Thầy giáo mang Tin học và Công nghệ đến với học sinh dân tộc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đưa Tin học thành môn học bắt buộc được kỳ vọng góp phần xóa khoảng cách về tiếp cận và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Thầy Bùi Minh Đức trong giờ dạy Tin học
Thầy Bùi Minh Đức trong giờ dạy Tin học

Giúp học sinh say mê với môn học

Trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Báo Giáo dục và Thời đại, thầy Bùi Minh Đức - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phú Lương (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) chia sẻ: Là một trong những vùng đặc biệt khó khăn của huyện, cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Cũng vì vậy mà điều kiện học tập của học sinh chưa được đầy đủ.

Theo lộ trình của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 thì môn Tin học là một môn học bắt buộc từ lớp 3. Dù điều kiện tuy còn khó khăn, song nhà trường cũng được các ban ngành, đơn vị tổ chức hỗ trợ và tài trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, đặc biệt là trang bị phòng học Tin học.

Hiện nay trường TH&THCS Phú Lương có 3 chi điểm trường. Mỗi chi đều có phòng tin học và mỗi phòng từ 12 -16 máy tính, máy chiếu, tivi màn hình lớn bước đầu đảm bảo về điều kiện giảng dạy và học tập.

Ngoài số ít học sinh là con em của công chức viên chức có điều kiện tiếp cận máy tính thì đa số học sinh trên địa bàn huyện vẫn chưa có điều kiện tiếp cận và sử dụng máy tính ở nhà. Chủ yếu các em mới chỉ được học ở trường nên nhiều em còn yếu và còn chậm về kỹ năng sử dụng máy tính như: thao tác với chuột, gõ phím, kỹ năng tìm kiếm thông tin trên internet...

Từ những khó khăn đó, thầy đã đề xuất nhiều sáng kiến giúp học sinh ham học hơn như tổ chức buổi ngoại khóa theo từng lớp, từng nhóm để các em có thêm thời gian học và tiếp xúc với máy tính. Ngoài ra, thầy còn sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch để tạo ra phần mềm luyện tập chuột và luyện gõ bàn phím để các em vừa được học vừa được chơi trong các tiết lồng ghép.

Qua các buổi tập huấn về “Tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát triển - YouthSpark Digital Inclusion”, thầy Đức đã thực sự cuốn hút và luôn học hỏi trao dồi kiến thức. Đặc biệt là sử dụng các ứng dụng web vào giảng dạy nhằm tạo hứng thú cho học sinh như: Kahoot, Quizizz, Whelofnames…

Những ngày đầu mạnh dạn sử dụng ứng dụng Kahoot vào bài giảng để tăng tính tương tác và hứng thú của học sinh, thầy giáo đã thu được kết quả rất bất ngờ khi 100% học sinh tham gia và cho kết quả tốt. Từ những tiết học tương tác đó, thầy còn thu nhận được kết quả phần nào là phần học sinh nắm chắc, phần nào là phần học sinh còn trả lời sai nhiều để tôi củng cố lại kiến thức phần đó.

Nhờ thế mạnh của công nghệ thông tin, thầy Đức có thể trao đổi, chia sẻ, học tập kiến thức từ nhiều giáo viên trên cả nước qua những diễn đàn, hội nhóm trên Facebook, Zalo. Hiện nay có khá nhiều kênh để giáo viên học tập và trao dồi thêm kiến thức nên việc nghiên cứu và học tập kiến thức mới phục vụ cho công tác giảng dạy luôn được thầy Đức quan tâm.

Thầy Đức và học sinh Trường TH&THCS Phú Lương trong giờ học STEM

Thầy Đức và học sinh Trường TH&THCS Phú Lương trong giờ học STEM

Sáng tạo những cách dạy độc đáo

Thầy Đức cho biết, đặc thù của chương trình lớp 8 hiện tại thì là học lập trình Pascal, hơi khô khan và nhàm chán với đa số học sinh, chỉ có số ít là tiếp thu và thực hiện giải được các bài toán.

Nhưng với lập trình kéo thả Makecode, Scratch thì hầu hết các em đều rất hứng thú, vì các em không cần nhớ chi tiết các lệnh như khi gõ, các em kéo thả các khối lệnh để có thể điều khiển được một nhân vật hay một sự kiện điều khiển thiết bị nào đó thì các em rất hứng thú, thao tác nhanh.

Việc vừa học vừa chơi vừa sáng tạo giúp các em đỡ nhàm chán và hình thành kỹ năng lập trình và tư duy logic. Từ đây các em sẽ bắt đầu hình thành suy nghĩ về năng lực công nghệ trong tương lai, định hướng nghề nghiệp như: Lập trình viên, kỹ sư phần mềm, ngành công nghệ thông tin....

Bên cạnh đó, thầy Đức còn có sáng kiến "Tăng cường kỹ năng lập trình cho học sinh dân tộc thiểu số bằng ngôn ngữ lập trình Scratch thông qua các buổi học ngoại khóa". Trong quá trình sinh hoạt câu lạc bộ, thầy từng bước cho các em thực hành, hướng dẫn, gợi mở những ví dụ đơn giản nhất dần dần đến nâng cao để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Trong sáng kiến đó, thầy đã trình bày các giải pháp đưa ra để giúp các em học sinh vùng dân tộc thiểu số nói chung và học sinh trường tôi nói riêng được tiếp cận được tham gia và vào các dự án lập trình, từ đó nhằm nâng cao tính tư duy logic, đam mê khoa học máy tính ở mỗi em học sinh.

Giải pháp đó giúp học sinh mạnh dạn và tự tin hơn, truyền cảm hứng đam mê khám phá khoa học, phát triển tư duy và kỹ năng lập trình. Các em học sinh yêu thích môn học hơn đặc biệt là lập trình không còn nặng về câu lệnh khó nhớ, thuật toán phức tạp… Nhờ đó nuôi dưỡng ước mơ trở thành lập trình viên trong tương lai, làm chủ khoa học máy tính, khoa học công nghệ.

Những năm học vừa qua, Phòng GD&ĐT Lạc Sơn đã luôn tổ chức Cuộc thi sáng tạo sản phẩm giáo dục STEAM. Ngoài việc trau dồi kiến thức tin học thì các em còn được trải nghiệm thêm về lĩnh vực STEAM. Nhờ đó, học sinh của nhà trường đã được tiếp cận với cách học bằng hình thức STEM, STEAM.

Bản chất của STEM là dạy học tích hợp liên môn, nhưng thực tế có thể thấy rằng vai trò của môn Tin học đóng vai trò chủ đạo. Nhiều sản phẩm ứng dụng được thầy và trò xây dựng luôn đem đến kết quả cao trong các cuộc thi. Để xây dựng được một chủ đề STEM thì các em cần đến kỹ năng tìm kiếm thông tin (kỹ năng tin học) để có thể tìm được những nguồn tài liệu phục vụ cho dự án cho sản phẩm đang xây dựng.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình Tin học bắt buộc với học sinh tiểu học thay vì môn tự chọn so với trước đây. Sau gần 1 năm học, từ việc rụt rè, nhút nhát khi tiếp cận máy tính, từ thao tác cầm và điều khiển chuột và gõ bàn phím đã được cải thiện rất nhiều. Các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Phú Lương đều có sự tự tin, có kỹ năng tin học, nhiều em có tư duy logic cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ