Thầy giáo đặc biệt trên cao nguyên Dào San

GD&TĐ - Thượng úy Phạm Tuân là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam  triển vọng trong lĩnh vực quốc phòng và cũng là gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2017.

Đại úy Phạm Tuân, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Dào San, BĐBP Lai Châu - 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2017. Ảnh: Viết Hà (Báo Biên Phòng)
Đại úy Phạm Tuân, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Dào San, BĐBP Lai Châu - 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2017. Ảnh: Viết Hà (Báo Biên Phòng)

 Anh được biết đến không phải vì cách anh vượt qua mọi khó khăn trên những cung đường dốc núi thăm thẳm, mà là tấm lòng của anh bộ đội trẻ với những em học sinh miền núi, với bà con dân tộc và nhiệt huyết của người trẻ có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Cơ duyên với Biên phòng

Thượng úy Phạm Tuân sinh năm 1989, công tác tại Đồn Biên phòng Dào San (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu). Tốt nghiệp Học viện Sỹ quan Lục quân I nhưng lại về công tác tại đồn biên phòng, thượng úy Phạm Tuân đã có nhiều cơ duyên với biên phòng: “Năm 2011 trước khi tốt nghiệp Học viện Sĩ quan Lục quân I chúng tôi được đề đạt nguyện vọng để tổ chức phân công.

Thời gian đó vào dịp 3/3 tôi được xem thời sự và thấy có một phóng sự về những người chiến sĩ biên phòng tham gia giúp dân. Tôi thấy những hình ảnh việc làm đó thật đẹp và từ đó tôi mong muốn được công tác trong lực lượng biên phòng. Thật may mắn nguyện vọng của tôi đã thành hiện thực. Về sau này khi về lực lượng bộ đội biên phòng được đi đến những vùng núi biên cương tôi càng cảm thấy yêu hơn biên giới của đất nước, thấy được tại sao từ ngàn xưa vua Lê Lợi đã một mình thân chinh lên đến Lai Châu để giữ yên bờ cõi” – chiến sĩ trẻ Phạm Tuân xúc động kể lại.

Tuân là đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Phó bí thư Chi đoàn. Mọi người hay gọi anh là “Tuân kết nối, Tuân thanh niên”. Trước đây, anh từng là trợ lý thanh niên của biên phòng tỉnh. Trong quá trình đi địa bàn xuống các nhà trường và các bản vùng sâu, vùng xa, người chiến sĩ ấy như thấy được sự khó khăn vất vả cũng như thiếu thốn về cơ sở vật chất phòng học, phòng ở của các em học sinh cũng như người dân. Anh đã ghi chép lại và cung cấp cho các tổ chức, các nhà tài trợ để mọi người có thể giúp đỡ. Anh đã kết nối con người lại gần nhau hơn, để bà con vùng cao ấm lòng hơn.

Xác định về công tác tại Đồn Biên phòng sẽ gặp nhiều khó khăn, thế nhưng, anh vẫn cười tươi: “Không riêng gì tôi mà cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng công tác trên các tuyến biên giới đều vất vả. Đó là về điều kiện địa lý cách xa trung tâm đường đi lại khó khăn, nhiều bản chưa có đường xe máy tới nơi, giao thông bị chia cắt về mùa mưa. Điều mà tôi trăn trở đó là rào cản về ngôn ngữ cũng tác động không nhỏ tới kết quả công tác và giúp dân”.

Để khắc phục những khó khăn đó những chiến sĩ như anh phải xây dựng cho mình ý chí quyết tâm, tình yêu với biên giới, coi đồn là nhà, biên giới là quê hương để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Qua nhiều năm công tác, anh cũng đúc rút được những kinh nghiệm để tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân đó là nói ngắn, dễ hiểu và chú trọng lấy các tấm gương để làm ví dụ. Chẳng hạn, khi tuyên truyền về phòng chống mua bán người cho các em học sinh THPT trên địa bàn, anh đã liên hệ với cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm xin tóm tắt lại các vụ án để làm ví dụ minh họa, qua đó các em thấy được những việc đó xảy ra ngay xung quanh mình, từ đó các em nêu cao tinh thần cảnh giác. Từ lâu, anh đã được học sinh trên địa bàn gọi bằng “thầy”. Đó là niềm hạnh phúc lớn của người chiến sĩ mang quân hàm xanh trên cao nguyên Dào San này.

“Tuân kết nối” và tình cảm với học trò cùng cao

Dường như Tuân có duyên với học sinh miền núi. Trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2017”, anh cũng chính là người thầy giáo quân hàm xanh của đồn Biên phòng Dào San được tuyên dương.

Thượng úy Phạm Tuân nhớ mãi kỷ niệm: “Đó là một lần vào năm 2015 đi công tác bằng xe máy đến đồn biên phòng Pa Vệ Sử. Khi quay về, tôi thấy một em học sinh đang chân đất đi bộ dưới trời nắng. Tôi liền dừng xe và bảo em lên xe để chở về nhà cho nhanh. Tôi cùng em ấy đi một lúc sợ em quên, tôi nhắc liên tục khi nào đến nhà cháu thì bảo chú không chú đi qua mất.

Đi một lúc cũng hơn chục cây em mới bảo tôi đến nhà cháu rồi. Nhìn xung quanh không có ngôi nhà nào cả tôi mới hỏi nhà cháu ở đâu, em ấy mới chỉ tay về phía xa. Nhà cháu ở trong khe núi còn đi bộ khoảng nửa tiếng nữa. Vậy là quãng đường tới trường của em cũng gần 20km”. Chính sự vượt khó của học trò nghèo đã là động lực để thượng úy trẻ quyết tâm hơn để giúp các em có điều kiện tới trường.

Trong những năm gần đây, anh đã vận động các tổ chức, cá nhân tặng trên 4.200 suất quà và 25.000 thùng sữa TH True Milk cho các em học sinh trên địa bàn biên giới, trị giá gần 7 tỷ đồng. Thượng úy Tuân còn vận động các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây dựng 17 phòng ở bán trú, phòng học, nhà ăn bán trú cho các em học sinh trị giá 2,7 tỷ đồng. Xây dựng 1 bể nước trị giá 50 triệu đồng tại trường THCS Mù Sang, huyện Phong Thổ. Đồng thời, anh còn phối hợp và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ 2 em học sinh mắc bệnh hiểm nghèo là Tẩn Tả Mẩy và Lý Thị Hòa học sinh người dân tộc Dao tại địa bàn đồn biên phòng Vàng Ma Chải được đi chữa bệnh, trị giá 60 triệu đồng; Giúp đỡ Tẩn Tả Mẩy được học tập tại Trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em tỉnh Lai Châu và vận động được 2 sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng.

Ngoài ra, anh còn kết nối với Chi đoàn Báo Quân đội Nhân dân và các nhà tài trợ xây dựng hệ thống dẫn nước và bể nước phục vụ các nhà trường và người dân tại địa bàn xã Dào San trị giá trên 200 triệu đồng... Có lẽ, chính vì những gì anh làm được cho bà con nhân dân và học sinh miền núi của tỉnh Lai Châu, mà người ta gọi anh bằng cái tên thân thuộc “Tuân kết nối”. Mới đây, anh được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam và cũng là Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.