Thầy giáo mang quân hàm xanh hơn 20 năm cõng chữ lên bản vùng biên

GD&TĐ - Hơn 20 năm qua, thầy giáo quân hàm xanh Lò Văn Thoại miệt mài gánh chữ lên bản xoá mù chữ cho bà con người dân tộc Mông ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La

Thầy giáo quân hàm xanh Lò Văn Thoại cùng học trò của mình xoá giặc mù chữ. Ảnh NVCC.
Thầy giáo quân hàm xanh Lò Văn Thoại cùng học trò của mình xoá giặc mù chữ. Ảnh NVCC.

Thầy Lò Văn Thoại là người dân tộc Lào, sinh ra và lớn lên ở bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Sứ mệnh kép

Những ngày này, gió lạnh đầu mùa đã bắt đầu ùa về trên khắp bản làng, thế nhưng đều đặn mỗi tối thầy giáo quân hàm xanh Lò Văn Thoại (Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) vẫn lên lớp, mang con chữ đến với bà con người dân tộc Mông.

Thầy Thoại tốt nghiệp Trường Trung cấp Biên phòng 1. Năm 2003, thầy được điều về công tác tại đồn Biên phòng Mường Lạn, làm công tác trong Đội vận động Quần chúng. Đến năm 2021, thầy được điều chuyển về Đồn biên phòng Nậm Lạnh.

21 năm ra trường cũng là 21 năm thầy trực tiếp giảng dạy lớp xóa mù chữ cho đồng bào người Mông trên địa bàn các xã biên giới Mường Lạn, Mường Và.

Thầy Thoại tâm sự: “Người dân ở đây không có điều kiện đi học nên bị hạn chế về kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng, dẫn đến năng suất thu lại không cao vì vậy cuộc sống rất khó khăn. Nhìn thấy điều đó, tôi muốn góp một phần nhỏ công sức của mình giúp bà con biết cái chữ, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống cho bà con”.

Vừa là người lính bộ đội cụ Hồ, vừa mang trọng trách người thầy “gánh” chữ đến với đồng bào dân tộc thiểu số, thầy Thoại không quản vất vả trèo đèo, lội suối đến lớp.

Thế nhưng lớp học xóa mù chữ của người thầy giáo mang quân hàm xanh khởi đầu không mấy suôn sẻ.

Thầy Thoại nhớ lại: “Những năm 2003, 2004 khi tôi đi đến nhà dân vận động đến lớp xoá mù chữ học, người dân từ chối, thậm chí còn không tiếp chuyện vì họ chưa hiểu được tầm quan trọng của việc học, biết chữ. Thêm vào đó, cách biệt ngôn ngữ, văn hoá phần nào đó họ có khoảng cách với tôi. Một số gia đình cha mẹ và con cái đều không biết chữ nên cùng lúc vận động đến lớp học là bài toán nan giải”.

Sau nhiều lần đi vận động không đạt hiệu quả như mong muốn, thầy Thoại quyết định thay đổi “chiến thuật tác chiến”. Thầy áp dụng nguyên tắc 4 cùng gồm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”.

Nhờ nguyên tắc 4 cùng đó, thầy Thoại đã tạo sự thân thiết, gần gũi và xoá bỏ được khoảng cách giữa về văn hoá, ngôn ngữ. Trong quá trình vận động, thầy Thoại kiên trì giảng giải cho bà con hiểu biết chữ để làm giàu, thoát nghèo, đuổi cái đói đi và phát triển quê hương.

“Nỗi lo này vừa xong, nỗi lo khác lại đến khi vận động được học viên đến lớp, tôi phải cố gắng xây dựng chương trình, giờ học làm sao cho hứng thú, thu hút học viên. Nếu nhàm chán, khó quá họ sẽ bỏ thì xem như công tác vận động người dân đến lớp là số “O”, thầy Thoại tâm sự và cho biết thêm, những phần nào học khó quá, tôi thường giảng chậm lại, hỏi từng học viên.

Hay những lúc cảm thấy không khí lớp học căng thẳng tôi không cố nhồi nhét mà tổ chức trò chơi; kể câu chuyện vui cho mọi người cùng nghe, như vậy thì việc học cũng nhẹ nhàng hơn.

Sau nhiều năm bám con chữ, bằng tinh thần trách nhiệm và làm công tác tư tưởng thường xuyên, học viên của thầy giáo quân hàm xanh tốt nghiệp đều đặn, được bà con tin yêu.

“Đến năm 2017, bà con cuối cùng đã hiểu ý nghĩa những con chữ bộ đội mang đến cho họ, người dân tự bảo nhau xin đến lớp xóa mù chữ học”, thầy Thoại phấn khởi chia sẻ.

2b55367afe74462a1f65-1853-6005.jpg
Học viên tham gia lớp xoá mù chữ do thầy Thoại đứng lớp chủ yếu là người dân tộc Mông. Ảnh NVCC.

Truyền động lực cho học viên

Suốt 21 năm đứng lớp giảng dạy, thầy Thoại gắn bó với rất nhiều khoá ở nhiều lứa tuổi khác nhau trong đó có già, có trẻ. Nhiều người sau khi biết chữ đã về tuyên truyền, dạy lại cho những người chưa biết để họ hiểu thêm giá trị của việc đi học.

Thầy Lò Văn Thoại kể: “Tôi nhớ mãi cô học trò Giàng Pạ Dê, em ấy gia đình nghèo, không có điều kiện đi học. Khi đến lớp học xoá mù chữ, em thể hiện tinh thần cầu thị, ham học hỏi. Hoàn thành giai đoạn 1, em tiếp tục học xoá mù chữ giai đoạn hai. Giờ đây, em đã trưởng thành, được bà con trong bản tín nhiệm và bầu làm Chi hội trưởng chi Hội phụ nữ của bản.

“Sau khi học xong, em đã tích cực tuyên truyền vận động người dân tham gia lớp xoá mù chữ, là người từng trải qua và hiểu giá trị con chữ bởi vậy quá trình vận động người dân đến lớp cũng hiệu quả hơn”, thầy Thoại nói.

Không chỉ trong công tác xoá mù chữ, thầy giáo quân hàm xanh Lò Văn Thoại vẫn dành thời gian để cho bà con hiểu và bỏ những hủ tục phong kiến như tảo hôn có từ nhiều đời nay; phổ biến pháp luật, Luật Hôn nhân và gia đình….

Chia sẻ về người thầy của mình, chị Giàng Thị Mỉ (ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) xúc động nói: “Trước đây đi học rất ngại, bởi lớn tuổi rồi mới học đọc, học viết như trẻ lớp 1 xấu hổ. Thế nhưng thầy Thoại rất nhiệt tình, kiên nhẫn đến vận động. Quá trình dạy, thầy luôn tận tâm. Nhiều hôm trời mùa đông giá rét mà cái lạnh ở miền núi như cắt da cắt thịt, mưa đường lầy lội thầy vẫn đến lớp đều đặn.

Đi học, tôi biết chữ, biết đọc, biết sử dụng các công nghệ như điện thoại hay nghiên cứu các tài liệu nuôi trồng để tăng hiệu quả trong sản xuất. Nếu không biết chữ, tôi không có như ngày hôm nay”.

Thầy Lò Văn Thoại là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.