Thay đổi tích cực trong dạy và học với cách đánh giá mới

GD&TĐ - Gần một năm Thông tư 30 được triển khai sâu rộng tại các trường tiểu học, ở các địa phương. Trên thực tế, những tác động tích cực từ cách đánh giá mới đã mang lại cho thầy và trò những thay đổi đáng mừng trong quá trình dạy và học. 

Dạy học theo nhóm giúp học sinh Trường tiểu học Thăng Long (Hà Nội) chủ động hơn trong học tập
Dạy học theo nhóm giúp học sinh Trường tiểu học Thăng Long (Hà Nội) chủ động hơn trong học tập

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh cũng tích cực và chặt chẽ hơn trong việc giúp học sinh hình thành các năng lực bản thân.

Thông tin hai chiều chặt chẽ

Cô Đỗ Thị Hân - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Nội Thăng Long - cho biết: Nhờ có quá trình đánh giá bằng nhận xét, nên giáo viên đã chỉ rõ được cho học sinh những cái được và chưa được. Những lời động viên, khuyến khích học sinh, giúp các em phát huy tốt hơn những mặt mạnh của mình. 

Đồng thời định hướng cho các em sửa chữa những điểm còn hạn chế, để các em hoàn thiện hơn. Sau gần một năm học áp dụng cách đánh giá mới, các giáo viên đều nhận thấy học sinh của mình rất hào hứng khi nhận được những lời phê của cô giáo. Nếu như trước đây các em chỉ quan tâm đến điểm số, thì bây giờ những lời nhận xét của cô giúp các em hiểu rõ hơn bài làm của mình. 

Đặc biệt đối với học sinh lớp 4, lớp 5 các em đã có ý thức biết điều chỉnh, sửa chữa những phần sai sót trong bài làm khi nhận lại từ cô. Trong những giờ trả bài, học sinh thường chăm chú hơn khi đọc những lời nhận xét. Bản thân các em đã có sự đối chiếu và thấy được những tiến bộ của mình trong các bài làm.

Thông tư 30 cũng mang đến sự gắn kết chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường. Chính những lời phê của cô giáo giúp cho phụ huynh có những định hướng nhất định trong việc hướng dẫn con cái học tập ở nhà. Việc phụ huynh tham gia vào quá trình đánh giá học sinh sau mỗi học kỳ, rõ ràng có những tác động tích cực giúp cho kênh đánh giá học sinh thiết thực hơn.

Chị Liên Hương ở khu đô thị Xa La cho biết: Sau gần một năm nhà trường áp dụng cách đánh giá mới không chấm điểm cho học sinh mà thay vào đó bằng nhận xét, các phụ huynh đã quen với cách thông báo hai chiều giữa nhà trường và gia đình. 

Sau mỗi bài làm khi giáo viên nhận xét và gửi về gia đình, các phụ huynh đã có thói quen xem xét lại để củng cố kiến thức cho con. Chính vì vậy trẻ có ý thức hơn trong học tập, bố mẹ cũng có điều kiện theo sát con để uốn nắn. Không chỉ chú trọng đến năng lực học tập, mà cách đánh giá theo thông tư 30 còn giúp cho trẻ có cơ hội phát triển toàn diện các kỹ năng trong giao tiếp, sinh hoạt.

Tác động với việc đổi mới phương pháp

Theo cách đánh giá mới, Thông tư 30 chú trọng tới cách đánh giá về phẩm chất năng lực của học sinh. Đây cũng chính là đích đến nhằm phát huy năng lực, phẩm chất của người học một cách toàn diện. Vì vậy mỗi một giờ dạy của giáo viên cũng luôn phải được đổi mới, để thích ứng với cách đánh giá này. 

Ngoài việc áp dụng công nghệ thông tin hợp lý, các thầy cô phải làm chủ được kiến thức của mình, biết kích thích khơi gợi niềm hứng thú trong học sinh, giúp các em phát huy được năng lực của bản thân.

Trao đổi về điều này, thầy Nông Trọng Trình - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Cao Bằng) - cho biết: Thông tư 30 có tác dụng kích thích sự sáng tạo của cả giáo viên và học sinh. Đối với giáo viên, để phát huy tối đa năng lực của từng học sinh, giáo viên cần phải vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học mới. 

Cách soạn giáo án và việc tổ chức lớp học làm sao phải hướng học sinh tham gia tích cực vào quá trình xây dựng bài. Học sinh tự lĩnh hội kiến thức thông qua cách định hướng của giáo viên. Đối với học sinh tiểu học thì những hình ảnh sinh động, cùng cách phối hợp nhóm khi học tập trên lớp sẽ giúp các em tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và nhanh chóng hơn.

Cô Đinh Thị Nga - giáo viên dạy lớp 5a Trường tiểu học Hà Nội Thăng Long - chia sẻ: Để đáp ứng tốt việc áp dụng thông tư 30 vào quá trình dạy học cũng như đánh giá học sinh, các giáo viên phải đổi mới và sáng tạo trong bài dạy của mình. 

Đặc biệt trong giờ học giáo viên nên phát huy tối đa các hoạt động nhóm cho học sinh. Ví dụ trong chương trình lớp 5 học sinh được học bài tập đọc “Tà áo dài Việt Nam”. Giáo viên có thể tổ chức hoạt động học cho các em theo các nhóm. 

Trong quá trình đọc, học sinh quan sát tranh, trên cơ sở phiếu hướng dẫn học, các nhóm có thể tự phân công từng học sinh đọc theo từng đoạn. Vì vậy tất cả mọi học sinh đều được tham gia đọc bài và trả lời các câu hỏi dưới sự điều khiển của nhóm trưởng. 

Ở phần học chung, giáo viên sẽ đưa ra các câu hỏi và học sinh trả lời, sau đó giáo viên sẽ chốt lại nội dung chính. Theo cách này, mọi học sinh đều được tự tìm tòi và trải nghiệm, như vậy các em sẽ khắc sâu được kiến thức. 

Học xong bài các em có thể tự trình bày về vẻ đẹp của tà áo dài, cũng như hiểu thêm về ý nghĩa truyền thống của nét đẹp dân tộc.

Theo cô Nga, trong đổi mới phương pháp dạy học tích cực, giáo viên có thể áp dụng cách dạy tích hợp liên môn. Áp dụng cách dạy này, học sinh sẽ có kiến thức mở hơn và rèn cho các em kỹ năng tư duy biết so sánh, liên hệ với các kiến thức xung quanh mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ