'Thầy giáo da cam' 30 năm tận tâm với nghề

GD&TĐ - Di chứng chất độc da cam khiến thầy Đào Thanh Hương, Trường THCS Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) bị khuyết đôi bàn chân và một phần cánh tay trái. Nhưng bằng nghị lực và ý chí không bao giờ từ bỏ, thầy bền bỉ trên bục giảng, vượt qua sóng gió cuộc đời để có được một tình yêu cổ tích thời hiện đại.

Ngoài chuyên môn, thầy Hương cũng có tình yêu lớn đối với văn học.
Ngoài chuyên môn, thầy Hương cũng có tình yêu lớn đối với văn học.

Tuổi thơ không lành lặn

Gần 20 năm với biết bao thăng trầm nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy cuộc sống bình yên cùng người chồng tốt và những đứa con khỏe mạnh. Đây là điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc, dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn, vất vả. - Cô Trần Thị Hương

Khi đồng hồ điểm 11 giờ trưa cũng là lúc thầy Đào Thanh Hương hoàn thành công việc ở trường. Dưới cái nắng hè gay gắt, thầy vội vã đạp xe trở về tổ ấm nhỏ, cách trường chừng 1 km.

Gần 30 năm nay, hình ảnh người thầy giáo đến trường trên chiếc xe đạp đã quá đỗi quen thuộc với người dân vùng biển xứ Thanh. Có lẽ vì gắn bó với chiếc xe đạp mỗi ngày, nên dù khuyết đôi bàn chân và một phần cánh tay trái, song động tác đạp xe của thầy trông rất chắc chắn.

Năm 1976, cậu bé Thanh Hương chào đời trong tiếng khóc nghẹn của người mẹ. Do bị di chứng chất độc da cam từ người cha từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, khiến thầy từ lúc sinh ra đã không lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khác. Năm lên 3 tuổi, Hương được mẹ cho tập bước đi, nhưng với đôi chân ngắn cũn nên cứ bước là ngã. Đến khi chai cả vùng da chân – nơi tiếp xúc với mặt đất, cậu mới biết đi.

Đến tuổi đi học, Thanh Hương đến trường trong niềm hân hoan cùng sự khích lệ, động viên của mẹ. Sau khi tốt nghiệp THCS, Thanh Hương thi đỗ vào Trường THPT Hậu Lộc 1, cách nhà hơn 10 km. Tuy nhiên, lúc này cậu học trò vùng biển chợt nhận ra khiếm khuyết trên cơ thể trở thành rào cản ngăn cậu theo đuổi ước mơ. Với niềm khao khát được tiếp tục đến trường, Thanh Hương đã quyết tâm tập đi xe đạp bằng được.

Bị khuyết đôi bàn chân và một phần cánh tay trái song thầy Hương không bao giờ để những khiếm khuyết ấy giày vò, cản trở mình.

Bị khuyết đôi bàn chân và một phần cánh tay trái song thầy Hương không bao giờ để những khiếm khuyết ấy giày vò, cản trở mình.

“Đến bây giờ, tôi cũng không nhớ bao nhiêu lần ngã xe đạp, bị bầm dập cả tay, chân. Những lúc đau đớn, tôi luôn nghĩ về cha, mẹ - người đã luôn hy sinh để dành cho tôi những điều tốt đẹp nhất. Sau nhiều lần lăn lê, vật vã với chiếc xe đạp, cuối cùng tôi cũng có thể bắt đầu cuộc hành trình mới của mình - trở thành học sinh THPT”, thầy Hương kể.

Tốt nghiệp THPT, Đào Thanh Hương quyết định thi Sư phạm Ngữ văn của Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa (nay là Trường Đại học Hồng Đức). Lựa chọn này một phần vì ngưỡng mộ hình ảnh người mẹ bên trang giáo án, một phần vì khao khát được truyền dạy kiến thức cho học sinh trên mảnh đất quê hương.

Không phụ công bao năm đèn sách, Đào Thanh Hương đạt số điểm khá cao. Nhưng, ngày nhập học, cậu học trò xã biển lại gặp phải trở ngại bởi khiếm khuyết của bản thân. Anh bị nhà trường từ chối vì lý do khuyết tật.

Với khát khao cháy bỏng được trở thành thầy giáo, Đào Thanh Hương đã viết tâm thư gửi lên Ban giám hiệu nhà trường, trình bày mong muốn được đi học và cam kết chỉ học hai năm đầu đại cương ở trường, sau đó sẽ xin liên hệ học tập nơi khác.

Hơn một tuần chực chờ câu trả lời từ phía nhà trường, cũng là quãng thời gian chàng trai xã biển sống trong thấp thỏm. Vì sợ sẽ mang nỗi buồn đến với người thân, nên anh không dám về nhà mà ở lại gia đình người quen trên thành phố. Khi nhà trường thông báo cho phép nhập học, Thanh Hương như vỡ òa sung sướng, bởi anh có thể hoàn thành ước mơ lớn trong đời.

Sau 2 năm học đại cương, Đào Thanh Hương luôn đạt kết quả học tập xuất sắc và giành nhiều học bổng. Chứng kiến những nỗ lực của anh, nhà trường đồng ý cho học tiếp. Khi đó, anh rất hạnh phúc vì giấc mơ trở thành thầy giáo đã đến rất gần.

Thầy Đào Thanh Hương và cô Trần Thị Hương đã có một chuyện tình cổ tích được đồng nghiệp trân trọng, ngưỡng mộ.

Thầy Đào Thanh Hương và cô Trần Thị Hương đã có một chuyện tình cổ tích được đồng nghiệp trân trọng, ngưỡng mộ.

Luôn hướng về phía trước

Tốt nghiệp đại học, thầy giáo trẻ Thanh Hương được điều động công tác về Trường THCS Đa Lộc dạy học. Những ngày đầu, thầy gặp không ít ánh mắt nghi ngờ từ phía phụ huynh và học trò. Nhưng bằng tình yêu nghề hòa quyện với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy đã truyền dạy kiến thức cho học trò một cách hăng say. Đồng thời, thầy cũng luôn cổ vũ, khích lệ, tạo điều kiện để các em vượt qua khó khăn cùng nỗi sợ hãi vô hình của bản thân.

Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng người thầy ấy cũng nhận được sự tin yêu của đồng nghiệp, phụ huynh và học trò. “Có thể nói, lứa học trò đầu tiên đã tạo động lực rất lớn để tôi thêm vững vàng với công việc mà mình đã chọn”, thầy Hương nói.

25 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy Đào Thanh Hương liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Thầy cũng nhiều lần vinh dự nhận được giấy khen của chủ tịch UBND huyện… “Hành trình 25 năm dạy học không thể kể hết những niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi là thỏa mãn niềm ao ước được trở thành thầy giáo, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc bồi dưỡng nhân tài cho quê hương”, thầy Hương bộc bạch.

Ngoài nỗ lực của bản thân, câu chuyện tình yêu cổ tích của thầy giáo vùng biển luôn được đồng nghiệp nhắc tới bằng sự trân trọng, ngưỡng mộ. Chính ngôi trường gắn bó với tuổi thơ đã se duyên cho thầy gặp được người con gái dịu dàng, xinh đẹp khi cô Trần Thị Hương được điều động công tác về trường. Sau hai năm tìm hiểu, cả hai quyết định tiến đến hôn nhân dù chưa được sự đồng thuận từ gia đình nhà gái. Song, bằng tấm lòng chân thành đã giúp thầy nhận được sự tin yêu, ủng hộ của bố mẹ vợ.

Nhìn lại chặng đường sóng gió đã đi qua, thầy Hương cho rằng chính sự nỗ lực, luôn hướng về phía trước và không bao giờ từ bỏ là chìa khóa giúp thầy vượt qua những sóng gió của cuộc đời.

“Cuối năm 2005, chúng tôi hồi hộp đón cậu con trai đầu lòng. Lúc này, tôi mới thấu hiểu được nỗi lòng của người làm cha, mẹ. Vì lo lắng con sinh ra sẽ không lành lặn như mình, vợ chồng tôi lặn lội đi siêu âm khắp nơi, từ Hà Nội, Thái Nguyên rồi về Thanh Hóa. Thật may mắn, con sinh ra khỏe mạnh, lành lặn. Hiện, cháu học xong lớp 11, còn cậu út chuẩn bị lên lớp 5”, thầy Hương kể.

Thầy Trần Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc cho biết, thầy giáo Đào Thanh Hương có chuyên môn giỏi, trách nhiệm với công việc, đồng nghiệp và học trò. Trong công tác giảng dạy, thầy liên tục có học sinh đoạt giải cấp huyện; bản thân thầy cũng là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

“Mặc dù bị khuyết đôi bàn chân và một phần cánh tay trái do di chứng chất độc da cam, song thầy luôn nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thầy Đào Thanh Hương là tấm gương điển hình cho nghị lực vươn lên trong công việc, cuộc sống”, thầy Sơn chia sẻ.

Nói về người thầy kính mến của mình, Trần Thị Ánh Tuyết vừa tốt nghiệp Trường THCS Đa Lộc năm 2022, chia sẻ: “Thầy Thanh Hương chủ nhiệm em 2 năm lớp 8 và lớp 9. Tuy khoảng thời gian thầy chủ nhiệm chúng em chưa đủ lâu, song thầy rất tận tâm, tận tụy vì học trò. Trong phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn, thầy luôn là người truyền cảm hứng học tập.

Không chỉ vậy, mỗi khi em và các bạn gặp chuyện buồn về gia đình, thầy luôn ở bên động viên, an ủi. Em luôn kính trọng thầy vì đó là tấm gương của nghị lực, không ngại khó, ngại khổ vươn lên trở thành người thầy tuyệt vời. Nhờ sự dìu dắt của thầy cùng các thầy cô giáo, em may mắn trúng tuyển vào Trường THPT Hậu Lộc 4”.

May mắn với tôi là luôn có gia đình ở bên cạnh, đặc biệt người mẹ yêu thương đã gieo cho tôi hoài bão để trở thành một nhà giáo, còn cha cho tôi bản lĩnh chiến đấu của một người lính để vượt qua được khó khăn. Một điều tuyệt vời không thể thiếu đó là người vợ đã luôn đồng hành, sát cánh cùng tôi vượt qua những trở ngại, gian khó. Có lẽ, đây là giai đoạn tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời vì đã đạt được những gì mình ao ước. - Thầy Đào Thanh Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ