Thầy giáo Đà Nẵng chia sẻ quy trình biên soạn và áp dụng bài toán thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo thầy Nguyễn Văn Bảy cần có sự thay đổi đồng bộ, từ cách dạy - học đến kiểm tra, đánh giá để HS không khóc trước những bài toán vận dụng thực tế.

Đại diện BGH Trường THCS Trưng Vương trao bằng tốt nghiệp cho học sinh khối lớp 9.
Đại diện BGH Trường THCS Trưng Vương trao bằng tốt nghiệp cho học sinh khối lớp 9.

Thầy Nguyễn Văn Bảy, giáo viên Toán, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) khi triển khai Chương trình GDPT 2028, cần có sự thay đổi đồng bộ, từ cách dạy của giáo viên, cách học của học sinh và cách ra đề kiểm tra, đề thi.

Dạy học sinh phương pháp tư duy

Thầy Nguyễn Văn Bảy so sánh: Với cách dạy học truyền thống, chủ yếu giáo viên cung cấp cho học sinh các công thức, quy trình giải các bài toán, giải các phương trình, bất phương trình, cách chứng minh các bài toán... và học sinh áp dụng vào giải toán, ít sáng tạo trong học tập, chưa chú trọng ứng dụng vào thực tiễn.

Học sinh lớp 6 Trường THCS sử dụng điện thoại chơi trò chơi Quizizz trong hoạt động luyện tập để củng cố những kiến thức đã học, giúp tiết học thêm sinh động.
Học sinh lớp 6 Trường THCS sử dụng điện thoại chơi trò chơi Quizizz trong hoạt động luyện tập để củng cố những kiến thức đã học, giúp tiết học thêm sinh động.

Hiện nay với quan điểm dạy học theo định hướng đầu ra thì việc học sinh nắm vững các định nghĩa, tính chất, các công thức, quy trình giải... là cần thiết, tuy nhiên phải hiểu rằng đó chỉ các công cụ, tri thức giúp cho học sinh tìm được các giải pháp tối ưu để thực hiện nhiệm vụ phù hợp với những bối cảnh cụ thể, góp phần vào việc giải quyết các tính huống thực tiễn mà thôi. Do đó trong bối cảnh hiện nay, giáo viên phải thay đổi cách dạy và học sinh cũng phải thay đổi cách học để phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục.

Về phía giáo viên, theo thầy Nguyễn Văn Bảy, trong quá trình dạy học cần chú trọng trang bị cho các em học sinh những tri thức phương pháp để các em biết cách đọc sách giáo khoa và các tài liệu học tập, tra cứu và tìm tài liệu học tập trên các mạng; biết cách tự tìm lại những kiến thức đã có, biết cách suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới.

Thầy cô giáo trong quá trình dạy học cần rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, đặc biệt hoá, khái quát hoá, tương tự, quy lạ về quen… để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo cho các em. Tăng cường ứng dụng toán học vào giải quyết các tình huống thực tiễn, làm cho việc giải quyết tình huống thực tiễn của cuộc sống dần trở thành nhu cầu trong hoạt động học của học sinh.

"Việc giải quyết bài toán thực tiễn sẽ góp phần quan trọng hình thành tư duy, tác động đến tình cảm của học sinh trong học toán, để em hiểu rằng học toán để ứng dụng cho thực tiễn, là nhu cầu của thực tiễn" - thầy Bảy phân tích.

Về phía học sinh, các em phải tự giác, tích cực, chủ động trong học tập, có động cơ học tập tích cực; Rèn luyện năng lực tự học, biết tìm tòi phát hiện kiến thức mới.

"Trong học tập, khi đọc sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo phải hiểu đúng bản chất của các định nghĩa, tính chất, công thức và biết cách áp dụng vào những tình huống cụ thể; cần rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, tóm tắt giả thiết và yêu cầu từng bài toán, tìm tòi phương pháp phù hợp để giải quyết từng tình huống cụ thể, không học thuộc các dạng toán một cách máy móc, thụ động, khi gặp bài toán lạ sẽ lúng túng, không giải được" - thầy Bảy lưu ý.

Thầy giáo Nguyễn Văn Bảy, giáo viên Toán, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Thầy giáo Nguyễn Văn Bảy, giáo viên Toán, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Thầy Nguyễn Văn Bảy chia sẻ: Để đổi mới dạy học môn Toán theo Chương trình GDPT 2018 một cách đồng bộ, khi xây dựng đề kiểm tra, đề thi, giáo viên cần bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình.

Các câu hỏi trong đề kiểm tra, đề thi cần sắp xếp từ dễ đến khó, câu chữ ngắn gọn, rõ ràng, riêng các bài toán thực tế cần đưa ra nội dung gần gũi với học sinh, cần quan tâm đến năng lực thực tiễn và hiểu biết của các em học sinh ở lứa tuổi THCS.

Đề xuất quy trình biên soạn bài toán thực tiễn

Ngoài tập huấn chuyên đề do Phòng GD&ĐT Hải Châu tổ chức, trong sinh hoạt chuyên môn của Tổ Toán, Trường THCS Trưng Vương đã dành nhiều thời lượng để trao đổi về phương pháp dạy học nên đa số giáo viên không quá bỡ ngỡ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trong kiểm tra, đánh giá, việc đưa bài toán thực tiễn vào các đề kiểm tra đã nhà trường cũng đã thực hiện nhiều năm, số lượng câu hỏi trong mỗi đề chiếm khoảng 25 – 30% nên khi tiếp cận chương trình GDPT 2018, giáo viên cũng không gặp nhiều khó khăn.

Một số trò chơi dân gian cũng là hình thức vận dụng các kiến thức Toán học vào thực tế cuộc sống.

Một số trò chơi dân gian cũng là hình thức vận dụng các kiến thức Toán học vào thực tế cuộc sống.

Từ kinh nghiệm trong dạy - học và tổ chức kiểm tra, đánh giá môn Toán theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, thầy Nguyễn Văn Bảy đã xây dựng quy trình biên soạn và áp dụng bài toán thực tiễn.

Trước hết, giáo viên phải xác định yêu cầu cần đạt của chủ đề hoặc bài học

Bài toán thực tiễn biên soạn với mục đích, phát triển năng lực thực tiễn của học sinh khi học tập một nội dung kiến thức trong chương trình dạy học. Do đó để biên soạn bài toán thực tiễn đáp ứng được mục tiêu bài học/ chủ đề dạy học giáo viên cần xem xét yêu cầu cần đạt của chủ đề, bài học đó để làm căn cứ lựa chọn thiết kế bài toán thực tiễn cho phù hợp. Việc xác định đúng mục tiêu của chủ đề, bài học là bước đầu tiên của quá trình thiết kế, có tác dụng định hướng quá trình thiết kế bài toán thực tiễn của giáo viên đạt hiệu quả.

Theo thầy Nguyễn Văn Bảy, việc biên soạn bài toán thực tiễn có nội dung phù hợp với mục tiêu bài dạy là rất quan trọng, đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu chọn lọc một cách cẩn thận, chính xác. Bài toán thực tiễn phải vừa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu cần đạt của bài học/ chủ đề dạy học đồng thời phải phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi và vốn kiến thức của học sinh về vấn đề thực tiễn liên quan đến bài toán. Tránh soạn các bài toán hàn lâm, vượt xa tầm hiểu biết, mức độ nhận thức của học sinh.

Bài toán thực tiễn phát huy được tác dụng khi có hiệu quả tốt khi tạo được sự quan tâm, hứng thú của người học.

"Khi xây dựng bài toán thực tiễn, giáo viên cần lưu ý kiểm tra sự phù hợp với mục tiêu bài dạy, kiểm tra tính chính xác của bài toán, lựa chọn thời điểm sử dụng bài toán trong tiến trình bài học, bài toán thực tiễn cần được đưa vào dạy học. Tùy thuộc vào năng lực tư duy, trình độ của từng lớp, cần lựa chọn bài toán phù hợp để kích thích sự phát triển năng lực của học sinh, khơi gợi sự đam mê, hứng thú học toán cho học sinh.

Sau khi đưa bài toán thực tiễn vào dạy học cần đánh giá lại những ưu điểm, khuyết điểm của bài toán, sự phù hợp với đối tượng học sinh để có những điều chỉnh phù hợp, nâng cao được hiệu quả của bài toán" - thầy giáo Nguyễn Văn Bảy lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ