Thấu hiểu học trò
Do sống trong thời tiết khắc nghiệt lạnh giá của vùng cao Sa Pa từ nhỏ tới khi trưởng thành nên thầy Sơn thấu hiểu khó khăn của học sinh bán trú xa nhà trong sinh hoạt, học tập. Do đó thầy luôn mong muốn tạo ra những giá trị để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp học sinh bớt vất vả.
Cái lạnh mùa đông của Sa Pa “cắt da cắt thịt”, giá rét, sương muối và không ít ngày nhiệt độ xuống dưới mức 0°C, xuất hiện băng tuyết… Vì vậy, khi học sinh không được giữ ấm, thiếu nước nóng sinh hoạt sẽ hại cho sức khỏe, hạn chế nhiều hoạt động hàng ngày.
Tại Trường PTDTBT TH&THCS Hầu Thào và nhiều trường học khác trên địa bàn (Sa Pa, Lào Cai) - nơi thầy Sơn công tác chưa có nước ấm để sử dụng thường xuyên. Sau mỗi buổi học, nếu muốn có nước tắm, vệ sinh cá nhân, các em phải đun bằng bếp củi với lượng nước nóng hạn chế.
Sáng sớm khi nhiệt độ xuống thấp, các em không có nước nóng để đánh răng, rửa mặt. Do đó vệ sinh cá nhân của học sinh bán trú vào mùa đông khó đảm bảo. Việc cung cấp nước nóng cho học trò vào mùa lạnh là vấn đề lớn của hầu hết trường vùng cao Sa Pa nhưng chưa tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
“Tôi thương học trò vùng cao, nhiều em áo ấm để mặc còn thiếu mà còn phải sử dụng nước sinh hoạt lạnh buốt. Sinh hoạt, học tập, sức khỏe… bị ảnh hưởng rất nhiều. Hiểu và chứng kiến hàng ngày cuộc sống sinh hoạt của học sinh Sa Pa tôi xót xa và luôn mong muốn mình sẽ làm nhiều điều để giúp các em đỡ vất vả khi mùa đông về…”, thầy Sơn bày tỏ.
Do đó khi được cử học hỏi dự án bếp ủ nước nóng bằng trấu, thầy Sơn không chỉ tiếp thu những kĩ thuật tiền đề mà còn tiếp tục nghiên cứu cải tiến thêm để phù hợp hơn với điều kiện chung, nâng cao chất lượng hiệu quả của lò.
Khi lò được lắp đặt ứng dụng tại trường đã giúp hàng trăm học sinh bớt lạnh trong mùa đông giá rét. Một số trường học đang đề nghị thầy Sơn hỗ trợ kĩ thuật để tiếp tục đưa sản phẩm vào ứng dụng.
Học hỏi và sáng tạo vì học trò
Luôn đau đáu giúp đỡ học trò vùng cao nên khi được lãnh đạo Phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa và Hiệu trưởng cử đi tham quan học tập xây dựng, thiết kế lò ủ nước nóng cho học sinh thầy Sơn rất khởi.
Trở về trường không chỉ với những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi, thầy Bùi Huy Sơn tiếp tục nghiên cứu thêm trên điều kiện thực tiễn của nhà trường, địa phương. Từ đó lên phương án tối ưu nhất thực hiện ý tưởng xây dựng lò ủ nước nóng cho học sinh bán trú.
Thầy Sơn đã bàn bạc thêm với đồng nghiệp tại trường để trực tiếp lên kế hoạch xây dựng, dự trù nguồn kinh phí, vật liệu xây dựng, vật tư lắp đặt, nhân công kỹ thuật, vị trí xây dựng, nguồn nhiên liệu, khối lượng nước nóng trong ngày, thời gian ủ nóng, lượng hao tốn nguyên liệu…
Thầy Sơn đã nâng cấp thêm cửa gió từ mô hình đã học cho hẹp lại để nhiên liệu tiêu hao giảm. Cùng đó việc xây lò được tiến hành 2 lớp cách nhiệt để giữ nhiệt giữa lò luôn ở 300 độ C, giúp cho lượng nước nóng tuần hoàn liên tục. Cùng đó đường dẫn nước cũng được cải tiến để bơm một chiều từ bể lạnh qua hệ thống may so của bếp ủ…
Cuối năm 2021, hệ thống đun, ủ nước nóng công suất lớn với 1 bếp lò ủ trấu được cải tiến của thầy Sơn đã được đưa vào sử dụng tại trường.
Đánh giá về ưu điểm của sản phẩm Phòng GD&ĐT Sa Pa và đồng nghiệp cho rằng hệ thống sau cải biến đã giúp hạn chế tối đa việc thất thoát nhiệt lượng khi đun bếp…
Bếp ủ trấu sẽ không phải bố trí người trông coi trực tiếp trong suốt quá trình đun nước, có thể đun nước nóng 24/24 giờ. Và mỗi ngày lượng nước nóng từ hệ thống có thể đạt từ 4 -5 khối, nhiệt độ bình quân từ 50 - 70 độ C. Học sinh bán trú có nước nóng sử dụng mọi lúc.
Cùng đó, nhiên liệu để sử dụng cho lò ủ nước được tận dụng từ rất nhiều loại như trấu, củi rác, lõi ngô… nên giá thành rẻ, dễ kiếm từ chính địa phương, gia đình học trò. Học sinh không còn phải lên rừng kiếm củi hay vất vả trông bếp đun nước như trước sau mỗi buổi học như trước.
Việc lắp đặt sử dụng lò ủ nước nóng bằng trấu giúp nhà trường có thể tiết kiệm được trên 300.000 đồng tiền điện mỗi ngày để đun nước nóng cho sinh hoạt của học sinh. Hiện nay trên 300 học sinh bán trú của Trường PTDTBT TH&THCS Hầu Thào có thể sử dụng nước nóng thoải mái.
Học sinh Má Thị Sao, lớp 9A chia sẻ: Kể từ đưa hệ thống đun nước nóng bằng trấu của thầy Sơn vào sử dụng chúng em thấy sinh hoạt tiện dụng hơn, không ngại hoạt động liên quan tới nước. Trước đây, khi phải đun nước tắm có khi mỗi tuần chỉ tắm 1 lần nhưng bây giờ có thể tắm hàng ngày.
Không những thế, việc vận hành hệ thống đun nước khá dễ dàng, 2 lần/ngày (sáng và chiều, mỗi lần kiểm tra và ủ thêm trấu mất 15 phút). Việc vận hành được chia đều cho các lớp nên không mất thời gian, học sinh yên tâm học tập cả ngày mà vẫn có nước ấm sinh hoạt. Hệ thống nước nóng tại trường đảm bảo, thuận tiện hơn ở gia đình nên học sinh rất phấn khởi, thêm yêu và gắn bó với trường lớp.
Thầy Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Thầy Bùi Huy Sơn có chuyên môn vững vàng. Yêu thương và gần gũi với học trò, nhân dân trong khu vực. Công trình lò ủ nước nóng bằng trấu đầy ý nghĩa và thiết thực. Đã giải quyết những khó khăn của đời sống học sinh vùng cao trong mùa đông giá rét.
Mặt khác, với sự gần gũi với người dân nên thầy Sơn có thể huy động sự ủng hộ về nguyện vật liệu, ngày công từ phụ huynh giúp cho hệ thống bếp ủ nước nóng bằng trấu có giá thành lắp đặt thấp, phụ huynh yên tâm khi gửi con tới trường. Nhiều trường cùng điều kiện có thể ứng dụng lắp đặt hệ thống bếp để phục vụ tốt hơn cho đời sống, sinh hoạt của học trò.