Thầy giáo mang công nghệ 4.0 đến với học sinh dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thầy Bùi Minh Đức nỗ lực tìm kiếm cơ hội, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy để góp phần mang lập trình, STEM đến với học sinh dân tộc thiểu số.

Thầy Bùi Minh Đức hướng dẫn học sinh lập trình.
Thầy Bùi Minh Đức hướng dẫn học sinh lập trình.

Gây hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết học

Ra trường năm 2016, thầy Bùi Minh Đức, dân tộc Mường được phân công công tác tại trường THCS Thượng Cốc (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Trong những buổi học đầu tiên trên lớp, thầy đã dành nhiều thời gian làm quen và tiếp cận học sinh, từ đó đánh giá về mức độ nhận thức cũng như trình độ của các em.

Thầy Đức cho biết, đối với môn Tin học, các em học sinh dân tộc hầu như không có máy tính, nhiều em còn nhút nhát chưa tự tin khi ngồi trước máy vi tính và tiếp nhận kiến thức.

Nhận thấy rằng nếu giảng bài theo cách truyền thống sẽ làm cho học sinh khó tiếp thu bài mới và không hiệu quả trong hoạt động học tập, thầy đã nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp giảng bài mới, khoa học, logic để gây sự hứng thú và kích thích tư duy ở mỗi học sinh.

Lúc đó, thầy Đức được tiếp cận dự án YouthSpark Digital Inclusion, dự án tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin và khoa học máy tính cho trẻ em Việt Nam. Sau khi được tập huấn, tiếp thu và lĩnh hội được kiến thức, thầy trở về trường xây dựng kế hoạch và chia sẻ tới học sinh.

Một trong những nội dung hay nhất thầy triển khai đó là lập trình Scratch. Ban đầu thầy dạy cho một nhóm học sinh rồi đến từng lớp, từng khối và có chọn lọc những học sinh có khả năng tư duy logic, có kỹ năng lập trình để thành lập câu lạc bộ Tin học của trường.

Chỉ với những khối lệnh đơn giản, kéo thả thì học sinh đã có thể tạo ra một chương trình của riêng mình, vừa để học tập vừa để giải trí. Đặc biệt trong thời gian dự án phát động Cuộc thi giao lưu sản phẩm Công nghệ thông tin thì trường THCS Thượng Cốc luôn đạt giải cao.

Ngoài lập trình Scratch, thầy còn linh hoạt lồng ghép các ứng dụng khoa học máy tính vào giảng dạy nhằm thu hút và gây hứng thú đến học sinh trong mỗi tiết học như: Kahoot, bài giảng bằng Powerpoint, dạy học bằng các hình ảnh ví dụ trực quan.

Cùng với đó, thầy đã xây dựng một sáng kiến kinh nghiệm “Một số phương pháp gây hứng thú cho học sinh lớp 8 khi học Pascal”. Sáng kiến có vận dụng phần mềm lập trình Scratch để mô phỏng 1 vài ví dụ hoặc một đoạn chương trình nhỏ của Pascal, làm cho bài giảng sinh động, dễ hiểu hơn cho học sinh.

Ngoài các giờ học chính khóa trên lớp, vào các buổi chiều, buổi học ngoại khóa thầy dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cùng các em học sinh trong câu lạc bộ Tin học, bởi vì các em học sinh trong câu lạc bộ là những học sinh có kỹ năng tin học tốt, tư duy logic và có năng khiếu kỹ năng lập trình.

Thầy xây dựng các bài giảng và các chủ đề phù hợp để các em thực hiện và trao đổi cùng nhau giải quyết. Từ đây nhiều em đã có những chia sẻ về đam mê lập trình, đặc biệt là lập trình kéo thả Scratch.

Thầy Đức và học trò tại buổi tổng kết dự án YouthSpark Digital Inclusion.

Thầy Đức và học trò tại buổi tổng kết dự án YouthSpark Digital Inclusion.

Nuôi dưỡng đam mê

Cuối năm 2019, thầy Đức chuyển công tác về Trường Tiểu học và THCS Phú Lương, (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Tại môi trường mới, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong những năm tháng giảng dạy ở trường cũ, thầy tiếp tục chia sẻ và giảng dạy đến học sinh ở trường mới này.

Trường Tiểu học và THCS Phú Lương nằm trên địa bàn xã vùng đặc biệt khó khăn, do đó, hầu hết các em học sinh ở nhà chưa có máy tính, chưa được tiếp cận với máy tính, với tin học. Các em chỉ thực sự được học tin học ở trường.

Bằng sự đam mê, nhiệt huyết, thầy đã luôn cố gắng tìm ra những phương pháp giảng dạy tốt nhất để phù hợp với học sinh. Với kiến thức của mỗi khối học thầy linh hoạt lồng ghép các bài giảng điện tử Powerpoint và các công cụ hỗ trợ giảng dạy để nhằm truyền đạt tốt nhất.

Thầy cũng mạnh dạn sử dụng các ứng dụng Kahoot và Google form để kiểm tra đánh giá học sinh thông qua những câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức nội dung của từng chủ đề, từng bài học.

Nhờ sự đồng hành của quỹ Dariu, thầy trò nhà trường đã được hỗ trợ thiết bị dạy học, kỹ năng khoa học máy tính nhất là các kỹ năng về công nghệ. Sau khi được quỹ Dariu tập huấn và phát các thiết bị dạy học đặc biệt là Microbit, thầy đã triển khai đến các em học sinh ở các khối lớp.

Ban đầu các em học sinh chưa biết mạch cầm trên tay là gì và sử dụng như thế nào, thầy đã có những hướng dẫn tỉ mỉ và xây dựng các kế hoạch nội dung, chủ đề khác nhau để phù hợp với lứa tuổi và kỹ năng của các em.

Với mạch Microbit được cấp, thầy cùng học sinh có những tiết học về STEM rất thú vị, các em được lập trình hiển thị nhiệt độ môi trường, mức sáng hiện tại, đo độ ẩm của đất, làm một số dự án về cảnh báo chống trộm, cảnh bảo an toàn giao thông, cảnh báo an toàn khí gas, mũ thông minh cảnh báo ngủ gật...

Hầu hết các em học sinh rất hứng thú và vui vẻ tiếp nhận bài học. Đặc biệt trong các cuộc thi sáng tạo do phòng giáo dục tổ chức, các em học sinh đã đạt được những kết quả cao.

Với vai trò là Phó bí thư Đoàn thanh niên trường Tiểu học và THCS Phú Lương, thầy đã tổ chức các hoạt động vui chơi liên quan đến lập trình như thi thử thách lập trình nhanh trong các buổi ngoại khóa, buổi sinh hoạt đoàn. Thành lập câu lạc bộ lập trình có tên là “Microbit Xanh” để các em được sinh hoạt được trải nghiệm với khoa học máy tính, với lập trình.

Thầy Đức cũng đã xây dựng 2 sáng kiến để áp dụng vào giảng dạy có hiệu quả, gồm: Vận dụng phần mềm Scratch và ứng dụng web Wheelofnames, Kahoot để gây hứng thú trong các giờ khởi động, ôn tập ở môn Tin học lớp 8; Tăng cường kỹ năng lập trình cho học sinh dân tộc thiểu số bằng ngôn ngữ lập trình Scratch thông qua các buổi học ngoại khóa.

Với những nỗ lực không ngừng đem “ánh sáng công nghệ” đến với học sinh dân tộc thiểu số vùng miền núi huyện Lạc Sơn, thầy Bùi Minh Đức đã nhận được nhiều phần thưởng như danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; danh hiệu Lao động tiên tiến; giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình về việc “Đã có thành tích trong phong trào thi đua ‘Đổi mới sáng tạo trong dạy và học’...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.