Thấy gì qua việc tạm ngừng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 đối với trường ĐH Phan Châu Trinh?

Thấy gì qua việc tạm ngừng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 đối với trường ĐH Phan Châu Trinh?

Ngày 03/8/2010, Bộ GD-ĐT ra Quyết định số 3204/QĐ-BGDĐT về việc tạm ngừng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 đối với ĐH Phan Châu Trinh (nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam). Ngày 05/8, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đã đến trường công bố quyết định trên. Lý do mà Bộ GD-ĐT đưa ra là trường đã vi phạm Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Trường được thành lập từ ngày 06/8/2007, đã tuyển sinh và đào tạo trình độ ĐH từ năm 2007 nhưng đến nay chưa ban hành được quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Chưa hết, trường ĐH Phan Châu Trinh đã vi phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ chính quy ban hành kèm theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGDĐT ngày 04/03/2005, được sửa đổi bổ sung theo Quyết định số 05/2006/QĐ/BGDĐT ngày 21/02/2006 và Quyết định số 04 /2007/QĐ-BGDĐT ngày 22/02/2007 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Quyết định tạm ngừng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 của Bộ GD-ĐT đối với ĐH Phan Châu Trinh đã gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Với một trường có nhiều vi phạm và vi phạm nghiêm trọng ngay từ khi mới thành lập, tại sao đến hôm nay, khi năm học mới sắp bắt đầu Bộ GD-ĐT mới ra quyết định dừng tuyển sinh? Số phận những thí sinh đỗ vào ĐH Phan Châu Trinh trong kỳ thi ĐH, CĐ vừa rồi sẽ ra sao?Quyết định tạm ngừng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 của Bộ GD-ĐT đối với ĐH Phan Châu Trinh có là "đòn trừng phạt" quá nặng?..

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, HĐQT và Ban giám hiệu ĐH Phan Châu Trinh về thông báo kết luận xử lý sai phạm tại trường. ảnh gdtd.vn

Những vi phạm nghiêm trọng

Trường ĐH Phan Châu Trinh được thành lập theo Quyết định số 989/QĐ-TTg ngày 06/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra số 108/KL-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ngày 12/3/2010 thì đã hơn 2 năm kể từ ngày thành lập, Chủ tịch HĐQT không tổ chức họp đại hội đồng cổ đông, chưa ban hành được quy chế tổ chức hoạt động của trường và nhà trường chưa có ban kiểm soát...Nguyên nhân của tất cả những sai sót trên được xác định là do nội bộ HĐQT dưới sự lãnh đạo của nhà văn Nguyên Ngọc đã rơi vào tình trạng mất đoàn kết đến mức "không thể ngồi lại với nhau".

Năm 2007, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có quyết định số 6589/QĐ-BGDĐT về việc giao cho trường đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy với 06 ngành: công nghệ thông tin, công nghệ điện tử viễn thông, tài chính-ngân hàng, Việt Nam học, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Cũng trong năm 2007, Bộ GD&ĐT có công văn số 11759-ĐH&SĐH giao cho trường 700 chỉ tiêu đào tạo trình độ ĐH theo hình thức xét tuyển từ kết quả tuyển sinh ĐH theo đề thi chung của thí sinh cùng khối thi. Với lý do địa bàn tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng nặng nề của bão lụt (cơn bão Chanchoo) trường ĐH Phan Chu Trinh đã đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức thi tuyển theo đề thi riêng của trường với các khối A, C, D1. Mặc dù không được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT nhưng ĐH Phan Châu Trinh đã tự ý tổ chức thi tuyển sinh vào các ngày 22-23/12/2007 theo đề thi riêng của trường. Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, chưa có tiền lệ.

Ngoài ra, theo kết luận thanh tra số 108/KL-BGDĐT ngày 13/2/2010 của Bộ GD-ĐT, công tác tổ chức thi và tuyển sinh của trường còn có những  vi phạm nghiêm trọng khâu ra đề thi, chấm thi, xét tuyển: Không có đề thi dự bị; môn ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm nhưng tổ chức rọc phách và chấm bằng tay, giữa phần phách và bài làm không có liên hệ gì; tổ chức chấm thi chưa đảm bảo quy trình chặt chẽ, xét tuyển sinh không đúng khối theo quy định 77 thí sinh; nhập dữ liệu về khu vực ưu tiên hoặc đối tượng sai với hồ sơ học bạ của 191 thí sinh nhằm nâng điểm ưu tiên theo khu vực hoặc đối tượng; 24 sinh viên không có trong danh sách trúng tuyển nhưng vẫn được đi học; 6 sinh viên không có hồ sơ...

Những câu hỏi xung quanh quyết định của Bộ GD-ĐT

Quyết định tạm ngừng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 của Bộ GD-ĐT đối với ĐH Phan Châu Trinh được coi là sự kiện "nóng" nhất của mùa tuyển sinh năm nay. Trên hệ thống thông tin truyền thông, người ta đặt câu hỏi rằng có phải đây là "một quyết định mang tính trừng phạt?" hay chất vấn rằng việc tạm ngừng tuyển sinh ở ĐH Phan Châu Trinh phải cân nhắc lợi ích lâu dài...

Phản ứng trước quyết định của Bộ GD-ĐT, nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch HĐQT ĐH Phan Châu Trinh tuyên bố: "Tôi xin trả lại quyết định tạm ngừng tuyển sinh của Bộ".

Cũng phải nói rằng, đây là lần đầu tiên Bộ có "động thái mạnh" đối với các trường ĐH, CĐ. Những sai phạm của ĐH Phan Châu Trinh là khó có thể chấp nhận và cần được xử lý nghiêm khắc.

Trong số trên 400 trường ĐH, CĐ của nước ta hiện nay vẫn còn một số trường   đang trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu giảng viên là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng GDĐH của ta còn nhiều hạn chế yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Dư luận lên tiếng đòi phải đóng cửa một số trường ĐH kém chất lượng.

Trao đổi với chúng tôi về quyết định tạm ngừng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 của Bộ GD-ĐT đối với ĐH Phan Châu Trinh, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Trúc khẳng định: Quyết định của Bộ tuân thủ nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về GD ĐH, cân nhắc, tôn trọng ý kiến của chính quyền địa phương và tạo điều kiện đảm bảo tối đa quyền lợi của người học trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo.

Trả lời câu hỏi rằng khi đã có kết luận thanh tra đối với ĐH Phan Châu Trinh từ ngày 12/3/2010, trong khi thí sinh đăng ký dự thi vào các trường vào cuối tháng 4, tại sao Bộ GD-ĐT không cho dừng tuyển sinh ngay mà để đến tận ngày 5/8 mới công bố quyết định? Ông Trúc khẳng định: "Không phải cứ có kết luận thanh tra là có thể ra quyết định dừng tuyển sinh được. Sau kết luận thanh tra, trường còn khiếu nại và Bộ phải giải quyết phần khiếu nại. Thời gian giải quyết những thủ tục ấy kéo dài vài tháng là chuyện bình thường...".

Trả lời câu hỏi rằng số phận những thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH Phan Châu Trinh sẽ ra sao? Phó Chánh Thanh tra Phạm Ngọc Trúc cho biết, Bộ GD-ĐT đã thống kê đầy đủ kết quả thi của thí sinh đăng ký xét tuyển NV1 vào trường ĐH Công nghệ Đông Á và trường ĐH Phan Châu Trinh. Bộ đang đứng ra làm đầu mối thực hiện các công việc cần thiết để quyền lợi của các thí sinh này được đảm bảo đầy đủ và bình đẳng như các thí sinh khác

 

Trả lời câu hỏi, tại sao ĐH Phan Châu Trinh tự ý tổ chức thi tuyển từ năm 2007 mà đến tận năm 2010 Bộ GD-ĐT mới biết? Ông Trúc lý giải: ĐH Phan Châu Trinh tổ chức thi trái phép nhưng lại báo cáo về Bộ là xét tuyển. Sự thiếu trung thực của nhà trường trong báo cáo và Bộ thiếu kiểm tra chặt chẽ  nên đến tháng 1/2010, sau khi Vietnamnet đăng bài “Tự ý tuyển sinh vì xin mãi Bộ không trả lời”, Bộ GD-ĐT mới biết sự thực.

Liên quan đến việc Chủ tịch HĐQT Nguyên Ngọc và Hiệu Trưởng Phan Ngọc Thu khiếu kiện ông Trần Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Hợp tác chuyên gia và kỹ thuật với nước ngoài thuộc Bộ GD-ĐT, một cổ đông lớn của ĐH Phan Châu Trinh, ông Trúc cho rằng, quyết định tạm ngừng tuyển sinh của Bộ không có liên quan đến chuyện của ông Chính. Bộ đã thành lập đoàn thanh tra theo khiếu kiện của ĐH Phan Châu Trinh về ông Chính, tuy nhiên, việc ông Chính có sai phạm hay không sai phạm không làm thay đổi quyết định của Bộ đối với việc xử lý ĐH Phan Chu Trinh.

Xét cho cùng, quyết định tạm ngừng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 đối với ĐH Phan Châu Trinh của Bộ GD-ĐT là hợp lý, hợp tình. Nó hợp lý ở chỗ, một cơ sở GDĐH với từng ấy sai phạm là không thể không xử lý. Trong bối cảnh Bộ GD-ĐT đang tích cực triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 nhằm nâng cao chất lượng GDĐH, trong đó yêu cầu “không duy trì các trường đào tạo có chất lượng kém” và Nghị quyết số 50/2010/NQ-QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, trong đó yêu cầu “Thực hiện hậu kiểm, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc, tùy theo mức độ vi phạm để đình chỉ hoạt động, hạ cấp hoặc giải thể đối với những trường vi phạm quy định của pháp luật và cam kết thành lập trường” thì việc tạm ngừng tuyển sinh với những cơ sở GD-ĐT yếu kém như ĐH Phan Châu Trinh là hết sức hợp lý, nếu không muốn nói là quá nhẹ.

Trong bối cảnh nội bộ hội đồng quản trị nhà trường mất đoàn kết nghiêm trọng, quy chế hoạt động không được thông qua thì việc tạm ngừng tuyển sinh là một biện pháp để trường có thời gian củng cố lại tổ chức, đội ngũ giảng viên và ban hành quy chế hoạt động cho năm học tới là hết sức hợp tình. Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo các trường ĐH Đà Nẵng, Huế sẵn sàng trợ giúp ĐH Phan Châu Trinh về giảng viên, giáo trình nhằm vực dậy một ngôi trường đại học cho ra đại học.

Phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, HĐQT và Ban giám hiệu ĐH Phan Châu Trinh về thông báo kết luận xử lý sai phạm tại trường, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, trường phải nhanh chóng kiện toàn bộ máy hoạt động để ổn định và phát triển, vì quyền lợi của cổ đông và trên hết là vì quyền lợi của sinh viên.

Xử lý như thế là thấm đẫm tình người, sao có thể được coi là “đòn trừng phạt” đối với ĐH Phan Châu Trinh!

Anh Phương

Đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho TS 2 trường ĐH bị tạm ngừng tuyển sinh

Bộ GD&ĐT cho biết đã có phương án để quyền lợi của thí sinh đăng ký xét tuyển NV1 vào trường ĐH Công nghệ Đông Á và ĐH Phan Chu Trinh – hai trường vừa bị tạm ngừng tuyển sinh năm 2010 -  được đảm bảo đầy đủ và bình đẳng như những thí sinh khác.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2010, Trường Đại học Công nghệ Đông Á và Trường Đại học Phan Châu Trinh chỉ xét tuyển không tổ chức thi. Theo thống kê của Bộ GD &ĐT, tổng số có 62 thí sinh đăng ký xét tuyển NV1 vào 2 Trường đại học trên (trong đó, có 14 thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Công nghệ Đông Á và 48 thí sinh đăng ký xét tuyển NV1 vào Trường Đại học Phan Châu Trinh).

Trong số 14 thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Công nghệ Đông Á, có 13 thí sinh dự thi (01 TS không dự thi) và có kết quả thi của cả 3 môn thi. Trong số này, có 1 thí sinh dự thi khối A đạt 8.5 điểm/3 môn, đủ điểm sàn cao đẳng (thí sinh thuộc khu vực 1)
 
Trong số 48 thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Phan Châu Trinh, có 46 thí sinh dự thi và có kết quả thi  của cả 3 môn thi (02 TS không dự thi). Trong đó, có 2 thí sinh đạt kết quả thi đủ điểm sàn đại học và 7 thí sinh có kết quả thi đủ điểm sàn cao đẳng (kể cả điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực).

Bộ GD&ĐT đã liên hệ trực tiếp với hai thí sinh đạt điểm sàn đại học này và đề nghị thí sinh viết đơn xin chuyển nguyện vọng 1 vào học tại trường đại học khác phù hợp.

Ngày 12/8/2010, Bộ GD&ĐT đã nhận được đơn xin chuyển nguyện vọng 1 của 2 thí sinh, trong đó 1 thí sinh đăng ký xét tuyển NV1 vào trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng và 1 thí sinh đăng ký xét tuyển Nv1 vào trường ĐH Duy Tân. Cùng ngày, Bộ GD&ĐT đã chuyển đơn của 2 thí sinh cho 2 trường và đề nghị Hội đồng tuyển sinh 2 trường xét tuyển theo đúng quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.

Đối với 8 thí sinh có kết quả thi từ điểm sàn cao đẳng đến dưới điểm sàn đại học, Bộ GD&ĐT sẽ gửi trực tiếp giấy chứng nhận kết quả thi đại học số 1 và số 2 cho những thí sinh này, để thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển NV2 hoặc NV3 vào các trường cao đẳng khác còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định của các trường.

Với số thí sinh còn lại, có kết quả thi dưới điểm sàn cao đẳng,  Bộ GD&ĐT sẽ gửi phiếu báo điểm, để thí sinh xét tuyển  vào học trung cấp chuyên nghiệp,... 

Theo đúng lịch công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2010, trước ngày 20/8/2010, trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng và trường ĐH Duy Tân thông báo kết quả xét tuyển NV1 và gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho 2 thí sinh (nếu đủ điểm trúng tuyển theo Quyết định của Hội đồng tuyển sinh trường). Trường hợp, nếu không trúng tuyển, thí sinh sẽ nhận được 2 giấy chứng nhận kết quả thi đại học số 1 và số 2, thí sinh sử dụng 2 giấy này để tham gia đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 hoặc nguyện vọng 3 vào các trường đại học, cao đẳng khác còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định của các trường.

Cũng trước ngày 20/8/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ gửi giấy chứng nhận kết quả thi đại học số 1 và số 2 cho những thí có kết quả thi từ điểm sàn cao đẳng đến dưới điểm sàn đại học, để thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển vào cao đẳng và phiếu báo điểm cho thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn cao đẳng, để thí sinh tham gia xét tuyển vào trung cấp chuyên nghiêp,.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ