Thầy giáo Mười thuê nhà mở thư viện

GD&TĐ - Thầy giáo Đặng Văn Mười (giáo viên Vật lý, Trường THPT Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) sở hữu khoảng 4.000 đầu sách.

Thầy giáo Đặng Văn Mười bên thư viện mini Hiền Nhân.
Thầy giáo Đặng Văn Mười bên thư viện mini Hiền Nhân.

Thư viện mini Hiền Nhân của thầy Mười được duy trì khoảng 5 năm nay với mong muốn được lan tỏa niềm đam mê đọc sách.

Thuê nhà mở thư viện

Với sự bày biện khéo léo, dù diện tích căn nhà thuê tại số 8 Phan Huy Ích không mấy rộng rãi, nhưng được thầy Mười thiết kế thành những không gian đọc sách rất riêng tư. Đây là căn nhà do thầy Mười tự bỏ tiền ra thuê từ hơn một năm nay. Trước đó, thầy Mười thuê một căn nhà trên đường Lê Hữu Trác để mở thư viện. Để có thể phục vụ nhu cầu bạn đọc, thầy Mười còn trích thêm 3 triệu đồng/tháng để thuê một thủ thư trực trong giờ hành chính. Gần 2 năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid–19, thư viện Hiền Nhân gần như chỉ do thầy Đặng Văn Mười chăm chút.

Chia sẻ về mô hình thư viện mini của mình, thầy Mười cho biết: “Việc xây dựng thư viện xuất phát từ niềm đam mê đọc sách của tôi, từ năm cuối THCS. Lúc đó chưa nghĩ đến sẽ có thư viện như bây giờ nhưng tôi vẫn luôn ấp ủ giấc mơ có cho riêng mình một thư phòng để thỏa thích thú đọc sách”.

Những năm theo học đại học tại ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, nhiều bạn bè luôn bắt gặp chàng SV Đặng Văn Mười dù học Khoa Vật lý nhưng bất cứ thời gian rảnh nào là bám lấy những cuốn sách, từ sách nghiên cứu, đến truyện, thơ, sách kỹ năng sống… Thu nhập từ những suất dạy kèm chủ yếu được thầy Mười dùng để mua sách. Tìm được sách hay, Mười chia sẻ lại cho bạn bè có chung niềm đam mê đọc sách bằng cách cho thuê, hoặc mượn.

Năm 2011, tốt nghiệp đại học, Đặng Văn Mười về giảng dạy tại Trung tâm GDTX Sơn Trà (nay là Trung tâm GDTX số 1). Cũng bắt đầu từ đó, thầy Mười dành dụm tiền lương để đầu tư cho giấc mơ sách. Một kế hoạch chi tiết được vạch ra. Đến tháng 9/2017, khi lượng sách tương đối đầy đủ các mảng, thầy Mười bàn với ba mẹ xin mở thư viện. Lo cho con, ba mẹ anh không đồng ý.

Những phản biện, phân tích trái chiều về sự bền vững trong tương lai của thư viện từ phía bạn bè, người thân không làm thầy Mười thay đổi kế hoạch. “Mình làm thư viện để phục vụ bạn đọc, để thỏa ước mơ trước đã, kinh tế là phần phụ tính sau. Nhà có thể chưa có, nhưng phải có thư viện”, thầy Mười tự nhủ lòng và tiến hành thuê cơ sở, mở thư viện. Đương nhiên kinh phí cũng là vấn đề làm thầy giáo trẻ này khá đau đầu. Mọi thứ đều phải tính toán thật chi li, hoàn thiện dần từng thứ một để hạn chế tối đa sự lãng phí.

Thư viện Hiền Nhân có phát hành thẻ. Bạn đọc đến thư viện, nếu muốn mượn sách về nhà chỉ đóng mức phí 150.000 đồng/năm hoặc thẻ thành viên 40.000 đồng/tháng. Với những học sinh THCS, thư viện có chính sách giảm 50%, học sinh THPT được giảm 20%. Thư viện có phần mềm quản lý, theo dõi sách để tránh thất thoát. “Nếu có mất sách là gần như do tôi cho bạn bè mượn rồi quên không nhập dữ liệu khi cho mượn chứ không có tình trạng bạn đọc mượn sách mà không quay lại trả” – thầy Mười cho biết.

Thư viện Hiền Nhân còn có khoảng không gian để tổ chức thảo luận nhóm. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid–19).
Thư viện Hiền Nhân còn có khoảng không gian để tổ chức thảo luận nhóm. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid–19). 

Tương tác cùng bạn đọc

Em Trần Linh Hà – sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng là bạn đọc thường xuyên của thư viện Hiền Nhân - chia sẻ: “Tình cờ em có đọc được fanpage điểm sách của thư viện. Cách giới thiệu sách cũng rất riêng nên em tìm đến để mượn sách, một phần cũng vì tò mò với mô hình thư viện mini tư nhân. Đến rồi mới thấy thư viện bên ngoài thú vị hơn rất nhiều, từ cách bài trí sách đến không gian đọc”.

Không chỉ xây dựng mô hình thư viện với đầy đủ các mảng sách phục vụ bạn đọc, thầy giáo Mười còn đồng hành cùng bạn đọc bằng những bài giới thiệu đầy cuốn hút về sách thông qua fanpage của thư viện. Thầy Mười có thể bỏ ra hàng tiếng đồng hồ để tranh luận cùng bạn đọc về các vấn đề liên quan đến sách và nội dung sách. Sự tương tác đó giúp bạn đọc cảm nhận sâu hơn nội dung tác phẩm cũng như khơi gợi sự yêu thích đọc và tìm tòi kiến thức thông qua sách.

Với những bạn đọc đang ở độ tuổi thiếu nhi, thầy Mười luôn tìm cách định hướng trong việc lựa chọn sách để đọc. Dù thư viện dành hẳn một không gian cho thiếu nhi với nhiều đầu sách là truyện tranh, nhưng thầy giáo trẻ này không bao giờ để các em nhỏ ngồi lâu với thể loại truyện này. Thay vào đó, thầy khuyến khích các em đọc những sách kỹ năng phù hợp hoặc truyện chữ, dành những phần quà sách truyện tranh cho những kết quả học tập tốt của các em sau mỗi tháng. Bạn đọc đến thư viện, nhất là học sinh, sinh viên nhưng không có thẻ, thầy đều cười và cho các em mượn sách về nhà đọc, chỉ cần điều kiện thích đọc sách.

Hàng tháng, thầy Đặng Văn Mười đều trích một phần lương mua thêm sách bổ sung cho thư viện. Một dự án dài hơi với nhiều thứ cần đầu tư, nhưng thầy giáo trẻ ấy vẫn luôn ấp ủ giấc mơ về sách - đưa sách đến với mọi người.

Năm 2020, thầy Đặng Văn Mười được Hội đồng Sở GD&ĐT Đà Nẵng xếp loại A cho đề tài Nâng cao văn hóa đọc của học sinh tại các trường THPT thành phố Đà Nẵng. Ngoài chỉ ra nguyên nhân, đề tài còn đề xuất những giải pháp khả thi để phát triển văn hóa đọc, đưa sách gần hơn với học sinh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.