Thầy giáo mang tình yêu Sử đến học trò vùng sâu

GD&TĐ - Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Bình Trọng đã có niềm đam mê mãnh liệt với môn Lịch sử và ước mơ trở thành giáo viên dạy Sử.

Một tiết học của thầy Trần Bình Trọng.
Một tiết học của thầy Trần Bình Trọng.

Giờ đây, thầy giáo trẻ này đang lan tỏa tình yêu Lịch sử với những học trò tại ngôi trường vùng sâu.

Đổi mới, sáng tạo trong từng bài giảng

Thầy Trần Bình Trọng, 32 tuổi người Khmer, quê ở xã Thới Bình (Thới Bình, Cà Mau). Năm 2016, sau khi tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Lịch sử, Trọng được phân công về công tác tại Trường THPT Định Thành tại xã Định Thành (Đông Hải, Bạc Liêu). Đây là ngôi trường vùng sâu, xa, điều kiện cơ sở vật chất, đời sống một bộ phận học sinh còn nhiều khó khăn.

“Tôi luôn quan niệm rằng, mọi vùng, miền trên đất nước, dù ở đâu cũng đều thuộc Tổ quốc Việt Nam. Những vùng đặc biệt khó khăn đang thiếu giáo viên thì tôi càng phải đến đây công tác, hỗ trợ học sinh, bởi tôi có sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Mặt khác, công tác ở những vùng sâu, vùng xa, tôi càng được cống hiến nhiều hơn, phát huy năng lực bản thân và cũng để rèn luyện tinh thần, ý chí, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức”, thầy giáo trẻ chia sẻ.

Được phân công dạy môn Lịch sử khối THPT, những năm qua, thầy Trọng luôn xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của mình là phải thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, hình thức kiểm tra đánh giá nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử tại trường. Theo thầy Trọng, bản thân người dạy Lịch sử trước tiên phải yêu thích, có niềm đam mê cùng tự hào dân tộc, mong muốn truyền cảm hứng, tinh thần yêu nước đến với học sinh.

“Nhiều em có suy nghĩ Lịch sử là môn khô khan, khó học, khó nhớ, bởi có quá nhiều sự kiện... Vì thế, để học sinh học tốt môn này, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tôi cũng xây dựng các tình huống, câu chuyện, tái hiện hoàn cảnh sự kiện, nhân vật lịch sử để thu hút học sinh.

Đặc biệt, tôi có sáng kiến sử dụng tranh biếm họa theo hướng phát triển năng lực học sinh và luôn xem học sinh là trung tâm, phát huy tối đa tinh thần tự học ở các em, còn bản thân chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn”, thầy Trọng chia sẻ bí quyết dạy môn Lịch sử.

Nguyễn Thị Ngọc Nhi - học sinh lớp 11TN1 Trường THPT Định Thành cho biết, em rất thích học môn Lịch sử giờ thầy Trọng, bởi cách thầy truyền đạt kiến thức dễ hiểu, dễ nhớ. “Em cảm nhận được ở thầy nguồn năng lượng tích cực của một người có niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn Lịch sử.

Nguồn năng lượng mà thầy truyền đạt ở mỗi bài giảng đã giúp em ngày càng yêu thích môn này hơn. Thầy Trọng thường hướng dẫn học theo sơ đồ tư duy, cách nắm vững những điểm cốt lỗi trong từng sự kiện lịch sử, từ đó giúp em dễ nhớ bài hơn”, Ngọc Nhi nói.

Học cùng lớp với Ngọc Nhi, Nguyễn Kiều Chân chia sẻ thêm, lúc đầu em thấy môn Lịch sử khá khô khan, tốn nhiều thời gian học bài nhưng sau khi học thầy Trọng, em dần yêu thích môn này hơn. Cách thầy xây dựng bài giảng trên lớp khá ấn tượng, mỗi nội dung thầy sẽ có cách truyền đạt khác nhau. Các tiết học của thầy luôn sinh động, tạo sự thoải mái đối với học sinh.

thay-giao-mang-tinh-yeu-su-den-hoc-tro-vung-sau-3.jpg
Thầy Trọng đứng trên bục giảng say sưa giảng bài.

Đóng góp chung vào thành tích nhà trường

Từ năm học 2020 - 2021 thầy giáo trẻ Trần Bình Trọng bắt đầu tham gia công tác ôn thi tốt nghiệp THPT. Do không ngừng tìm tòi phương pháp giảng dạy, ôn luyện phù hợp, hiệu quả đối với học sinh, nên chất lượng thi tốt nghiệp môn Lịch sử hàng năm ở Trường THPT Định Thành đều vượt mặt bằng chung của tỉnh.

Từ 2019 - 2024, thầy Trọng đã bồi dưỡng cho học sinh đạt hơn 20 giải học sinh cấp tỉnh, gồm: 1 giải Nhất; 4 giải Nhì; 4 giải Ba; 12 giải Khuyến khích. Ngoài ra, thầy cũng chăm lo, bồi dưỡng cho nhiều em thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, trong đó có 1 học sinh đạt giải Ba vào năm 2024.

“Tôi xác định rõ dạy học có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định năng lực của bản thân, cũng như thương hiệu của nhà trường. Bản thân là một giáo viên vùng sâu, tôi không ngừng trau dồi kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chọn nguồn học sinh giỏi và nghiên cứu những phương pháp ôn luyện để nâng cao chất lượng công tác này.

Trong quá trình bồi dưỡng, tôi không đặt nặng thành tích với học sinh, mà thường xuyên động viên tinh thần để các em làm tốt nhất có thể. Nhờ đó, kết quả ôn thi học sinh giỏi đã qua của trường, môn Lịch sử đã đạt những thành tựu nhất định”, thầy Trọng chia sẻ.

Mặc dù công tác tại Trường THPT Định Thành chưa được 10 năm nhưng thầy Trần Bình Trọng đã 2 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Thầy cũng nỗ lực học hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. Từ năm học 2019 - 2020 đến năm học 2023 - 2024, thầy Trọng đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó năm học 2021 - 2022 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Ngoài ra, thầy Trọng cũng từng vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2022 - 2023. Hiện, thầy Trọng là 1 trong 2 giáo viên được Sở GD&ĐT Bạc Liêu đề nghị Bộ GD&ĐT xét tặng danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu” năm 2024.

Ngoài công tác chuyên môn, thầy Trọng cũng nhiệt tình, năng nổ và đạt nhiều thành tích trong công tác đoàn, đội. Trên cương vị Phó Bí thư Đoàn trường, thầy Trọng đã tổ chức nhiều phong trào, hoạt động, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, phát huy tinh thần học đi đôi với hành. Đặc biệt, thầy thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập.

Mặc dù nằm ở địa bàn vùng sâu, xa, cơ sở vật chất còn hạn chế, thế nhưng Trường THPT Định Thành đã đạt nhiều thành tích trong dạy và học. Tính đến năm học 2023 - 2024, trường có 4 năm liên tiếp xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 8 năm liên tiếp có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 100%. Có được kết quả đó, phần lớn là nhờ có sự đóng góp của đội ngũ giáo viên nhiệt huyết, tận tâm với nghề. Trong đó phải kể đến thầy Trần Bình Trọng. - Thầy Nguyễn Quí Tiên (Hiệu trưởng Trường THPT Định Thành)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ