Giúp học sinh hết ngại học toán
Theo thầy Trần Văn Tỏ, Toán học là môn học xuất phát từ thực tế cuộc sống nên cách dạy Toán tốt nhất là sử dụng các tình huống thực tế. Chẳng hạn, khi dạy về hình học không gian, nhiều thầy, cô giáo không cần giáo cụ trực quan như: mô hình, hình vẽ, vật thể minh họa mà sử dụng phần mềm hỗ trợ. Tuy phần mềm là tốt nhưng vẫn chỉ là hình phẳng, vật thể trực quan sẽ hấp dẫn. Nếu cho học sinh làm ra mô hình ấy thì sẽ thú vị hơn nhiều.
Thầy Trần Văn Tỏ là giáo viên Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên). Theo thầy, công nghệ có thể giúp học sinh thấy được mối liên hệ giữa Toán học và thế giới kỹ thuật số hiện đại.
Năm 2020, thầy Trần Văn Tỏ và nhóm học sinh đã thiết kế, lập trình thành công phần mềm học Toán lớp 10 bằng tiếng Anh. Phần mềm này giúp học sinh vừa học, vừa chơi. Phần mềm cũng giúp bổ sung từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh cho học sinh; đồng thời giúp em có thêm kỹ năng học toán và làm toán. Phần mềm này, học sinh có thể dùng theo hình thức online và offline.
Năm 2021, phần mềm học Toán lớp 10 bằng tiếng Anh đã đoạt giải Nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Hưng Yên, giải Ba Cuộc thi khoa học kỹ thuật thi dành cho HS THPT. Đáng nói, phần mềm này đã được vinh danh trong Sách Vàng sáng tạo Việt Nam 2021.
Theo thầy Trần Văn Tỏ, hiện có một số học sinh ngại học Toán vì cảm thấy khô khan và thiếu tính ứng dụng vào thực tiễn. Để việc học Toán trở nên hấp dẫn và thú vị hơn, thầy giúp học sinh hiểu rằng, Toán học là cách suy luận và giải quyết vấn đề trong đời sống hàng ngày. Học sinh có thể sử dụng kỹ năng Toán học để giải quyết các vấn đề thực tế như: quản lý tài chính, thiết kế, phân tích dữ liệu, và nhiều hơn nữa.
Thầy Trần Văn Tỏ luôn tìm cách liên kết chúng với ví dụ và ứng dụng trong thế giới thực |
Trong khi giảng dạy các khái niệm Toán học, thầy Trần Văn Tỏ tìm cách liên kết chúng với ví dụ và ứng dụng trong thế giới thực. Thầy sử dụng các bài toán và một số ví dụ có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày để giúp học sinh nhận ra giá trị của việc học bộ môn này.
Sử dụng phần mềm và ứng dụng để minh họa các khái niệm toán học một cách trực quan và thú vị là một trong những phương pháp dạy học của thầy Trần Văn Tỏ. Công nghệ có thể giúp học sinh thấy được mối liên hệ giữa toán học và thế giới kỹ thuật số hiện đại.
Ngoài ra, thầy áp dụng dạy học theo cách cá nhân hóa. Hiểu và tận dụng cách học của từng học sinh. Mỗi học sinh có cách tiếp cận và tốc độ học tập khác nhau. Vì vậy, việc tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội học theo cách phù hợp sẽ giúp các em tăng cường sự hứng thú và hiệu quả trong việc học Toán.
Cũng theo kinh nghiệm của thầy Trần Văn Tỏ, giáo viên có thể bổ sung các bài học về toán với hoạt động thực hành, bao gồm cả thí nghiệm và dự án, giúp các em có cơ hội áp dụng những khái niệm toán học một cách thực tế và sáng tạo.
“Ví dụ, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, phần Toán lớp 11 có chủ đề tài chính khi học nội dung hàm số mũ, thầy cô có thể cho học sinh học theo dự án: Gửi tiết kiệm ngân hàng, bài toán lãi kép…” - thầy Trần Văn Tỏ viện dẫn.
Ngoài ra, giáo viên có thể tạo không gian học tập tích cực. Khuyến khích sự tò mò và khám phá bằng cách tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh được khích lệ và không sợ thất bại.
“Tôi cho rằng, để việc học toán trở nên thú vị và hấp dẫn không chỉ là trách nhiệm của giáo viên, mà còn là trách nhiệm của cả học sinh và các bậc phụ huynh. Sự hỗ trợ và động viên từ phía gia đình cũng rất quan trọng để tạo động lực cho các em trong quá trình học tập” - thầy Trần Văn Tỏ trao đổi.
Học sinh luôn hào hứng và thích học Toán do thầy Trần Văn Tỏ giảng dạy. |
Hóa giải áp lực
Mục tiêu phấn đấu của thầy Trần Văn Tỏ là đủ tiêu chuẩn xét tặng NGƯT – danh hiệu cao quý nhà giáo. Thầy cũng mong muốn xây dựng một bộ sách điện tử dành cho các em nhỏ theo phong cách học thông qua trò chơi. Thầy cũng mong muốn sớm có Luật Nhà giáo, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh bảo vệ nhà giáo; đồng thời để nhà giáo được tôn vinh xứng đáng.
Nhìn nhận về áp lực đối với giáo viên, thầy Trần Văn Tỏ cho rằng, áp lực là một phần không thể tránh khỏi trong công việc giảng dạy. Để giảm áp, thầy áp dụng một số giải pháp như:
Tạo ra một kế hoạch và quản lý thời gian hiệu quả: Xác định mục tiêu cụ thể và thiết lập kế hoạch làm việc rõ ràng, để đảm bảo công việc được hoàn thành một cách có tổ chức. Phân chia thời gian một cách hợp lý giữa công việc giảng dạy, chuẩn bị bài giảng, và thời gian nghỉ ngơi.
Thực hiện các hoạt động thư giãn: Dành thời gian cho các hoạt động thư giãn như yoga, thiền, hoặc tập thể dục để giúp giảm căng thẳng và stress. Các hoạt động này có thể giúp cải thiện tâm trạng và tăng cường sự tập trung.
Hỗ trợ từ đồng nghiệp và nhà trường: Chia sẻ và thảo luận với đồng nghiệp về những áp lực và khó khăn đang phải đối mặt. Qua đó, có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn và nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Thực hiện việc tự chăm sóc bản thân: Dành thời gian cho bản thân để thực hiện những hoạt động yêu thích và đam mê bên ngoài công việc giảng dạy như: đọc sách, nghe nhạc hoặc tham gia vào các sở thích cá nhân khác. “Ngoài việc dạy học tôi còn sáng tác vui một vài bài hát, dạy kèn cho bà con ở địa phương” - thầy Trần Văn Tỏ bật mí.
Tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống: Việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân là quan trọng. Vì thế, dành thời gian cho gia đình, bạn bè và các hoạt động giải trí khác ngoài công việc giảng dạy để giữ cho tâm trạng và tinh thần luôn tươi mới và sảng khoái.
Năm 2023, thầy giáo Trần Văn Tỏ (người ngoài cùng bên trái) được Bộ GD&ĐT vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc… |
Giai đoạn 2018-2023, thầy Trần Văn Tỏ đã bồi dưỡng 20 học sinh giỏi cấp tỉnh môn toán, trong đó có 5 giải nhì, 4 giải ba, 11 giải khuyến khích. Thầy có sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn.
5 năm liên tiếp (2017-2022), thầy Trần Văn Tỏ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm học 2021-2022, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong quản lý và giảng dạy; năm 2023, được Bộ GD&ĐT vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc…