Đề thi có tính phân hóa
Trước ý kiến về đề thi Toán năm nhiều học sinh đánh giá khó, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết kỳ thi lớp 10 là kỳ thi tuyển sinh, chứ không phải tốt nghiệp, mục tiêu tuyển sinh chứ không phải đánh giá kiến thức.
Do đó, khi ra đề thi phải thể hiện tính phân hoá, có dễ và khó để có thể chọn được các thí sinh vào lớp 10. Nếu những học sinh giỏi sẽ vào các trường tốp đầu, học sinh khá sẽ vào trường tốp giữa.
Ông Lê Hoài Nam (thứ 2 từ phải qua) thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10. |
“Đây chính là tinh thần chung của việc ra đề, vẫn đảm bảo được theo yêu cầu để tuyển học sinh được học theo nguyện vọng và năng lực. Nếu khó thì khó chung nên điều này đảm bảo công bằng, đảm bảo nguyện vọng của các em”, ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, trước khi kỳ thi vào lớp 10 diễn ra, hội đồng đề đã xây dựng ma trận đề. Trong ma trận đề đã xác định mức độ nào hiểu biết, vận dụng và vận dụng cao.
Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết xuyên suốt từ năm 2014, tại TPHCM đối với môn Toán hằng năm đều có tăng thêm về mức độ vận dụng kiến thức của đời sống để giải quyết trong đề thi.
Thí sinh bật khóc sau khi rời phòng thi tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1). |
“Thí sinh phải lựa chọn kiến thức Toán đã học để áp dụng giải quyết các vấn đề đặt ra trong câu hỏi là gì. Theo đó, qua từng năm tất cả các câu hỏi sẽ nhiều hơn. Đến thời điểm này, khi chúng ta đã hoàn tất chương trình phổ thông 2006 và bước sang chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giải quyết năng lực và phẩm chất, không còn giải quyết kiến thức. Do đó, học sinh cần phải có năng lực đọc hiểu để suy luận, tư duy vấn đề”, ông Minh cho hay.
Thí sinh đi thi bằng xe cứu thương sẽ được đặc cách
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, đơn vị này đang xem xét, vận dụng các quy định để sắp xếp chỗ học cho em Nguyễn Thị Yến Nhi vào lớp 10 công lập
Ông Lê Hoài Nam cho biết, sở đã nắm được thông tin em Nguyễn Thị Yến Nhi, học sinh Trường THCS Nguyễn An Ninh (quận 12), thí sinh dự thi lớp 10, không đủ sức khỏe để tiếp tục thi môn toán vào sáng nay (7/6).
Theo đó, Sở GD&ĐT TPHCM đang xem xét, bố trí, sắp xếp để em Nhi học ở trường gần nhà nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập.
Được biết, sáng 7/6, trong buổi dự thi môn toán, em Nguyễn Thị Yến Nhi không đủ sức khỏe để tiếp tục làm bài thi. Ngay lập tức, gia đình đưa Nhi vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Thí sinh Nguyễn Thị Yến Nhi ôn bài tại nhà trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. |
Nhi là thí sinh đặc biệt trong kỳ thi tuyển sinh năm nay. Trong ngày thi đầu tiên, 6/6, Nhi được hỗ trợ đến điểm thi bằng xe cứu thương. Trước kỳ thi, em bị tai nạn bị gãy đốt sống lưng và ngực, phải nằm một chỗ.
Được biết, trong 4 năm liền học ở Trường THCS, Nhi là học sinh giỏi của trường. Sau khi xảy sự cố, nhà trường đã tạo điều kiện tối đa để Nhi học tập và thi cử. Đặc biệt nhiều hôm, thầy cô giáo của Trường trung học cơ sở Nguyễn An Ninh có những buổi tối đến tận nhà để giảng bài thêm cho Nhi hiểu.
Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM được tổ chức tại 158 điểm thi. Trong đó, có 147 điểm thi vào lớp 10 thường, 11 điểm thi vào lớp 10 chuyên. Tổng số phòng thi là 4.334. Tổng số thí sinh tham gia dự kỳ thi vào lớp 10 tại TPHCM là 98.681. Trong đó, thí sinh đăng ký xét ba nguyện vọng thường là 98.681, thí sinh đăng ký xét nguyện vọng chuyên là 7.622 (trong đó có 150 thí sinh tỉnh khác).
Tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thí sinh dự thi 3 môn Văn, Toán và Ngoại ngữ. Thí sinh dự thi thêm hệ chuyên và tích hợp sẽ thi thêm môn chuyên và tích hợp. Trong đó, tổng số thí sinh vắng thi môn Ngữ văn là 262 thí sinh, môn Ngoại ngữ vắng 306 thí sinh, môn Toán vắng 320 thí sinh và 50 thí sinh vắng thi môn chuyên.
“Trong quá trình thi môn Ngoại ngữ, có 1 thí sinh vi phạm quy chế thi do đem điện thoại vào phòng thi. Với trường hợp này trước giờ thi cán bộ coi thi 2 đã nhắc nhở trước khi mở túi đề nhưng thí sinh vẫn để trong váy, khi có cuộc gọi tới thì cán bộ đã phát hiện, lập biên bản và xử lý”, ông Hồ Tấn Minh cho biết.