầy Minh định hướng cho học sinh nghiên cứu văn hóa của các dân tộc với đề tài "Lai căng văn hóa trong đối tượng học sinh THPT huyện Ia Pa". Tuy ở vùng sâu vùng xa, các em gặp khó khăn trong giao tiếp, diễn đạt khi trình bày ý tưởng nhưng vẫn xuất sắc đoạt giải Ba.
Không chỉ dạy học trò con chữ, thầy còn gần gũi động viên, hỗ trợ các em trong cuộc sống. Mỗi khi trò gặp khó khăn, thầy nhanh chóng tiếp cận, tìm hiểu và đưa ra hướng giải quyết để các em yên tâm học tập.
Sau 3 năm gắn bó với Trường THPT Phan Chu Trinh, thầy Minh chuyển về Trường THPT Nguyễn Thái Học (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai). Ở vùng đất mới, thầy Minh vẫn trau dồi, nghiên cứu xã hội học về tâm lý học sinh và những vấn đề trong giáo dục với mong muốn học sinh ở vùng khó có thành tích cao trong học tập như các bạn ở thành thị, từng bước làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học.
Qua 1 năm gắn bó, thầy tiếp tục hướng dẫn học trò của mình thực hiện đề tài "Nghiên cứu tâm lý, thái độ, ý thức và kĩ năng quản lý, sử dụng tiền trong học sinh THPT Gia Lai" và "Quan niệm sống trong lứa tuổi học sinh THPT huyện Chư Pưh (Gia Lai) từ góc nhìn tâm lý, biểu hiện và hành vi xã hội" tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học - kĩ thuật cấp tỉnh.
Đề tài "Quan niệm sống trong lứa tuổi học sinh THPT huyện Chư Pưh (Gia Lai) từ góc nhìn tâm lý, biểu hiện và hành vi xã hội" xuất sắc vượt qua các "đối thủ" giành giải 3 cấp tỉnh. Không chỉ vậy, thầy Minh còn nghiên cứu nhiều đề tài trong nhà trường và giáo dục vùng cao và đạt được giải A. Bên cạnh dạy học, thầy Minh luôn tiên phong trong các hoạt động tình nguyện, giúp học sinh vững bước đến trường.
Thầy Ngô Xuân Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học cho biết: Mặc dù mới chuyển về trường nhưng thầy Minh có chuyên môn cao, luôn năng nổ trong hoạt động đoàn. Cũng theo thầy Tiến, mỗi dịp hè, thầy Minh cùng một số giáo viên trong trường tham gia hoạt động tình nguyện, thường xuyên giúp đỡ người dân ở những nơi khó khăn.
UBND tỉnh Gia Lai vừa trao Bằng khen cho thầy Đỗ Văn Minh - Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Thái Học do “Đã có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai”. Bên cạnh đó, thầy Minh được bầu chọn là một trong 10 “Công dân trẻ tiêu biểu năm 2019”.