Sau 58 năm, hạt giống “Nghìn việc tốt” mà thầy Nguyễn Đức Thìn gieo trồng, nuôi dưỡng đã nở hoa, kết trái khắp mọi miền đất nước và lan tỏa sang cả Đông Âu. 58 năm biểu tượng niềm tin của giáo dục đã trở thành nếp văn hóa cùng lối sống đẹp của hàng triệu học sinh Việt Nam.
Chuyện 58 năm trước
Là một cao niên, thân mang nhiều thứ bệnh nhưng thầy giáo Nguyễn Đức Thìn vẫn được mệnh danh là “người bận nhất Bắc Ninh”. Sự bận bịu của thầy đều có nguyên cớ cả. Lúc thì đi thực tế ở các trường học, khi lại đi họp ở địa phương, rảnh lắm thì lại ra đền Đô hướng dẫn cho du khách quốc tế biết lịch sử thời nhà Lý.
Ngôi nhà nhỏ ở Đình Bảng (Từ Sơn) của thầy không bao giờ vắng khách. Khi thì một thầy hiệu trưởng trong Nam ra tham vấn ý kiến, lúc khác lại một đoàn giáo viên mạn Hà – Nam – Ninh lên thăm. Thậm chí, cả những nhà khoa học tên tuổi trong và ngoài nước cũng thường xuyên ghé qua xin tư liệu.
Lịch làm việc và tiếp khách của một người thầy bước sang tuổi 81 cứ triền miên và không có thời gian rảnh. Điều ấy làm cho gia đình phiền lắm, nhưng thầy Thìn bảo mọi người đã quen rồi. Chỉ khi ốm nặng thì mới phải nghỉ ngơi.
Nhìn trên bức tường treo kín những bức ảnh cũ của thời phát động phong trào “Nghìn việc tốt”, thầy Thìn nhớ lại thời điểm những năm 1961 khi được điều động về Trường cấp II Liên Sơn dạy học (nay là Trường THCS Tam Sơn). Vì hiếm giáo viên nên người thầy trẻ lúc bấy giờ được kiêm luôn chức Tổng phụ trách Đội.
Tam Sơn trong lịch sử khoa bảng vốn là đất Tam khôi. Một làng từng có 2 trạng nguyên là Nguyễn Quán Quang và Ngô Miễn Thiệu, còn là quê hương nhà cách mạng Ngô Gia Tự. “Lúc được giao về Tam Sơn là khi đất nước đang trong chiến tranh lửa đạn cho nên mình nghĩ, làm phụ trách đội thì cũng phải hướng đội viên đến điều gì đó có ích. Thế là mình hướng các em thi đua thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự”, thầy Thìn chia sẻ.
Không ngờ khi thi đua phong trào này, các em học sinh đã hưởng ứng bằng tất cả niềm yêu thích. Từ phong trào này, những hoạt động hướng các đội viên đến những công việc thường nhật nhưng thiết thực như: Vệ sinh trường lớp, đường làng ngõ xóm và giúp những người nghèo khó được coi như nền tảng cho một cuộc vận động mới.
Dựa trên những thực nghiệm của “phong trào Ngô Gia Tự”, năm 1963 phong trào “Nghìn việc tốt” chính thức được phát động. Từ ngôi trường cấp II Liên Sơn, nghìn việc tốt được lan rộng khắp huyện rồi khắp tỉnh. Các tỉnh khác thấy Bắc Ninh có phong trào ý nghĩa thì đến học hỏi. Dần dần “nghìn việc tốt” không chỉ nằm trong phạm vi một tỉnh mà có ở khắp các trường học trong nước.
“Với các em học sinh, chúng ta hướng đến những việc nhỏ như: Lớp học nghìn việc tốt, xóm thôn nghìn việc tốt và đặc biệt là hiểu thấu rằng việc tốt là tất cả những việc có ích trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, trong tâm trí của các em học sinh được hình thành những nhân cách đứng đắn để làm người tử tế”, thầy Thìn chia sẻ.
Ngôi trường khởi đầu của phong trào này, nhiều học sinh đã trưởng thành từ những việc làm nhỏ bé ấy. Sau này, các học sinh như Nguyễn Văn Lan, Ngô Văn Mai và 90 học sinh khác đã gác lại giấy bút khi được gọi đi học nước ngoài. Tất cả họ đã tình nguyện lên đường ra chiến trường và ngã xuống vì đất nước.
Đem việc tốt đến Đông Âu
Những năm 1970, phong trào “Nghìn việc tốt” không chỉ được nhân rộng trên tất cả các trường học trong nước mà còn được nhiều quốc gia khác sang học hỏi kinh nghiệm. Nhiều nước Đông Âu dẫn đoàn học sinh sang Việt Nam tìm hiểu. Từ phong trào này, trường học trên khắp Đông Âu đã tích cực làm theo và đem lại những kết quả tốt đẹp.
Nhiều lần thầy Nguyễn Đức Thìn đã dẫn đoàn học sinh Việt Nam sang các nước Đông Âu để thuyết trình về “Nghìn việc tốt” trong học đường. Ngay từ thời kỳ đó, việc tốt của học sinh nhỏ tuổi đã được gắn liền với việc trồng cây, gây rừng. “Bảo vệ rừng, làm cho đất nước quê hương xanh tốt cũng là một việc tốt. Tư tưởng này cũng được các học sinh nước ngoài nhiệt tình tham gia”, thầy Thìn cho biết.
Năm 1971, Trường Tam Sơn (Bắc Ninh) đã kết nghĩa với các đội viên Trường Talơman của CHDC Đức. Từ đó đến nay, hai trường của hai quốc gia vẫn giữ liên lạc với nhau. “Nghìn việc tốt” như một vườn hoa tỏa hương ở khắp nơi.
Thầy Nguyễn Đức Thìn cho rằng: “Trong quá trình hình thành nhân cách của một em học sinh nhỏ tuổi, những uốn nắn giản đơn là rất quan trọng. Vì vậy, tiêu chí của “Nghìn việc tốt” cũng chỉ nằm trong 4 câu thơ: Làm nghìn việc tốt/ Cùng trừ việc xấu/ Cộng nhân yêu thương/ Chia niềm thông cảm.
Anh hùng thì phải chiến đấu
Được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý do những đóng góp, cống hiến cho ngành Giáo dục, tuy nhiên ít ai biết từng có thời gian thầy Thìn phải chiến đấu với căn bệnh phong cùi quái ác. “Năm 1978, toàn bộ thần kinh ngoại biên của tôi bị liệt, chân tay mất hết cảm giác và toàn thân gần như không thể hoạt động được. Sống mà như đã chết nên tôi suýt đánh mất mình khi biết mắc bệnh phong cùi”, thầy Thìn nhớ lại.
Thời điểm đó, bệnh phong cùi (tức hủi) là một nỗi kinh hoàng đối với toàn xã hội. Những người chẳng may mắc phải căn bệnh này sẽ vĩnh viễn bị xã hội cách ly. Nhưng không ngờ, căn bệnh ấy lại đến với người thầy nổi tiếng đất Kinh Bắc.
Vào Khu điều trị phong - da liễu Trung ương ở Quỳnh Lập (Nghệ An) được ít ngày, bằng cảm quan của một nhà giáo, ông nhận thấy nơi này dường như đang bị tách biệt cộng đồng, nhất là chuyện học hành của 150 con em bệnh nhân. Một ý tưởng mới chợt đến, thầy Thìn quyết tâm vận động mở trường bên bờ biển.
Ngày 5/9/1979, cùng với học sinh cả nước đến trường khai giảng năm học mới, trẻ em Khu điều trị bệnh phong - da liễu Quỳnh Lập cũng nô nức rủ nhau tới trường mới mang tên Lê Văn Tám. Vừa dạy học, vừa chiến đấu với bệnh tật khiến cơ thể thầy Thìn trở nên tàn tạ. Nhiều lúc nghĩ không qua khỏi nhưng rồi lại tự an ủi “là anh hùng thì phải chiến đấu. Chiến đấu cũng là một việc tốt”.
“Không biết bao nhiêu đêm ngày tôi đã mất ăn mất ngủ. Nhưng tôi nghĩ, dù sao thì nó cũng chỉ là một căn bệnh. Có bệnh thì phải chữa đó là đương nhiên. Chiến đấu với bản thân mình mới là khó nhất. Trong khi đó, mình là người dạy cho các em những điều hay ý đẹp, thì tại sao mình không áp dụng được với mình”, thầy Thìn cho biết.
Suốt 4 năm chiến đấu với bệnh tật tại làng phong Quỳnh Lập (Nghệ An), đến khi ra viện thì các ngón tay của thầy Thìn bị co rút lại. Việc cầm bút và phấn đối với người thầy lúc này là việc cực chẳng đã. Nhưng với ý chí sắt đá, thầy Thìn đã gắng gượng đứng trên bục giảng làm tròn trách nhiệm của một người thầy.
Khi nghỉ hưu, tác giả của “Nghìn việc tốt” vẫn không chịu ngồi yên. Dù thân thể bệnh tật, đau ốm liên miên nhưng thầy Thìn vẫn đi đến các trường. Phần là để khuyến khích các em làm những việc tốt, phần nữa để góp sức mình vào công cuộc giáo dục tri thức cho thế hệ trẻ.
Không chỉ có vậy, thầy Thìn còn tham gia vào Ban Quản lý di tích đền Đô – nơi an nghỉ của 8 vị vua nhà Lý. Mỗi đoàn khách, và từng đoàn học sinh từ khắp các nơi đến lại được nghe thầy Thìn thuyết minh chuyện lịch sử đầy thú vị.
Mặc cho 10 ngón tay co rút, ban đêm thầy Thìn vẫn tự đánh máy viết sách. Đến nay, thầy đã xuất bản 15 đầu sách, trong đó có 8 tập thơ. Đặc biệt, cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời” dày gần 500 trang là tư liệu quý liên quan đến chuyện giáo dục của một con người cả đời gắn bó với giáo dục.
“Nếu chúng ta không hướng các em đến với cái tốt thì chắc chắn các em sẽ tự tìm đến cái xấu. Các nước trên thế giới, người ta cũng có những phong trào, những môn học hướng đến cái tốt, cái tử tế. Tạo cho các em một nếp nghĩ, cách làm tốt cũng là tạo ra một nhân cách tốt để xã hội tốt hơn”. NGND – AHLĐ Nguyễn Đức Thìn