Đặc biệt, khi Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực với nhiều điểm mới, thầy cô đã chủ động, linh hoạt trong đánh giá HS bằng hình thức khác nhau.
"Nào mình cùng lên xe buýt"
Vừa qua, Trường THCS Minh Đức, Quận 1 triển khai cho khối 8, 9 của trường chuyên đề trải nghiệm bằng xe buýt 2 tầng mui trần học tập liên môn Văn, Sử, Địa, Tiếng Anh. Theo đó, HS được chia theo từng lớp, tìm hiểu hình thức du lịch bằng xe buýt hai tầng mui trần khám phá kiến trúc xây dựng xưa và nay của TPHCM và quan sát thực trạng giao thông hiện nay tại trung tâm TP. Điều thú vị là các em sẽ làm bài kiểm tra theo nhóm.
HS được chia thành nhiều nhóm để hoàn thành các sản phẩm của môn học như tờ rơi giới thiệu về các điểm tham quan trung tâm TP qua xe buýt hay sản phẩm mô tả giao thông TP… Những sản phẩm đều giới thiệu bằng tiếng Anh, có tiếng Việt phụ đề và được HS thuyết trình theo nhóm tại lớp. GV sẽ chấm điểm các sản phẩm của nhóm và cho vào cột điểm thường xuyên thay cho bài kiểm tra giấy.
Cô Đào Thị Bích Thủy, GV môn Địa lý, Trường THCS Minh Đức chia sẻ: Qua học tập trải nghiệm, thầy cô bất ngờ với năng lực, sở trường của học trò. Các em nắm được kiến thức môn học và thỏa sức sáng tạo với các sản phẩm của mình qua cách trình bày, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), năng lực ngoại ngữ, thuyết trình, làm việc nhóm… Điều này giúp GV đánh giá toàn diện đầy đủ, chính xác từng HS. Tùy vào bộ môn cụ thể, GV có thể sẽ cho điểm cộng, ưu tiên hoặc cho điểm HS vào cột điểm thường xuyên. Nó rất khác với những bài kiểm tra giấy trước đây mà các em đã làm ở lớp.
Tương tự, học kỳ I vừa qua, Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) triển khai dự án học tập trải nghiệm môn Lịch sử Sài Gòn by bus với nội dung phần lịch sử địa phương. Dự án nhận được sự hưởng ứng và tham gia của HS đến từ 6 trường THPT khác của Quận 1, Quận 3. HS tham gia dự án được chia theo nhóm khoảng 6 - 8 em. Các em trải nghiệm bằng phương tiện công cộng như xe buýt, buýt sông, xe buýt mui trần 2 tầng… để khám phá cảnh đẹp, tìm hiểu lịch sử, văn hóa qua trang phục, ẩm thực… của Sài Gòn.
Sau khi học tập trải nghiệm, HS cùng làm một bài kiểm tra “độc lạ”, đó là “review” và ghi lại bằng những video, tập san, mô hình. Theo đó trang Sài Gòn by bus đã thu được 101 video clip, 12 bản đồ, 32 brochure, 14 poster. Những sản phẩm của HS được đầu tư công phu, đầy sáng tạo, Sài Gòn hiện lên qua lăng kính của các em rất sinh động.
Nổi bật trong đó là sản phẩm của nhóm 11A1, Trường THPT Lê Quý Đôn với các thành viên Quốc Hưng, Quốc Việt, Trung Nguyên, Tường Vân, Xuân Nghi, Phương Du. Các em thực hiện một bài báo cáo dự án độc đáo qua Rap. Quốc Việt - Quốc Hưng, hai thành viên của nhóm đã viết lời cho bản Rap giới thiệu cảnh đẹp Sài Gòn qua video mà nhóm thực hiện. Quốc Hưng cho hay: Thể loại Rap đang được nhiều bạn trẻ yêu thích và bản thân nhóm em cũng yêu Rap nên quyết định “phá cách” để giới thiệu về những cảnh đẹp Sài Gòn qua clip. Đây là dự án rất thú vị, ý nghĩa, tạo không gian học tập mở, đầy niềm vui, hiệu quả và cũng là bài… kiểm tra đặc biệt nhất đối với các thành viên trong nhóm.
Linh hoạt trong kiểm tra, đánh giá
Thầy Nguyễn Minh Trung, GV Sinh học Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) vừa triển khai cho HS khối 11 thực hiện dự án có tên các hệ cơ quan ở động vật. HS sẽ được tìm hiểu hệ tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, bài tiết và cân bằng nội môi với cách học và làm bài kiểm tra rất thú vị. Theo đó, thay vì học tập trên lớp, các em sẽ có những hoạt động trải nghiệm không gian ngoài lớp học, sử dụng phương pháp trực quan sinh động thông qua hình ảnh, biểu đồ, video, mẫu vật thật, làm việc nhóm, thuyết trình… thông qua dạy học theo trạm và kỹ thuật “lắng nghe - suy nghĩ và chia sẻ”.
Mỗi nhóm với 4 - 6 thành viên tiến hành chọn 1 chủ đề của dự án để thực hiện. Sản phẩm của các em sẽ được cho vào cột điểm thường xuyên. Yêu cầu của từng nhóm là các sản phẩm (các tờ rơi tuyên truyền, poster, infographic, sơ đồ tiến hóa, hay thực hành mổ ếch, đo huyết áp…) mà các em làm ra giống như một đề bài kiểm tra, nhưng khác nhau về cách thức, hình thức cũng như nội dung. Thầy cô sẽ đánh giá một cách toàn diện và chấm điểm dựa vào sự tương tác trong quá trình làm việc nhóm, sản phẩm, thuyết trình…
Nói về việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng, làm một bài kiểm tra đơn thuần trên lớp chủ yếu là kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức của HS. Thực tế, nhiều em khả năng ghi nhớ chưa tốt, bài làm sẽ kém hơn các bạn nhưng lại có nhiều kỹ năng khác tốt hơn. Vì vậy, để đánh giá một cách toàn diện HS, việc đổi mới hình thức đánh giá là yêu cầu tất yếu, đòi hỏi GV phải chủ động thay đổi đánh giá bằng năng lực chứ không phải bằng kiến thức máy móc.