Bước chuyển cần thiết
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 so với Chương trình 2006 là sự thay đổi về chất, chuyển từ trang bị kiến thức, kỹ năng, sang hình thành phẩm chất, năng lực cho HS. Nhấn mạnh điều này, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Hương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng, đương nhiên phải có sự đổi mới trong kiểm tra, đánh giá HS cho phù hợp với Chương trình GDPT mới ở bậc trung học.
Những điểm mới đó được thể hiện ở phương pháp, hình thức, kỹ thuật, công cụ đánh giá khác nhau; đánh giá vì sự tiến bộ của HS, coi trọng việc động viên, khuyến khích cố gắng của HS, không so sánh giữa HS này với HS khác; kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số; sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá vào việc khen thưởng, xét lên lớp phù hợp với thực tiễn và khắc phục được nhược điểm trước đây.
Những điểm mới này, theo thầy Tuấn Anh, là rất mềm mại, uyển chuyển, tạo cơ hội cho HS tự tin, phấn đấu trong học tập và rèn luyện. Đặc biệt quá trình đánh giá còn khuyến khích chính HS và cha mẹ HS cùng tham gia để đảm bảo tính công bằng, minh bạch.
Khi chuyển sang thực hiện Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá HS THCS và HS THPT kể từ năm học 2021 - 2022. Chia sẻ những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 22, thầy Hồ Tuấn Anh cho biết: Thông tư 22 quy định số môn/ hoạt động đánh giá bằng nhận xét gồm: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, các nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Các môn còn lại (gồm 8 môn) kết hợp nhận xét và chấm điểm.
Việc nhận xét được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Nhận xét bằng lời nói trực tiếp, ghi sổ tay, ghi sổ điểm, phối hợp với cha mẹ HS… Số điểm kiểm tra cũng linh hoạt hơn. Điểm kiểm tra thường xuyên có thể thực hiện nhiều lần để lựa chọn lần phù hợp nhất ghi vào sổ điểm. Điểm kiểm tra định kỳ và cuối kỳ chỉ giới hạn mỗi học kỳ một con điểm/ môn học. Hình thức kiểm tra cũng đa dạng hơn.
Việc đánh giá kết quả rèn luyện của HS cũng nhân văn, nhẹ nhàng hơn. Thay vì xếp loại hạnh kiểm theo bốn mức Tốt, Khá, Trung bình, Yếu như trước đây, Thông tư 22 đánh giá kết quả rèn luyện của HS theo bốn mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Ngoài ra, điểm mới đáng chú ý nữa là việc khen thưởng cho HS ở hai mức: HS xuất sắc và HS giỏi, không còn danh hiệu HS tiên tiến như trước.
“Với những điểm mới trên, Thông tư 22 đã khắc phục việc chạy theo điểm số, tư tưởng môn chính, môn phụ… Đồng thời tạo điều kiện để HS tự tin theo đuổi ước mơ phù hợp với năng lực, sở trường của mình. Tôi cho rằng Thông tư này được ban hành kịp thời, phù hợp, đáp ứng yêu cầu đánh giá HS theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018” - thầy Hồ Tuấn Anh nhận định.
Cùng quan điểm này, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cũng đánh giá bước chuyển mới trong đổi mới kiểm tra, đánh giá HS gắn với chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới ở trung học là hợp lý, phù hợp để phát triển năng lực, phẩm chất người học.
“Thông tư 22 phù hợp, đáp ứng yêu cầu đánh giá phát triển năng lực, phẩm chất HS theo chương trình mới; hạn chế chạy đua điểm số, thành tích trong giáo dục. Giáo viên sẽ có nhiều phương thức đánh giá HS: Đánh giá bằng nhận xét, đánh giá bằng điểm số. Với đánh giá bằng nhận xét, giáo viên có thể dùng từ ngữ nhận xét giúp HS tiến bộ hơn, khích lệ, động viên được HS, nhất là HS lớp 6, lớp 10 vừa chuyển cấp, có sự thay đổi tâm lý, môi trường học tập. Giáo viên cũng đã được tập huấn về cách đánh giá HS” - cô Vũ Thị Anh chia sẻ.
Để tránh “bình mới, rượu cũ”
Để triển khai hiệu quả Thông tư 22, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Tuấn Khanh cho rằng: Trước tiên cần nắm chắc quan điểm xây dựng Thông tư, hiểu đúng, đầy đủ các nội dung, từ đó triển khai thực hiện chính xác, thống nhất trong tất cả cơ sở giáo dục.
Để thống nhất trong triển khai thực hiện, Sở GD&ĐT An Giang tổ chức tập huấn cho tất cả thủ trưởng cơ sở giáo dục, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất việc tổ chức thực hiện không đúng theo quy định. Sau tập huấn, sở giao trách nhiệm cho thủ trưởng các đơn vị triển khai lại cho tất cả thành viên liên quan, tập trung cho giáo viên. Thông qua giáo viên chuyển tải những nội dung liên quan đến học sinh và phụ huynh học sinh; từ đó hợp tác và hỗ trợ, bảo đảm đánh giá chính xác, kịp thời và toàn diện.
Trong quá trình triển khai, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục thường xuyên tự kiểm tra, phân công phòng chuyên môn, phòng GD&ĐT tổ chức tư vấn, kiểm tra; qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót và rà soát những nội dung bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn (nếu có) để đề xuất cơ quan cấp trên điều chỉnh cho phù hợp.
Tránh tình trạng bình mới, rượu cũ, theo thầy Hồ Tuấn Anh, ngành Giáo dục cần tiếp tục ban hành các quy định để thay đổi thói quen, định kiến của giáo viên, cha mẹ HS, như: Tổ chức các kỳ thi sao cho phù hợp; giải quyết triệt để vấn đề dạy thêm, học thêm trong nhà trường để tập trung nguồn lực cho hoạt động thực tiễn…
“Ngay sau khi có Thông tư 22, Trường THCS Quỳnh Phương chuyển đến các tổ chuyên môn, giáo viên để thầy cô nghiên cứu. Điều đáng mừng là thầy cô đón nhận Thông tư mới với thái độ rất tích cực. Trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch môn học trong đó phần kiểm tra đánh giá HS thực hiện theo Thông tư số 22/2021 và chưa gặp khó khăn, vướng mắc. Tôi tin rằng từ năm học 2021 - 2022, Thông tư số 22/2021 sẽ đi vào thực tiễn và phát huy tốt hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018” - thầy Hồ Tuấn Anh thông tin.